Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đưa độc giả Việt đến với cánh rừng đại ngàn văn học Nga

Thúy Toàn| 15/11/2022 10:56

(HNNN) - LTS: Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn (sinh năm 1938) thuộc lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên sang học tại Liên Xô từ năm 1953 và dịch những tác phẩm văn học Nga đầu tiên sang tiếng Việt từ năm 1956. Sau hơn 60 năm gắn bó với văn hóa Nga và Liên Xô trước đây, đến nay ông đã có hơn 60 tập sách được xuất bản. Nhân dịp kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hà Nội Ngày nay trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn, dịch giả Thúy Toàn về những ngày đầu đưa văn hóa Nga đến với độc giả Việt.

Nhà văn - dịch giả Thúy Toàn (trái) tại triển lãm “Những trang tình nghĩa” trích sưu tập “Văn học Nga ở Việt Nam”. Ảnh: Thanh Hà

1. Chỉ 2 tháng sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), vào tối 11-12-1954, tại Câu lạc bộ Thống Nhất bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức hai miền Bắc, Nam đã được nghe nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) đăng đàn nói chuyện về đại văn hào Nga Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904) nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông.

Trong Chekhov dào dạt tình yêu con người, tình yêu đất nước lớn lao. Nhà văn yêu dân tộc mình và mong mỏi, tin tưởng vào sự tiến bộ của dân tộc, nên sự truyền cảm của Chekhov ăn sâu, lan tỏa rộng xa qua không gian, thời gian. Chekhov là một giá trị lớn của nền văn chương quốc tế tiến bộ. Diễn giả - nhà văn Nguyễn Tuân đã liên hệ với xã hội ta đương thời và truyền niềm tin vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tiên phong, kiên quyết bảo vệ giá trị của người Việt Nam bất khuất trước bạo lực và đánh bại xâm lăng...

Ấy là sự kiện mở đầu hoạt động Câu lạc bộ Thống Nhất. Hai năm sau, cũng vào dịp cuối năm, ngày 21-11-1956, cũng tại Câu lạc bộ Thống Nhất, cụ Nguyễn lại đăng đàn trước đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Cụ Nguyễn giới thiệu tiếp một cây đại thụ trong cánh rừng đại ngàn bát ngát văn học Nga. Cụ nói về Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821 - 1881), người mà bản thân cụ đã hâm mộ ngay từ những năm 1930. Cụ mở đầu bài nói chuyện: Fedor Mikhailovich Dostoievski (mà tôi xin phép gọi tắt là “Đốt” như xưa kia, nhắc đến thân thế và tác phẩm của văn hào, chúng tôi hâm mộ thường gọi tắt một cách thân mật như thế). Văn hào “Đốt”, trong toàn bộ tác phẩm hay bất cứ chương sách nào, đều luôn đặt ra những vấn đề căn bản thuộc về con người. Những vấn đề ấy đã vượt khỏi phạm vi văn học một nước, trở nên phổ biến với tất cả con người trên trái đất. “Đốt” và tiểu thuyết “Đốt” là tiếng gọi xé lòng về tình yêu và về hạnh phúc, về công lý, về chân lý. “Đốt” viết ra để nói lên, để hỏi người đồng thời và cả người mai sau. “Đốt” đánh thức người đọc, khiến mọi người tâm phục bằng hiệu lực của thiên tài và khí chất nghệ sĩ của mình.

2. Sau lần đăng đàn ở Câu lạc bộ Thống Nhất nói chuyện về văn hào Chekhov, Nguyễn Tuân bắt tay ngay vào công việc tuyển chọn tác phẩm của văn hào này để ra sách. Mất gần ba năm, cụ chỉ tuyển chọn được hai chục truyện ngắn tiêu biểu, bản thân cụ dịch tới gần nửa số tác phẩm ấy, mời mấy nhà văn gần gũi dịch số còn lại. Rồi đích thân cụ biên tập, lo trình bày, viết lời giới thiệu dài hơn hai chục trang sách in. Cụ cho in ở phần mở đầu chân dung ký họa tác giả khá đẹp, lại tìm một ảnh tác giả để bổ sung thêm... Hai tập sách do nhà văn Nguyễn Đình Thi viết giới thiệu, được in ấn với một kiểu trình bày bìa giống nhau, khuôn khổ bằng nhau, nộp lưu chiểu ngày 15-6-1956. Sách ra với số lượng khá lớn vào thời điểm đó (2.697 bản), nộp lưu chiểu vào tháng 10-1957.

Trước đó một năm, năm 1956, Nguyễn Tuân đã cùng Hội Nhà văn Việt Nam chủ chương ra hẳn hai tuyển tập tác phẩm của Maxim Gorky, gồm “Thơ và truyện ngắn” và “Truyện ngắn tuyển tập”. Cụ Nguyễn tập hợp đội ngũ người dịch, bản thân cụ cũng hăng hái dịch. Trước khi sách ra, cụ Nguyễn đã hoàn thành dịch bài thơ dài “Cô gái và thần chết” của Gorky và đăng trên báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Còn một văn hào Nga nữa mà Nguyễn Tuân hâm mộ không kém, ấy là văn hào Lev Tolstoi. Vào những năm ở ta chưa phổ biến tiếng Nga, việc tiếp thu văn hóa các nước phần lớn đều phải thông qua ngôn ngữ trung gian: Hán văn hoặc Anh, Pháp văn. Cụ Nguyễn tự nguyện làm người đi tiên phong quảng bá văn học Nga thông qua ngôn ngữ trung gian. Trong bài viết về Tolstoi vào năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất văn hào, cụ Nguyễn đã mở đầu như sau:

“Nếu chúng ta ví văn học Nga như rừng đại ngàn, thì văn học Nga thế kỷ XIX có những đỉnh chót vót mà ngày nay mỗi lần ngước lên cao và trông ra xa xa, hình như ta không bao giờ cạn hết được lời yêu mến quý trọng. Tính theo trật tự ngày sinh thì Dostoievski ra đời năm 1820, Tolstoi năm 1828, Tsekhov năm 1860, Goocki năm 1868. Mỗi người một nhãn quan riêng, một phong cách riêng, một cuộc phong ba riêng trong ý ăn nết ở cách làm, không ai dặn ai nhưng hình như họ chia nhau mà chạy tiếp sức cho cái tận cùng của thế kỷ XIX ở nước Nga và lấn sang cả thế kỷ sau nữa. Trong rừng văn đại ngàn nước Nga, Tolstoi sừng sững và chót vót như một đỉnh Thái Sơn trường tồn cho đến ngày nhân loại du hành vũ trụ đi hết lên các tinh cầu khác.

Văn Tolstoi không bốc mà ngấm dần, cứ bình bình mà dâng lên như nước triều đại dương. Một nhà văn trứ danh nước nọ đã so Tolstoi với Dostoievski (cũng lại là một cái đỉnh Thái Sơn nữa!). Hai văn hào cùng một nước một thời này đều là những bậc tư tưởng tận tụy cả đời vì chân lý, hai người đều là những người hành hương đi tìm chân nhân, đi tìm chân lý để cứu thế độ nhân. Ở mỗi người, sự lĩnh hội chân lý khác nhau, cái đúng cũng khác nhau, cái lầm cũng khác nhau nhưng đều là tha thiết với cuộc sống thiên hạ”.

Và nhà văn Nguyễn Tuân kết luận: “Chiến tranh và hòa bình, nhan đề của một tiểu thuyết trứ danh của tiên sinh, ngày nay đã trở thành một nỗi niềm khắc khoải không bờ bến không biên thùy của tất cả thiên hạ quan tâm tới thời cuộc, của tất cả những người cầm bút có lòng”.

3. Điểm qua bài chính luận của Nguyễn Tuân nằm trong bố cục chương trình quảng bá dẫn dắt bạn đọc chúng ta trong giai đoạn đầu tìm hiểu để đến được cánh rừng đại ngàn văn học Nga, khi tiếng Nga còn chưa phổ biến, chưa có các thế hệ trẻ nối tiếp trực tiếp từ tiếng Nga, thiết tưởng phải coi việc làm của cụ Nguyễn nhà ta thật to lớn, không thể bỏ qua mà không tính tới là một mảng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác văn học chung mà cụ Nguyễn đóng góp cho văn học dân tộc.

Đến nay, nhà văn Nguyễn Tuân đi xa đã 35 năm trời, di sản của ông mới được tập hợp, được in ra trong hai tuyển tập tác phẩm. “Tuyển tập Nguyễn Tuân” (NXB Văn học - năm 1982) là lần đầu, khi cụ Nguyễn còn bên cạnh mọi người. Tuyển tập do Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Sách in 2 tập, tổng cộng chưa đầy 1.000 trang (818 trang), khổ 13x19cm. “Tuyển tập Nguyễn Tuân” ra lần thứ 2 được in thành 3 tập, do NXB Văn học ấn hành năm 2000, khi cụ Nguyễn đã đi xa được 13 năm.

Trong cả hai bộ tuyển tập Nguyễn Tuân chưa in đủ chân dung văn học của 4 văn hào Nga - những “đỉnh Thái Sơn” của cánh rừng đại ngàn văn học Nga. Mong rằng sẽ có người sưu tầm, tuyển chọn, xây dựng một bộ tuyển tác phẩm Nguyễn Tuân trọn vẹn hơn nữa, để cho người đọc các thế hệ sau được tiếp cận đầy đủ một mảng sáng tác lớn - Nguyễn Tuân với di sản văn chương thế giới, văn hóa nhân loại, trong đó rất đáng kể là phần cụ Nguyễn dành cho văn học, văn hóa Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đưa độc giả Việt đến với cánh rừng đại ngàn văn học Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.