(HNM) - Sau khi bác đơn kiện của một số đảng về quá trình kiểm phiếu, ủy ban bầu cử Trung ương U-crai-na đã chính thức công nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra ngày 30-9. Như vậy, trong ít ngày nữa danh sách nội các mới của Chính phủ U-crai-na sẽ được công bố. Và chắc chắn, bà Giu-li-a Ti-mô-sen-cô sẽ chính thức là chủ nhân của chiếc ghế Thủ tướng trong nhiệm kỳ này.
Thực tế sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố ít ngày, liên minh “Da cam” gồm khối Ti-mô-sen-cô và khối U-crai-na của chúng ta - Tự vệ nhân dân thân Tổng thống Vích-to Y-u-sen-cô đã đạt được thỏa thuận về một liên minh cầm quyền với 228 ghế trong Quốc hội. Bà Ti-mô-sen-cô được ủng hộ vào vị trí Thủ tướng, khối thân Tổng thống Vích-to Y-u-sen-cô nắm giữ toàn bộ các vị trí sức mạnh trong nội các như: Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia và Tổng công tố. Chức Phó Thủ tướng thứ nhất sẽ thuộc về phe đối lập để giữ thế cân bằng và bảo đảm cho Quốc hội hoạt động hiệu quả.
Như vậy, gần 2 năm sau khi bị chính đồng minh của mình trong cuộc “Cách mạng Cam” là Tổng thống Y-u-sen-cô cách chức, chính trị gia nhiều tai tiếng Ti-mô-sen-cô đã lại đặt chân vào vị trí đứng đầu chính phủ.
Sinh năm 1960, trong một gia đình nghèo ở thành phố Đni-prô-pét-rô-vơ-xkhơ, miền Đông U-crai-na, Ti-mô-sen-cô đã tỏ ra là một nhà quản lý có năng lực từ khi còn trẻ. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế năm 1984, tuy dáng vẻ “liễu yếu đào tơ” nhưng bà Ti-mô-sen-cô là một doanh nhân cứng cỏi và quyết đoán trên thương trường. Năm 1996,xí nghiệp của bà Ti-mô-sen-cô được ưu tiên độc quyềncung cấp khí gas cho 2.500 đơn vị trên cả nước. Cũng trong năm này, lần đầu tiên “Nữ hoàng khí đốt” bước chân vào chính trường khi trở thành đại biểu Quốc hội vùng Ki-rô-vô-grát với số phiếu bầu kỉ lục 92,3%.
Năm 1999, G. Ti-mô-sen-cô được chỉ định vào vị trí Phó Thủ tướng chuyên trách các vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, “Nữ hoàng khí đốt” bị Tổng thống Ku-chơ-ma sa thải do bị cáo buộc gây ra cuộc xung đột với các nhà tài phiệt năng lượng. Ngay sau đó, bà đã bị bắt giam do liên quan tới những bê bối trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, là đại biểu Quốc hội nên bà đã được miễn tố.
Năm 2004, Ti-mô-sen-cô lại liên tục được nhắc đến như mộtnhân vật nổi bật nhất trong cuộc cách mạng màu cam,giúp đưa ông V. Y-u-sen-cô vào vị trí Tổng thống của nước Cộng hòa U-crai-na. G. Ti-mô-sen-cô được cất nhắc vào vị trí Thủ tướng. Chưa đầy một năm sau, người đàn bà nhiều tham vọng này lại bị đánh bật khỏi chiếc ghế Thủ tướng do những cáo buộc lợi dụng chức quyền để phục vụ lợi ích các doanh nghiệp tư nhân và can thiệp quá mức vào nền kinh tế U-crai-na. Ngay lập tức, bà Ti-mô-sen-cô đã thành lập đảng đối lập và luôn giành được số phiếu khá cao trong 2 kỳ bầu cử quốc hội qua.
Trong thời gian tranh cử, bà Ti-mô-sen-cô đã đưa ra rất nhiều lời hứa cho những kế hoạch tương lai của U-crai-na. Trong đó đáng chú ýlà ưu tiên giải quyết những vấn đề cơ bản tồn tại trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, những cam kết như vậy chẳng thể làm cho người dân U-crai-na yên lòng vì họ đã quá quen với lời hứa của chính trị gia U-crai-na trước mỗi cuộc bầu cử, nhưng sau đó không được thực hiện.
Dư luận cho rằng, với người “đồng hành” nhiều tham vọng như bà Ti-mô-sen-cô,thách thức hiện tại của Tổng thống Y-u-sen-cô là làm thế nào để có thể hạn chế tối đa những ảnh hưởng của Thủ tướng. Những nghi ngờ giữa hai nhân vật từng là đồng minh và đối thủ của nhau sẽ khiến liên minh “màu cam” khó có thể bền vững. Hơn nữa, thỏa thuận không đồng nghĩa với việc chấm dứt khủng hoảng, bất đồng. Ngoài ra, liên minh lỏng lẻo giữa Tổng thống Y-u-sen-cô với cựu Thủ tướng Ti-mô-sen-cô cùng tỷ lệ không áp đảo tại Quốc hội sẽ khiến nội các mới của nước này khó có thể tranh thủ được sự ủng hộ từ những chính đảng khác. Đây là nguy cơ tiềm ẩn có thể phá vỡ sự ổn định của chính phủ mới bất cứ lúc nào.
Lâm Phương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.