(HNM) - Xác thực điện tử (eKYC) là khái niệm còn khá mới với nhiều ngân hàng, nhưng riêng với Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), eKYC đã được triển khai trên LiveBank (Ngân hàng tự động) từ tháng 2-2017. Từ một ngân hàng trong diện tái cơ cấu, TPBank đã trở thành một trong những ngân hàng đi đầu trong dịch vụ số. Làm nên thành công của TPBank ngày hôm nay phải nhắc đến Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng, người luôn có mục tiêu rất rõ ràng: “TPBank luôn cố gắng để đi trước nửa bước”.
Nhớ lại những ngày đầu "bén duyên" TPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng chia sẻ: "Khi được mời về TPBank, tôi cũng suy nghĩ nhiều, bởi gần một thập kỷ trước, TPBank là một ngân hàng 3 “không”: Không có bộ máy quản lý điều hành đủ năng lực và tâm huyết; không có hệ thống quản trị rủi ro; không nền tảng hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu khách hàng. Cả ngân hàng chỉ có hơn 20 điểm giao dịch, với gần 700 cán bộ, nhân viên, gần 60.000 khách hàng, dư nợ khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng".
Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng hào hứng kể lại, thay vì cố gắng mở thêm chi nhánh, TPBank tập trung vào công nghệ với trọng tâm là ngân hàng số, triển khai các tính năng ngân hàng điện tử, internet Banking, mobile Banking. Ngay từ năm 2017, TPBank đã triển khai ngân hàng tự động LiveBank, giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều dịch vụ như mở tài khoản, rút tiền, gửi tiền… mà không cần phải trực tiếp tới các phòng giao dịch của ngân hàng. Đặc biệt, LiveBank hoạt động 24/7, không nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Đến nay, LiveBank đã đáp ứng 70-80% dịch vụ của một chi nhánh giao dịch truyền thống, với việc xử lý trung bình khoảng 1 triệu giao dịch/tháng.
Riêng đối với giải pháp eKYC được TPBank triển khai mới đây trên ứng dụng ebank X, chỉ sau một tháng triển khai, đã có hơn 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới tại TPBank theo phương pháp này, tương đương với 85% số khách hàng đăng ký mở mới tại quầy.
Thời gian tới, TPBank dự kiến sẽ tiên phong triển khai cho phép khách hàng sử dụng QRcode để chi tiêu ở Thái Lan và ngược lại. “Chúng tôi cũng đã sẵn sàng kết nối với các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản... ngay khi được phép”, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết.
Đam mê ngân hàng số, yêu thích công nghệ, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng luôn cố gắng mang đến cho người sử dụng những dịch vụ ngân hàng mới nhất, thuận lợi nhất. Mặc dù, đầu tư công nghệ được cho là “cuộc chơi tốn kém”, nhưng với Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng, đây lại là “cuộc chơi hiệu quả”, đưa TPBank từ một ngân hàng thua lỗ trở thành ngân hàng có hệ số sinh lời cao nhất, nhì hệ thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.