Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đưa thương hiệu Hòa Phát vươn xa

Hà Linh| 11/05/2021 06:59

(HNM) - Mang trong mình hoài bão lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long luôn trăn trở làm thế nào để đưa thương hiệu của Hòa Phát không chỉ lớn mạnh ở trong nước mà vươn xa hơn ra khu vực và thế giới. Bởi Hòa Phát là niềm đam mê suốt cuộc đời ông theo đuổi. Trong câu chuyện về kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc của Hòa Phát trong năm 2020, Chủ tịch Trần Đình Long đôi khi dừng lại suy tư, ông cho rằng, tiềm năng của thị trường còn lớn và Hòa Phát cần phải làm tốt hơn nữa.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long (bên phải) và công nhân tại một nhà máy của công ty.

Ông Trần Đình Long chia sẻ, tổng nhu cầu thép cuộn cán nóng của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn, bình quân thị trường này tăng 10%/năm. Hiện tại Việt Nam, hai nhà sản xuất thép cuộn cán nóng là Hòa Phát và Công ty Formosa có sản lượng khoảng 8 triệu tấn. Rõ ràng, nhu cầu thị trường với sản phẩm này còn rất lớn và đây là cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất. Ông Trần Đình Long cũng không ngại “bật mí” kế hoạch phát triển trong 10 năm tới của Hòa Phát là xây dựng Nhà máy Dung Quất 2 và Hòa Phát đang tích cực đẩy nhanh dự án này. Ông hồ hởi nói: “Hiện nay mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000-300.000 tấn thép cuộn cán nóng nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết, nhu cầu thép trên thị trường là rất lớn và lâu dài”.  

Chính vì vậy, Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, trong đó có 4,6 triệu tấn thép dẹt; một triệu thép thanh, thép dây chất lượng cao. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng. Với diện tích 283,73ha, Dung Quất 2 dự kiến có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 14 triệu tấn/năm, dự kiến lọt vào tốp 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2024.

Dù tổng vốn đầu tư còn lớn hơn dự án Dung Quất 1 nhưng Chủ tịch Trần Đình Long rất tự tin và khẳng định không cần huy động vốn qua việc phát hành thêm cổ phiếu. "Cổ đông không phải bỏ thêm tiền, bởi cơ cấu vốn cho Dung Quất 2 là khoảng 50% vốn chủ và 50% vốn vay. Tỷ lệ vay ròng trên vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đang ở mức rất an toàn", ông Long nói. 

Người đứng đầu Hòa Phát chia sẻ thêm, hiện doanh nghiệp hoạt động theo 4 nhóm ngành gồm: Gang thép - Sản phẩm thép - Nông nghiệp - Bất động sản. Trong đó, lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp 84% doanh thu và 82% lợi nhuận sau thuế 2020. Từ nhà máy luyện phôi thép theo công nghệ lò điện 300.000 tấn năm 2001, đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt hơn 8 triệu tấn/năm. Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong tốp 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người đưa thương hiệu Hòa Phát vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.