Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân mong sớm được hỗ trợ để ổn định đời sống

Hưng Thịnh| 31/05/2013 21:58

(HNMO)- Gần 6 năm qua, đời sống của các hộ xã viên Hợp tác xã (HTX) thủy sản Đại Thọ (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn vì không thể nuôi trồng thủy sản trên 30ha mặt nước được giao...

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng vùng sản xuất của HTX thủy sản Đại Thọ, ông Nguyễn Ngọc Mậu, Chủ nhiệm HTX bộc bạch: “Gần 6 năm nay, dù có muốn nhưng chúng tôi cũng không thể nuôi trồng thủy sản trên vùng sản xuất này!” Theo hướng tay ông Mậu chỉ, cả một vùng rộng mênh mông chỉ toàn là cỏ, bèo mọc um tùm. Ẩn sâu trong đám cỏ và bèo dại đó, sót lại những khung lồng nuôi cá bè- dấu tích về một thời làm ăn phát đạt của HTX thủy sản Đại Thọ. Dịch vào phía bên trong, khu vực ao ươm cá giống của HTX cũng bị bỏ hoang, mặc dù bờ bao các ao đã được xây dựng khá quy mô và kiên cố... Tất cả cảnh tượng đó như chứng minh một điều, nghề nuôi trồng thủy sản gắn bó và nuôi sống người dân nơi đây mấy chục năm qua, nay đã thực sự “từ bỏ” họ mà đi!

Vùng sản xuất của HTX thủy sản Đại Thọ là đoạn sông Đáy dài 2.000m (từ đập Đáy đến đập chiến Thắng). Ngày 12-4-1965, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông đã ra quyết định số 202-QĐ/UB cho phép HTX Đại Thần, xã Liên Hợp (nay là HTX thủy sản Đại Thọ, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng) được tổ chức nuôi cá trên đoạn sông này. Theo quyết định đó, HTX có nghĩa vụ nuôi cá và khai thác cá cung cấp cá tươi cho cơ quan thực phẩm, nhân dân trong tỉnh và được nhà nước bán gạo đối lưu...

Mấy chục năm qua, trải qua biết bao thăng trầm, từ thời kỳ bao cấp, rồi xóa bỏ bao cấp, các xã viên, ban quản trị HTX thủy sản Đại Thọ vẫn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; duy trì và phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống cho các hộ xã viên. Có thể nói, thông qua bảng thành tích của HTX từ năm 1965 đến năm 2005, với dày đặc những bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành đã cho thấy điều đó. Trong số đó phải kể đến: Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng tặng HTX có thành tích trong sản xuất thâm canh cá (năm 1989); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng HTX vì có thành tích trong sản xuất (năm 1997); Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội về HTX xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế (năm 1988); Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tây tặng đơn vị có thành tích trong sản xuất (năm 2002)...

Chủ nhiệm HTX thủy sản Đại Thọ Nguyễn Ngọc Mậu tiếc nuối về vùng sản xuất của HTX nay không thể nuôi trồng thủy sản được nưa


Tuy nhiên, kể từ tháng 7-2007, cụm công trình đầu mối Cẩm Đình-Hiệp Thuận (tên cũ là cụm công trình đầu mối Hát Môn-Đập Đáy) hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, đoạn đầu sông Đáy được khôi phục lại dòng chảy, sông Đáy được thông nước với sông Hồng qua cống Cẩm Đình, nên xã viên HTX thủy sản Đại Thọ không thể nuôi trồng thủy sản trên đoạn sông này. Trong khi, trên thực tế, năm 1992, khi tiến hành giao đất nông nghiệp cho các hộ sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, các hộ dân thuộc HTX thủy sản Đại Thọ không được giao đất để sản xuất nông nghiệp như các hộ dân thuộc HTX nông nghiệp Đồng Tháp. Theo báo cáo của UBND xã Đồng Tháp, khi giao đất theo Nghị định 64/CP cho các hộ sản xuất nông nghiệp thuộc HTX nông nghiệp Đồng Tháp, diện tích bình quân được giao là 329m2/khẩu. Thời năm 1992, HTX thủy sản Đại Thọ có 216 hộ với 991 nhân khẩu sử dụng 30ha mặt nước để sản xuất. Đến năm 1999, HTX thủy sản Đại Thọ đề nghị và đã được chấp thuận đóng thuế nông nghiệp cho diện tích 30ha mặt nước (thay cho việc HTX vẫn đóng thuế doanh thu hằng năm như trước đây). Theo tài liệu do HTX thủy sản Đại Thọ cung cấp (biên lai đóng thuế năm 2001 và những năm sau đó), tuy nhà nước đã miễn thuế nông nghiệp nhưng mức thuế HTX phải đóng góp (quy ra thóc) chỉ được miễn giảm 50%.

Ông Nguyễn Ngọc Mậu cho biết, hiện nay, HTX thủy sản Đại Thọ có hơn 700 xã viên trong độ tuổi lao động, nhưng mới chỉ có khoảng 10% trong số này đã qua đào tạo nghề. Bởi vậy, kể từ khi vùng sản xuất của HTX không thể nuôi trồng thủy sản được nữa, để duy trì cuộc sống hằng ngày, phần lớn xã viên phải đi làm thuê mà chủ yếu là làm nghề tự do.

Mong sớm ổn định cuộc sống
Để đền bù thiệt hại cho HTX thủy sản Đại Thọ, tháng 7-2008, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ hơn 355 triệu đồng và giao cho ngân sách huyện Đan Phượng có trách nhiệm bố trí với 3 nội dung: hỗ trợ thu hoạch cá sớm; hỗ trợ do không nuôi được cá thịt; chi phí phục vụ công tác GPMB huyện. Huyện Đan Phượng đã thực hiện xong việc hỗ trợ này.

Cuối tháng 4-2009, UBND huyện Đan Phượng đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố cho thu hồi mặt nước đoạn sông Đáy do HTX thủy sản Đại Thọ quản lý và HTX được hưởng chính sách giải phóng mặt bằng nuôi trồng thủy sản. Ngày 17-8-2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản về việc giải quyết mặt nước nuôi trồng thủy sản của HTX thủy sản Đại Thọ, với các nội dung đề nghị UBND thành phố xem xét quyết định: Cho thu hồi mặt nước đoạn sông Đáy đã giao cho HTX thủy sản Đại Thọ quản lý, nuôi cá và cho HTX được hưởng chính sách đặc thù khi nhà nước thu hồi mặt nước nuôi trồng thủy sản (hỗ trợ kinh phí cho các lao động học nghề, chuyển đổi nghề mới; hỗ trợ kinh phí cho các hộ chuyển nghề;...).

Tiếp đến, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Đan Phượng (tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 1-6-2010) và đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (văn bản số 1283/STNMT-KHTH ngày 27-4-2011), UBND thành phố đã ban hành văn bản số 4191/UBND-TNMT ngày 31-5-2011 về việc bồi thường, hỗ trợ GPMB cho HTX thủy sản Đại Thọ. Theo đó, giao UBND huyện Đan Phượng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành; kinh phí bồi thường, hỗ trợ được chi từ nguồn ngân sách thành phố. Ngày 19-7-2011, UBND thành phố đã ra quyết định số 3360/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực thi hành quyết định số 202-QĐ/UB ngày 12-4-1965 của Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông. Sau đó, ngày 21-10-2011, UBND huyện Đan Phượng đã có tờ trình số 69/TTr-UBND đề nghị thành phố cấp kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB cho HTX thủy sản Đại Thọ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 157 tỷ đồng...

Ngày 25-4-2012, Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã có tờ trình số 234/TTr-BCĐ gửi UBND thành phố về giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với HTX thủy sản Đại Thọ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng công trình đầu mối Hát Môn-Đập Đáy. Ngày 22-5-2012, UBND thành phố đã có văn bản số 3824/UBND-TNMT đồng ý với đề nghị của Ban chỉ đạo GPMB thành phố. Đồng thời, giao cho Ban chỉ đạo GPMB thành phố hướng dẫn UBND huyện Đan Phượng thực hiện rà soát, điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ như nội dung đề nghị tại tờ trình số 234. Bên cạnh đó, tại văn bản này, UBND thành phố chỉ đạo: “Căn cứ phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND huyện Đan Phượng phê duyệt (sau khi rà soát, điều chỉnh), các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho HTX thủy sản Đại Thọ; báo cáo UBND thành phố theo quy định. UBND huyện Đan Phượng có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ cho từng gia đình, cá nhân, tổ chức đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định, sớm ổn định đời sống cho xã viên HTX thủy sản Đại Thọ”.

Ngày 24-9-2012, UBND huyện Đan Phượng đã có quyết định số 4252/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thu hồi đất mặt nước nuôi trồng thủy sản của HTX thủy sản Đại Thọ, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB hơn 152,5 tỷ đồng. Tiếp đến, ngày 26-9-2012, UBND huyện Đan Phượng có tờ trình UBND thành phố đề nghị cấp kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1-2013 vẫn chưa được xem xét giải quyết. Bởi vậy, ngày 30-1-2013, UBND huyện Đan Phượng tiếp tục có tờ trình số 07/TTr-UBND gửi UBND thành phố đề nghị cấp kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho xã viên HTX thủy sản Đại Thọ. Ngày 22-2-2013, UBND thành phố đã có văn bản số 1429/UBND-TNMT yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương thực hiện chỉ đạo của thành phố tại văn bản số 3824/UBND-TNMT ngày 22-5-2012 về việc bố trí và cấp kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho HTX thủy sản Đại Thọ.

Khu ao ươm cá giống của HTX thủy sản Đại Thọ bỏ hoang gần 6 năm nay


Trong cuộc họp ngày 9-4 vừa qua, thay mặt liên ngành (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo GPMB thành phố), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi UBND thành phố về việc xem xét hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho xã viên HTX thủy sản Đại Thọ. Theo đề xuất của liên ngành, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của HTX thủy sản Đại Thọ (30ha) không thuộc phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án hợp phần cụm công trình đầu mối Hát Môn-Đập Đáy. Khi dự án cụm công trình đầu mối Cẩm Đình-Hiệp Thuận hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng (đoạn đầu sông Đáy được khôi phục lại dòng chảy, sông Đáy được thông nước với sông Hồng qua cống Cẩm Đình) nên việc nuôi trồng thủy sản trên diện tích 30ha của HTX thủy sản Đại Thọ không thể thực hiện được; hơn nữa khi thực hiện Quyết định số 3360/QĐ-UBND của thành phố thì về mặt pháp lý HTX thủy sản Đại Thọ chính thức không được nuôi trồng thủy sản trên diện tích kể trên (mất tư liệu sản xuất). Như vậy, việc hỗ trợ cho HTX thủy sản Đại Thọ không phải là bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hợp phần cụm công trình đầu mối Hát Môn-Đập Đáy.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, sớm ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho xã viên HTX thủy sản Đại Thọ, liên ngành đề nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương hỗ trợ xã viên HTX thủy sản Đại Thọ khi thực hiện Quyết định số 3360/QĐ-UBND ngày 19-7-2011 của UBND thành phố. Để bảo đảm việc hỗ trợ tuân theo đúng các quy định hiện hành của thành phố, liên ngành đề xuất với UBND thành phố sớm chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp với UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Đồng Tháp, HTX thủy sản Đại Thọ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, định mức, đối tượng và thẩm định tổng mức hỗ trợ cho HTX thủy sản Đại Thọ. Trên cơ sở đó, trình UBND thành phố ra quyết định phê duyệt làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn thực hiện.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Thời gian qua, mong mỏi lớn nhất của các hộ xã viên HTX thủy sản Đại Thọ là thành phố sớm có chính sách hỗ trợ để họ có thể chuyển đổi nghề, tìm việc làm mới nhằm ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân mong sớm được hỗ trợ để ổn định đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.