(HNMO)-Ngày 5-2, ngày làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi để chuẩn bị bước sang năm mới Bính Thân 2016, đông đảo người dân nườm nượp rời Hà Nội về quê nghỉ Tết. Nhiều thời điểm, các tuyến phố dẫn về các bến xe bị ùn tắc.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, riêng trong ngày 5-2 có khoảng 35.000-40.000 lượt người qua bến. Bình thường tại bến Mỹ Đình có khoảng 1.400 xe hoạt động trong ngày nhưng những ngày này phải bố trí thêm từ 100-150 xe tăng cường. Về cơ bản, bến vẫn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng như cũng tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến nhằm thực hiện tốt vấn đề quá tải, thu giá vé đúng quy định...
Các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm dù nhiều thời điểm đông nhưng cũng chỉ ùn ứ chứ không đến mức quá tải khiến hành khách phải vất vả tìm xe. Trong ngày 5-2, bến Giáp Bát đón khoảng 20.000 lượt hành khách qua bến. Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, đặc biệt là từ Công an quận Long Biên nên tình trạng xe khách dừng đỗ đón trả khách tùy tiện, đi xe với tốc độ “rùa bò” trên đường Ngô Gia Khảm, Nguyễn Văn Cừ đã giảm đáng kể.
Cũng trong chiều 5-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có Công điện 242/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng xe “dù”, bến “cóc".
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô; Bộ GT-VT chỉ đạo lực lượng Thanh tra GT-VT phối hợp với CSGT và lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng xe “dù, bến “cóc”; tiến hành thanh tra các doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự ATGT, nhất là đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái phép, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định…
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban ATGT cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát bảo đảm trật tự, ATGT đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách tại địa phương. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.