(HNM) - Hà Nội có 13 xã và 1 thôn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó chỉ có 3 xã thuộc diện 135 là Khánh Thượng (Ba Vì), Phú Mãn (Quốc Oai) và An Phú (Mỹ Đức). Trước đây, nhiều người vẫn nói vui, “chính Thủ đô mới là nơi có nhiều người dân tộc sinh sống nhất Việt Nam”. Nhưng họ là những người dân tộc thiểu số ở phố.
Trước đây, nhiều người vẫn nói vui, “chính Thủ đô mới là nơi có nhiều người dân tộc sinh sống nhất Việt Nam”. Nhưng họ là những người dân tộc thiểu số ở phố. Còn có những người dân tộc có hộ khẩu Hà Nội hẳn hoi đang bám ruộng nương, đồi trọc để mưu sinh. Cái đói giờ không còn ám ảnh họ, song cái nghèo thì vẫn đeo đẳng đây đó. Có người mới thoát nghèo, có người đang cố thoát, có người vẫn chưa thoát nghèo nhưng họ thực sự là những người giàu tình nghĩa và giàu nghị lực.
Chăn nuôi lợn là mô hình phát triển kinh tế ở thôn Bắt Còn Chèm, xã Khánh Thượng, huyện Bà Vì. Ảnh: Bảo Hân |
An Phú... đã "an" rồi, đang đi tìm "phú"
Từ trung tâm huyện Mỹ Đức, theo con đường bê tông mới làm là đến xã An Phú, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình. Xã có sáu phần mười là người Mường thì hơn bốn phần là hộ nghèo. Ruộng chủ yếu là trũng chỉ cấy được một vụ, năng suất lại thấp, núi thì lại là núi đá vôi nhỏ và dốc, chẳng làm được gì.
Gặp già làng Bùi Văn Giang ngay tại hội nghị tập huấn công tác dân tộc về an toàn giao thông, câu chuyện giữa chúng tôi thoắt sôi nổi khi đề cập đến cái nghèo trước đây và cuộc sống của bà con An Phú từ lúc về với Thủ đô. Đưa chúng tôi về nhà ở thôn Bơ Môi, già Giang vừa đi vừa chỉ con đường bê tông vào tận xóm và bảo trước là con đường đất, trời mưa thì chẳng mấy ai muốn đi vào, đi ra "ngày xưa khổ lắm! Anh không tưởng tượng được đâu. Từ ngày có con đường, cái đói cứ dần dần đi mất". Nhà già Giang ở ngay mặt đường. Cũng từ căn nhà này, già đã nuôi dạy và lo cơ nghiệp cho cả thảy năm người con, ba trai hai gái. Thay vì mời khách những chén rượu nồng như phong tục của người Mường, già Giang lấy ra một can để trong góc nhà rót đầy ba chén mật ong đặc sánh đượm mùi hoa nhãn. Những chén mật ong khiến cho câu chuyện thêm phần nồng đượm, ấm cúng.
Già kể, ngày nhỏ, người Mường ở đây chỉ trông vào cây lúa và đi rừng. Cái đói nghèo cứ bám riết, còn nếp ăn ở, sinh hoạt của người Mường lại dần mai một đi. Thời thanh niên, già đã thoát ly đi làm cơ khí ở Chương Mỹ, đến khi về làng, tình cảnh của dân Mường nơi đây chả mấy đổi thay. Loay hoay, trăn trở với cái đói nghèo gần mười năm, già quyết định nhận khoán hơn bốn héc ta rừng. Từ đó, cái đói giảm dần nhưng cái nghèo còn nguyên. Miệng ăn núi lở. Năm đứa con đang tuổi lớn, khiến ông bố lo cái ăn không có thời gian mà thở. Lúa, ngô, khoai, sắn thu hái được cũng chỉ đủ để ấm bụng. Già bảo, ấy là còn may hơn nhiều nhà ở Bơ Môi lắm rồi! Cái khó ló cái khôn. Già không nhớ rõ tại sao lại quyết nuôi ong nhưng khi chăm đàn ong, già học được nhiều đức tính quý giá từ tập tính của loài ong, chúng vừa đoàn kết, vừa chăm chỉ.
Chăm chỉ, cặm cụi làm việc, đàn ong đã giúp cả gia đình già Giang thoát nghèo. Già kể, năm rồi được mùa, mật ong nhiều đến mức không còn chỗ để mà đựng. Mùa hoa nào mật ong nấy. Đợt trước mùa hoa nhãn, mỗi lần thu mật sau năm ngày là già lại có hơn 100 lít mật. Đận này mùa hoa táo, già lại mang ong xuống Phù Lưu lấy mật. Già Giang lẩm nhẩm: "Mỗi năm cứ tạm tính thu được khoảng 1.000 lít mật nhân lên với giá trung bình 80.000 đồng mỗi lít thế là tôi có 80 triệu bỏ vào túi rồi. Đó là chưa kể những thứ khác.
Lo xong cho năm người con, già Giang chỉ còn thú vui với con ong. Con ong không chỉ giúp già vượt qua nghèo đói, lo cho mấy đứa con mà giờ còn giúp già có thú vui của tuổi già. Già bảo, mỗi ngày tôi cứ làm ba chén mật sáng, trưa, chiều. Đến mùa hoa nào thì đưa đàn ong đến nơi đó, vừa vui vừa thấy mình không phải người thừa. Chẳng phải tự nhiên mà già Giang còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nuôi ong xã An Phú. Học tính đoàn kết của loài ong, già Giang giúp các gia đình khác trong thôn, ngoài xã nuôi ong. Dẫu cái nghèo đã không còn đất bám, nhưng già Giang lại lo một mối lo mới, đó là sắc Mường ngày càng nhạt đi trong nếp sống của lớp con cháu.
Bắt Còn Chèm trên đường thoát nghèo
Có lẽ từ lâu, các vùng đất dưới chân non Tản như xã Khánh Thượng, xã Ba Vì, nơi tận cùng phía Tây bắc Thủ đô, chỉ được biết đến với sắc Mường, sắc Dao và với cái nghèo đeo đuổi. Xã Khánh Thượng có ba thôn Hương Canh, Mít, Bắt Còn Chèm nằm trong danh sách của Chương trình 135. Bắt Còn Chèm, cái tên chẳng mấy ai nghe đến, có già nửa dân số là người Mường. Để vào thôn Bắt Còn Chèm, anh Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng phải dẫn chúng tôi đi đường vòng qua đất Hòa Bình vì đường của xã nhỏ, lầy lội không đi được. Tiếp cận Bắt Còn Chèm ở đầu kia của thôn, chúng tôi vẫn phải đi bộ vào vì đường đang bề bộn như công trường với những đống đá, xe ủi… Vừa đi, anh Trường vừa kể, tất cả bà con ở đây đều phấn khởi hiến đất để làm đường theo Chương trình 135. Con đường 135 đang được mở và đó cũng chính là con đường thoát nghèo của người dân Bắt Còn Chèm.
Cơ ngơi gồm một ngôi nhà khang trang, dãy chuồng trại đều tăm tắp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Phúc ẩn mình trong ngút ngàn xanh cây trái giữa thôn, ít ai biết cách đây vài năm chỉ là ngôi nhà lá xộc xệch. Bập vào chuyện, anh Sơn cởi mở, nói nguyên nhân cái nghèo của gia đình anh và của cư dân nơi đây xuất phát từ chính trình độ thâm canh lạc hậu, lối sống mang nặng tư tưởng ỷ lại. Sơn đã ở cái tuổi ngoài bốn mươi, đôi mắt trũng sâu, anh bảo để người nông dân ở nơi hẻo lánh này nhận ra được điều đó không phải dễ. Khi xây xong ngôi nhà mới, vợ chồng anh Sơn, chị Phúc tưởng đó là thời điểm hạnh phúc nhất của đời người, nhưng sự đời lại oái oăm, đó cũng là lúc gia đình anh rơi vào cảnh nghèo cùng cực vì cậu con trai mắc bạo bệnh. Bao nhiêu tiền của tích cóp được, anh chị phải chi tiêu để chữa căn bệnh u xương quái ác cho con trai út Nguyễn Văn Lâm khi đang học lớp 10.
Đận đó, cũng như bao người dân Bắt Còn Chèm khác, cái nghèo cứ bám đuổi nhà anh Sơn, chị Phúc vì diện tích ruộng canh tác eo hẹp và chỉ cấy được một vụ bởi nằm ở vùng ngập nước khi Thủy điện Hòa Bình xả lũ, lại chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên mùa nào cũng thất bát. Hết mùa lúa, qua mùa ngô, lúc giáp hạt chả biết xoay xở thế nào, hai anh chị phải theo chân những người nghèo khác lên rừng lấy củi. Một gánh củi đưa xuống chợ phiên Chèm, chợ phiên Thầy tuần họp bốn buổi, đi chỉ 7 - 8 cây số nhưng không có phương tiện hai vợ chồng lội bộ mất cả một buổi, ấy là những hôm nắng ráo con đường mảnh như sợi chỉ từ thôn qua cánh đồng Chèm không bị ngập nước. Chị Phúc nhớ lại: "Những năm nước lớn, vào tháng 6, nước về ngập trắng cánh đồng Chèm, ngập luôn con đường nhỏ dẫn vào thôn. Nhưng vì mưu sinh, vợ chồng tôi cứ phải đội củi lên đầu dò dẫm bước đi, những mong kiếm đồng rau cháo qua ngày. Giờ nghĩ lại còn thấy rờn rợn".
Nghèo mãi cũng bức bối, nhiều đêm hai vợ chồng lo nghĩ không tài nào chợp mắt. Suy tính chán, cuối cùng con đường thoát nghèo được vạch ra là phải đi học, học cách người ta chăn nuôi tốt, trồng trọt giỏi để về áp dụng. Nghĩ là làm. Hễ trên xã có mở lớp học hướng dẫn về chăn nuôi, trồng trọt anh Sơn sẵn sàng bỏ cả buổi làm phu hồ, chị Phúc cũng bỏ buổi chợ phiên đến nghe. Cuốn vở học sinh của con cầm theo ghi dày đặc những lời giảng viên hướng dẫn từ cách xây chuồng, chọn giống trồng lúa, ngô thế nào cho phù hợp với đất Bắt Còn Chèm anh Sơn, chị Phúc học thuộc làu. Sau những buổi học đó, về nhà có con bò nuôi từ ngày ông bà cho ra ở riêng, hai vợ chồng quyết bán để đầu tư nuôi lợn, xây chuồng và mua giống mới. Nhà đã có sẵn 4 sào ruộng khoán, anh chị còn mạnh dạn thuê thêm 5 sào nữa thuộc đất tỉnh Hòa Bình liền kề trong vòng 10 năm để vững tâm canh tác.
Trời không phụ lòng người, hay nói đúng hơn đất mồ côi không phụ công người chăm bón, ngay mùa thu hoạch đầu tiên anh chị Sơn Phúc đã có lãi. Số tiền đó đủ để cả nhà mua một chiếc xe máy cho chị Phúc chạy chợ phiên. Hàng hóa bán ngoài chợ giờ không còn là mấy gánh củi còm nữa mà đã là món bánh làm từ chính hạt gạo, hạt ngô anh chị thu được sau những vụ được mùa. Cái nghèo không còn đất để bám nữa. Chị Phúc còn rủ thêm nhiều chị em trong thôn như chị Cấn Thị Oanh, chị Nguyễn Thị Hoa… người xóm Chèm cùng học theo để cùng thoát nghèo. Năm 2007, chị Nguyễn Thị Phúc còn vinh dự nhận bằng khen của xã vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Khi kể về tấm bằng thành tích đó, chị Phúc nói giọng ngại ngần: "Tìm cách thoát được nghèo đã là hạnh phúc lớn với người dân Bắt Còn Chèm rồi. Ai dám nghĩ thi đua để được khen".
Đi bộ tắt qua mấy khu vườn, chúng tôi lại chứng kiến một cảnh nghèo éo le của gia đình người Mường khác. Ngồi trong căn nhà mới được dựng xong bằng tiền hỗ trợ và công sức của bà con, họ mạc trong thôn, chị Nguyễn Thị Hải run run kể lại cảnh mẹ con không dám ngủ trong căn lều dột nát mỗi khi có mưa to gió lớn vì sợ mái lều sập xuống bầt thình lình. Chị Hải bảo có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình có mái nhà vững chắc. Chồng chị mới mất sau hơn mười năm ngã bệnh hiểm nghèo. Trước đây, cả nhà bốn miệng ăn chỉ trông vào mỗi chị. Đã nghèo thì nghèo đủ đường! Đứa con cả của chị phải đi học cấp ba nhờ ở Phú Cường bên Hòa Bình, vì nếu xuống thị trấn Ba Trại học thì phải đi mất hơn ba mươi cây số và phải trọ lại. Học ở Phú Cường cháu có thể đi về trong ngày, còn có thời gian giúp mẹ, chăm em. Khi chưa có nhà, đã có lúc chị nghĩ phải để cậu cả bỏ học để kiếm tiền, nhưng giờ có nhà rồi chị sẽ cố gắng cho con học cao hơn để thoát hẳn cái nghèo.
"Người giàu" ở Bắt Còn Chèm chưa đạt được đến cỡ cầm tiền tỷ trong tay nhưng giàu tình nghĩa hơn hẳn những vùng đất khác. Tâm sự của Phó Chủ tịch xã Khánh Thượng, ông Nguyễn Văn Trường khi dẫn chúng tôi tham quan mấy thôn 135 tận cùng phía Tây của Thủ đô từ lúc bước chân trên những con đường gồ ghề sỏi đá dẫn vào thôn giờ càng thấm thía. Tết này đường bê tông mà xong kịp, bà con sẽ có đường rộng 5 mét dẫn vào từng ngõ xóm. Ông Trường bảo, có đường là chúng tôi vững tâm xây dựng vùng chăn nuôi và thu mua sữa phía Tây Ba Vì để bà con có thêm nghề thoát nghèo. Có đường là con em chúng tôi đi học cũng gần hơn nhiều… Chả còn gì sướng bằng!
Cũng như bao vùng đất đang nỗ lực vươn lên, so với những năm trước đây, rõ là Bơ Môi ở An Phú, Bắt Còn Chèm ở Khánh Thượng đã giàu hơn sau hai năm về với Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.