Sau 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, người dân ngoại tỉnh đổ xô về Hà Nội để chuẩn bị ngày mai đi làm. Đến 16 giờ chiều nay (ngày 1-1), một số tuyến đường vào cửa ngõ các phương tiện vẫn lưu thông bình thường.
Trong bến xe và nhà ga, từng dòng người với lỉnh kỉnh đồ đạc, thờ thẫn sau chuyến đi bị “nhồi nhét” và “hét giá” vé xe khách.
Hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc trở về thủ đô sau kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch. |
Để chiếc ba lô vào ngay góc nhà chờ bến xe Giáp Bát, chị Nguyễn Thị Phượng (thành phố Ninh Bình) gương mặt tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình dài.
Chị bảo, lo ngại việc tắc đường và không có chỗ ngồi, ngay từ 13 giờ chiều nay, chị vội vã ra bắt xe dọc đường. Chen chân lên được chiếc xe biển kiểm soát 29B-017.31 (chạy Ninh Bình-Hà Nội), chị mới tá hỏa khi chỉ còn hàng ghế giữa dọc lối đi.
“Xe chỉ có 29 chỗ ngồi nhưng khi đi dọc đường, nhà xe tiếp tục ‘nhồi nhét’ thêm hành khách. Lái và phụ xe chỉ bắt những khách ít đồ đạc để tận dụng diện tích nhét thêm người đi đường”, chị Phượng thành thật kể.
Đi chừng 10km, lái xe xuống thu tiền của khách với giá 80.000 đồng, cao hơn so với giá ngày thường 10.000 đồng vì lý do ngày lễ Tết (giá ngày thường 70.000 đồng). Mọi người kêu ca giá đắt thì lơ xe buông một câu cụt lủn: “không đi, xuống xe”.
Tặc lưỡi và nhắm mắt, chị Phượng cùng nhiều hành khách khác móc vội ví trả tiền vì e ngại nếu không đi giờ thì chắc tối mới lên được Thủ đô.
Đến đoạn Phủ Lý và Đồng Văn, một số hành khách cố bắt xe được nhà xe nhồi ngồi và đứng ngay cửa lên xuống. Đặc biệt, giá vé bị “chặt chém” đồng giá.
Phía dọc đường Quốc lộ 1 từ thành phố Ninh Bình-nút giao Cầu Giẽ, rất đông người dân đứng 2 bên đường chờ xe khi trời về chiều mỗi lúc một nhanh.
Theo phản ánh của một số hành khách, các xe chạy tuyến Thái Bình, Thanh Hóa cũng bị một số nhà xe hét giá vé cao hơn khoảng từ 10-20% trong tổng giá vé so với ngày thường.
Trước cổng bến xe, mỗi khi xe buýt mở cửa, rất đông sinh viên và người lao động chen chân nhau lên. Đông nhất là các tuyến như 03 (Giáp Bát-Gia Lâm), 32 (Giáp Bát-Nhổn), 27 (Giáp Bát-Yên Nghĩa)… khi đi qua nhiều trường đại học.
Phía bên hông bến xe, đội quân xe ôm truyền thống và Grab, Uber “chèo kéo” hành khách. Do để xe lộn xộn dưới lòng đường, Công an và lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với lực lượng bến xe điều tiết và đảm bảo trật tự giao thông.
Điều đặc biệt năm nay là tại nút giao đường cao tốc Pháp Vân, các phương tiện đi vào khá dễ dàng một phần là nhờ tuyến đường này đang được nâng cấp, mở rộng thêm 2 làn nên không xảy ra ùn tắc cục bộ như các năm trước đó.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông cũng tổ chức phân làn xe ngay phía trước nút giao để tránh tình trạng ùn tắc, đảm bảo phương tiện di chuyển an toàn khi qua đoạn đường này.
Theo một số nhà xe, lượng khách năm nay lên nhiều khả năng sẽ dải đều trong ngày hôm nay và mai (2-1). Hơn nữa, hiện nay với điều kiện kinh tế phát triển, khách có xu hướng đi xe cá nhân về quê và số khác cũng lựa chọn xe hợp đồng chất lượng cao vốn đang "nở rộ" thời gian qua dẫn đến ảnh hưởng thị phần lượng khách đi xe.
Lãnh đạo Bến xe Giáp Bát, kỳ nghỉ Tết năm nay chỉ có 3 ngày nên lượng khách chỉ tăng đôi chút so với ngày thường. Người đi xe chủ yếu là các tuyến có cự ly ngắn và trung bình tập trung ở các tỉnh thành có khoảng cách 300km trở lại.
“Do sát với Tết Nguyên đán, nhiều người cũng chọn lựa ở lại thủ đô nên cả lượt đi và về trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch cảm giác bến xe không có gì khác mấy so với ngày thường,” lãnh đạo bến xe Giáp Bát chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.