(HNMO) - Sáng mùng 1 Tết Đinh Dậu, nhiều người dân đã đi lễ chùa, cầu an cho người thân và gia đình. Đây là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh được gìn giữ và truyền lại qua bao đời của người Việt.
Sáng 28-1 (tức mùng 1 Tết Đinh Dậu), rất đông người dân đã đến cầu an, cầu may tại Trấn Quốc, ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và cổ nhất Hà Nội.
Rùa và cá phóng sinh được bày bán ngay cổng chùa, thuận tiện cho những người có mong muốn thể hiện lòng từ bi, đem an lạc tới mọi chúng sinh.
Trong văn hóa tâm linh của người Việt, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện, mà còn là dịp để tâm hồn được thanh thản sau một năm lao động vất vả.
Không ai bảo ai, tất cả đều nghiêng mình thành kính lễ bái, cầu mong một năm mới thuận lợi cho chính bản thân, gia đình và bạn bè.
Càng về trưa, lượng du khách và phật tử đổ về chùa càng lớn.
Những gói muối lộc đầu năm hút khách với ý nghĩa đem lại nhiều may mắn, gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Là nét đẹp văn hóa tâm linh được gìn giữ qua bao đời, tục đi lễ chùa là điều không thể thiếu với người Việt trong những ngày đầu năm mới.
Với nhiều người, đi lễ cầu an tại chùa Trấn Quốc ngay ngày đầu tiên của năm mới là điều nên làm.
Sau khi làm lễ, nhiều người không quên làm công đức. Không có quy định cụ thể nào, số tiền công đức hoàn toàn tùy tâm.
Là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng linh thiêng, chùa Hà trong ngày đầu năm cũng thu hút lượng lớn du khách và phật tự tới làm lễ.
Do quá đông, nhiều người phải dâng cao mâm lễ mới có thể di chuyển vào bên trong.
Không chỉ cầu năm mới may mắn, công việc thuận lợi, nhiều bạn trẻ còn tìm đến chùa Hà với mong muốn sớm tìm được bạn đời.
Ngoài việc thành tâm cầu mong cho con cái sớm lập gia đình, các bậc phụ huynh cũng mong muốn tình cảm vợ chồng thêm bền chặt.
Những lư hương nghi ngút khói...
...hay khu vực hóa vàng luôn đỏ rực lửa không ngừng trong dịp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.