(HNM) - Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến nội dung đề xuất của TP Hà Nội và Bộ GTVT với Chính phủ về phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm. Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến bạn đọc thể hiện sự đồng tình với chủ trương chung, cũng như khẳng định sự thống nhất trong các phương án của Bộ GTVT và TP Hà Nội.
Phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ giúp các bậc phụ huynh thuận lợi trong việc đưa đón, chăm sóc và quản lý con, em. Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Hiệp Thống (Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội):
Cá nhân tôi nhất trí với phương án nhóm 2 và nhóm 3. Thực tế cho thấy, giờ làm của khối cán bộ, công chức, viên chức cơ quan trung ương và Hà Nội và giờ học của HS các trường mầm non, tiểu học, THCS như hiện nay là hợp lý, phù hợp và thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa, đón, chăm sóc, quản lý con em của phụ huynh. Theo phương án của UBND TP đề xuất, với tinh thần sẵn sàng cùng góp sức, chung tay với các lực lượng cùng giải quyết bài toán ách tắc giao thông của Hà Nội, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị, trường học bố trí giáo viên để đón và trả HS bảo đảm an toàn và đúng quy định. Việc thay đổi giờ học, giờ làm chắc chắn ảnh hưởng tới lịch sinh hoạt của mỗi gia đình và các nhà trường, tuy nhiên vì lợi ích chung và lợi ích của chính mình khi tham gia giao thông, mỗi người đều nên cố gắng khắc phục khó khăn.
Ông Nguyễn Duy Long (Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa):
Việc thực hiện phương án nhóm 2 và nhóm 3 như đề xuất của UBND TP là khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và ít gây xáo trộn nhất. Tuy nhiên, với nội dung các trường phải bố trí giáo viên nhận HS từ 7h sáng và trả HS đến 18h chiều, theo tôi, để có tính khả thi thì các cấp quản lý phải sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho các đơn vị, trường học thực hiện. Ở cấp học mầm non, do nhu cầu và đặc thù ngành học, hầu hết các trường trên địa bàn đều đã tự điều chỉnh giờ đón - trả trẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ huynh yên tâm đi làm. Với cấp THCS, hầu hết HS đã lớn tuổi nên có thể tự đi về. Việc trông HS đến 18h có lẽ không nên đặt ra là yêu cầu bắt buộc. Vấn đề còn lại là ở cấp tiểu học. Khái niệm tự đi học đối với HS tiểu học của các trường khu vực nội thành gần như không có, mà phụ thuộc nhiều vào người lớn. Nếu thực hiện, theo tôi, các trường phải được giao nhiệm vụ rõ ràng và quy định các chế độ, chính sách đi kèm cho những người làm việc ngoài giờ.
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT):
Về chủ trương, tôi rất ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, làm việc để góp phần giảm ùn tắc giao thông ở thành phố. Dưới góc nhìn của một nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành, tôi thấy cả phương án của UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đều có những mặt được và chưa được. Tất nhiên, sẽ không thể có ngay một giải pháp hoàn hảo nếu chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ sơ đồ hoạt động, di chuyển của các nhóm đối tượng điều chỉnh, từ đó xây dựng sơ đồ giao thông và có các giải pháp hỗ trợ khác. Ưu điểm của phương án UBND thành phố đưa ra là có tính khả thi cao, dễ thực hiện. Tuy nhiên, cung giờ thay đổi giữa các nhóm đối tượng không nhiều nên có thể sự thay đổi không lớn.
Anh Trịnh Quang Dũng (Kỹ sư xây dựng, trú tại nhà N3A, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính):
Không chỉ tôi mà rất nhiều đồng nghiệp cũng ủng hộ phương án điều chỉnh giờ học, làm việc của UBND thành phố vừa đề xuất Chính phủ. Tôi để ý, thấy hầu hết mọi người đều gửi con học ở trường gần nhà, hoặc gần cơ quan làm việc cho tiện đưa đón. Việc đưa cán bộ, công chức, viên chức và học sinh mầm non, tiểu học vào một nhóm giờ sẽ giúp chúng tôi thuận lợi trong việc đưa, đón các cháu. Nếu thời gian đi học của các cháu lệch với giờ làm của bố, mẹ, chúng tôi có thể phải đi ra đường nhiều hơn, hoặc phải nhờ, thuê người đưa đón con đi học. Như vậy, lượng người tham gia giao thông có thể lại tăng, làm ùn tắc hơn.
Cô giáo Nguyễn Phương Hoa (Trường Tiểu học Thạch Bàn, Long Biên):
Riêng với HS tiểu học và THCS, cần lưu ý đến thời gian học của các cháu. Một buổi học của HS THCS là từ 4 đến 5 tiết, mỗi tiết 45 phút, ngoài ra phải có nghỉ chuyển tiết từ 5 đến 10 phút, giờ ra chơi từ 15 đến 20 phút. Nếu vào học 8 giờ, sau mỗi tiết được nghỉ 5 phút, ra chơi 20 phút, những ngày học 5 tiết, giờ tan học sẽ là 12 giờ 20 phút. Các cháu đến trường từ 7 giờ cho đến khi tan học, thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm sức khỏe của học sinh và hiệu quả học tập của những tiết cuối sẽ bị hạn chế. Bởi vậy xin đề nghị các lớp mẫu giáo và trường TH, THCS học 2 buổi/ngày vào học 8 giờ, các trường TH, THCS học 1 buổi vào học 7 giờ 30 phút.
Ông Nguyễn Thủy (Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội):
Cá nhân tôi rất ủng hộ phương án điều chỉnh giờ học, làm việc của UBND thành phố. Phương án điều chỉnh này sẽ không gây xáo trộn quá lớn trong sinh hoạt của nhân dân. Về khối phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chúng tôi sẽ có phương án kéo dài thời gian hoạt động trong giờ cao điểm buổi sáng, chiều nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức. Khi điều chỉnh thời gian giờ học, làm việc với biên độ rộng hơn sẽ giúp giảm gánh nặng ùn ứ, quá tải cho xe buýt. Điều đó sẽ giúp hệ thống xe buýt có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách.
Anh Nguyễn Ngọc Minh (phường Tân Mai, Hoàng Mai):
Tôi rất tán thành đề xuất thay đổi giờ học tập, làm việc, kinh doanh của UBND thành phố Hà Nội bởi thấy nó phù hợp với thực trạng và yêu cầu cải thiện giao thông của thành phố. Việc đề xuất sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và khảo sát về lượng người, phương tiện, đối tượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm của Hà Nội đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và có trách nhiệm. Theo tôi, việc thay đổi sẽ áp dụng đối với 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì, dự kiến thời điểm thực hiện từ ngày 1-12-2011 hoặc từ ngày 1-1-2012 cũng là phù hợp vì đây là việc chưa thể thực hiện ngay trên diện rộng. Thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người thấy được sự cần thiết của việc điều chỉnh giờ giấc này, tạo được sự đồng thuận và tự giác chấp hành cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.