Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân thành phố Hồ Chí Minh bình tĩnh, tự giác chống dịch Covid-19

Thu Hoài - Tuệ An| 21/03/2020 12:54

(HNMO) -  Cùng với cả nước, toàn hệ thống chính trị thành phố mang tên Bác đã vào cuộc quyết liệt, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, tất cả vì sự an toàn của cộng đồng.

Lời cảm ơn của những người cách ly tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh gửi đến lực lượng y tế, quân đội tại khu cách ly.

Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan

Tính đến sáng 21-3, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 ngày, số người cách ly tập trung tại ký túc xá và Trung tâm Giáo dục quốc phòng, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã tăng từ 1.216 lên hơn 2.600 người. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ là trung tâm cách ly tập trung lớn nhất thành phố, quy mô 20.000 giường vào ngày 27-3.

Theo Sở Y tế thành phố, tính đến sáng 21-3, dù đang có 17 trường hợp nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chưa phát hiện dấu hiệu dịch lây lan trong cộng đồng. Tất cả những người tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần đã được cách ly kịp thời, xét nghiệm theo dõi 24/24h.

Cụ thể, 5 trường hợp nhiễm mới trong ngày 19-3 (các bệnh nhân số 79, 80, 81, 82, 83) được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh và được lấy mẫu xét nghiệm khi vào khu cách ly.

Những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân số 45, 48, 53, 54 đã được lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính. 18/18 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại quận Gò Vấp (làm việc cùng với hai bệnh nhân số 45 và 48) có kết quả âm tính với SARS-Cov-2. 14/14 người tại thành phố Hồ Chí Minh, từng đi trên chuyến bay VN54 từ Anh về Hà Nội hôm 9-3 và 6/6 trường hợp đang ở thành phố Hồ Chí Minh, từng đi trên chuyến bay VN18 từ Pháp về Hà Nội hôm 9-3, đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2.

Sinh viên trường y sẵn sàng vào cuộc, người dân tự giác chống dịch

Khu ký túc xá, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thành khu cách ly tập trung có quy mô lớn nhất thành phố.

Các sinh viên năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thành phố Hồ Chí Minh) đã sẵn sàng góp sức chống dịch Covid-19 khi được yêu cầu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, các phòng, ban đã vận động, tổ chức các đội xung kích (ít nhất 50 người/đội), tuyển chọn từ 1.044 sinh viên năm cuối (hệ chính quy) tham gia công tác phòng, chống dịch.

Các đội xung kích này sẽ giúp việc tại các trung tâm cách ly của thành phố, với các công việc cụ thể như: Nhập dữ liệu về thông tin các ca bệnh; lập cây phả hệ theo dõi sự lây lan của dịch Covid-19; tham gia giám sát dịch tễ các ca F2 trở đi và hỗ trợ chuyên môn tại các khu cách ly... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn cho các em trước khi tham gia phòng, chống dịch.

Sinh viên y khoa thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng bình tĩnh, chủ động trước dịch Covid-19 và tham gia phòng, chống dịch một cách tự giác. Bà Huỳnh Thu Trang, 54 tuổi, ngụ tại hẻm 35, đường Bế Văn Cấm (quận 7), ngay trước một tòa nhà của chung cư M.One - đang tạm thời phải cách ly vì là nơi ở của bệnh nhân số 89, đã đóng cửa quầy tạp hóa của mình từ ngày 20-3, ngay sau khi thông tin về ca bệnh được thông báo rộng rãi.

“Đóng cửa hàng, tôi giảm thu nhập, nhưng như thế vừa bảo đảm sức khỏe bản thân, vừa bảo vệ cộng đồng”, bà Trang nói.

Còn bà Phạm Thị Hà, 71 tuổi, ngụ tại đường 3-2 (quận 10), ngay trước chung cư Hòa Bình hiện đang bị phong tỏa một phần nhỏ vì có bệnh nhân số 48 nhiễm Covid-19, rất tin tưởng vào các biện pháp phòng dịch của cơ quan chức năng.

“Chính quyền làm tốt mọi thứ. Gia đình tôi làm theo khuyến cáo của bên y tế, không có gì phải hoang mang”, bà Hà chia sẻ.

Những ngày qua, nhiều người dân tại thành phố Hồ Chí Minh đổ xô đi mua “mũ chống giọt bắn chống Covid-19”. Những chiếc mũ này giống như mũ thường, nhưng có thêm một tấm nhựa trong suốt chắn phía trước, được bán với giá khoảng 90.000 đồng.

Nhận xét về chiếc mũ này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, mũ không có tác dụng ngăn vi rút SARS-CoV-2.

“Người dân chỉ cần làm đúng theo khuyến cáo của ngành Y tế về rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng và có ý thức che miệng khi ho, hắt hơi… sẽ phòng, chống dịch tốt”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân thành phố Hồ Chí Minh bình tĩnh, tự giác chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.