Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân nghi ngại, quản lý khó khăn

Hoàng Minh| 22/08/2017 07:03

(HNM) - Hoạt động của các nhà trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) thời gian qua tại huyện Hoài Đức góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ; giảm tải cho các trường mầm non công lập trên địa bàn.



Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển nhanh của loại hình này, cộng với ý thức chấp hành Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục của một số chủ cơ sở chưa cao khiến người dân nghi ngại, gây khó khăn cho công tác quản lý.


Một giờ học hát tại cơ sở mầm non Hoa Hướng Dương (xã La Phù, huyện Hoài Đức).


Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh cơ sở vi phạm

Trong 1-2 năm gần đây, Hoài Đức là huyện có tốc độ phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập rất nhanh. Cuối năm học 2015-2016, toàn huyện mới chỉ có 39 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (trong đó có 3 trường tư thục, 36 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) thì đến nay toàn huyện đã có 69 cơ sở (trong đó có 7 trường tư thục, 62 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập) ở 15 xã, thị trấn với 3.229 trẻ. Địa phương có số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển với tốc độ nhanh nhất phải kể đến xã An Khánh. Tính đến ngày 15-8, trên địa bàn xã có 28 cơ sở, chiếm trên 40% tổng số cơ sở trên địa bàn toàn huyện.

Bà Trần Thị Hồng, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức cho biết: Trước tốc độ phát triển nhanh của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, những năm qua, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường mầm non công lập,… tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Nhiệm vụ trọng tâm được Phòng GD-ĐT huyện, UBND các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường mầm non công lập trên địa bàn triển khai đó là thường xuyên kiểm tra đột xuất và định kỳ để rà soát về quy mô số trẻ, đánh giá các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở 100% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trước và sau khi cấp phép. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý, chấn chỉnh, giúp các cơ sở hoạt động theo quy định. Ngoài ra, Phòng đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường mầm non công lập hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, tuyển sinh theo quy định.

Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức, đến nay công tác tổ chức, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định. Từ chỗ còn một số cơ sở chưa được cấp phép đã hoạt động hồi đầu năm 2017, đến nay có 68/69 cơ sở trên địa bàn toàn huyện đã được cấp phép, chỉ còn 1 cơ sở đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép. Nhiều cơ sở trang bị đồ dùng cho trẻ tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học, điển hình như cơ sở mầm non Hoa Hướng Dương (xã La Phù); Ánh Sao (xã Vân Canh); Sơn Ca (xã An Khánh)… Nhiều năm liền các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn thương tích đối với trẻ…

Nhiều tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn còn không ít tồn tại. Cụ thể, tại một số cơ sở, bếp ăn chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ, chưa có tủ lưu nghiệm thức ăn riêng hoặc lưu nghiệm thức ăn không đúng quy định. Việc xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn tại một số cơ sở chưa phù hợp với độ tuổi. Ở một số cơ sở vẫn còn xảy ra tình trạng lớp ghép giữa trẻ mẫu giáo và nhà trẻ. Về công tác nhân sự, một số cơ sở quản lý rất tùy tiện, hồ sơ giáo viên trước và sau cấp phép có nhiều thay đổi nhưng chủ cơ sở không báo cáo chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý… Đáng nói, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng một số cơ sở chưa được cấp phép hoạt động đã tuyển sinh, gây bức xúc trong nhân dân, điển hình như ở xã An Khánh.

Để xảy ra những tồn tại kể trên, nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ý thức chấp hành các quy định của chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, giáo viên, nhân viên còn hạn chế. Hầu hết cơ sở đều thuê nhà dân hoặc sử dụng chính nhà mình để tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ nên không thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu. Việc tuyển và giữ giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng của các cơ sở gặp khó khăn, chưa kể đội ngũ này liên tục “nhảy việc” ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, trong thời gian ngắn, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn một số xã tăng nhanh về số lượng, trong khi đó mỗi xã chỉ có một cán bộ văn hóa phụ trách, lại kiêm nhiệm nhiều mảng việc, do vậy công tác quản lý nhà nước nói chung và kiểm tra, xử lý đối với cơ sở vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Nhằm từng bước khắc phục những tồn tại kể trên, cùng với việc tăng cường tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các hiệu trưởng, chủ cơ sở mầm non ngoài công lập, Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức cần phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân nghi ngại, quản lý khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.