(HNM) - Thời điểm trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội chỉ có vài chục tổ chức tín dụng, nhưng sau 5 năm, con số đã vượt qua 100 tổ chức.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 948.350 tỷ đồng, tăng 5,74% so với cuối năm 2012, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 11,2%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, các TCTD đã tập trung dành nguồn vốn để cho vay đối với sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng với nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa và xuất khẩu. Dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 6,85% tổng dư nợ, tăng 12,21% so với cuối năm 2012.
Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Như Ý |
Trước thời điểm mở rộng, nhiều người dân, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn khá xa lạ với những dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng đơn giản chỉ là nơi gửi tiền tiết kiệm để có lãi suất. Ngay cả việc vay vốn làm kinh tế cũng ít người tính đến vì ai cũng nghĩ việc vay vốn không phải đơn giản. Thời điểm đó, thẻ ATM hay các dịch vụ ngân hàng như chuyển khoản, internet banking… quá mới mẻ. Thế nhưng, việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội đã mang cơ hội được tiếp cận khá nhiều dịch vụ hiện đại từ hệ thống ngân hàng. Cùng với sự phát triển nhanh của hạ tầng viễn thông, nhiều người đã biết sử dụng thẻ ATM để chuyển khoản, hay đơn giản chỉ để rút tiền, thậm chí dùng dịch vụ internet banking trên máy tính, máy điện thoại, hoặc chuyển khoản bằng tin nhắn… Ngân hàng cũng đã tiếp cận gần hơn với người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngay cả với những hộ gia đình có quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Người dân đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, bởi quy trình vay vốn đã được rút ngắn, với điều kiện vay dễ dàng hơn. Giờ đây, không chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhiều ngân hàng cổ phần cũng dành nguồn vốn lớn cho khu vực này.
Theo đại diện của một ngân hàng ở Hà Nội, mặc dù nguồn vốn vay ở khu vực này ít, mỗi hộ gia đình chỉ cần vay vài triệu đồng, nhiều là 10-20 triệu đồng, song số lượng người vay tăng đáng kể. Hơn nữa, cho vay khu vực này, ngân hàng có thể chia sẻ rủi ro. Tương tự như đối với gửi tiết kiệm, mặc dù ở khu vực nông thôn, người dân chỉ gửi ít, nhưng hiếm người rút tiền, nên với số lượng người gửi lớn, ngân hàng không có nguy cơ bị mất thanh khoản. Trong khi đó, ở đô thị, một người dân có thể gửi vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng, nhưng nguồn vốn gửi không ổn định, họ có thể rút bất kỳ lúc nào, đẩy ngân hàng vào cảnh thiếu vốn.
Chú trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất hấp dẫn. Tại hầu hết ngân hàng, mức vốn cho vay thông thường tối đa 80% nhu cầu vốn thực tế, tức là tối đa 50 triệu đồng cho cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đến 200 triệu đồng với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề, hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay tối đa đến 500 triệu đồng đối với các đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại. Điều kiện vay vốn được nới lỏng nhiều so với trước, đó là đối với cho vay đáp ứng nhu cầu trồng trọt, phải có diện tích trực tiếp canh tác tối thiểu là 0,5ha và kinh nghiệm canh tác tối thiểu 3 năm đối với mỗi loại cây trồng. Với nuôi trồng thủy hải sản, có diện tích mặt nước tối thiểu 1.000m²/ao và kinh nghiệm nuôi trồng tối thiểu từ 3 năm đối với mỗi vật nuôi. Ngoài ra, người vay không có nợ khó đòi trên 6 tháng tại TCTD khác…
Ý kiến nhân dân Bà Nguyễn Thị Thuận, phường Mai Động, quận Hoàng Mai: Giao thông Hà Nội được cải thiện Nếu như trước đây, các tuyến đường vào nội đô luôn trong cảnh ùn tắc và là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải lưu thông trên đường, thì nay, chỉ sau 5 năm hợp nhất, bức tranh giao thông đô thị có sự cải thiện đáng kể. Nhiều tuyến đường nhỏ, cầu yếu, xuống cấp đã được cải tạo, nâng cấp và mở rộng; hàng loạt cây cầu vượt tại các nút giao thông trước đây thường xuyên ùn tắc cũng đã được xây mới... giúp người dân đi lại thuận tiện, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Không những thế, Hà Nội đã và đang tập trung đầu tư nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đường Vành đai 1, 2, 3. Có thể nói, đây là một trong những kết quả nổi bật mà Hà Nội đã đạt được trong việc nỗ lực thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông 5 năm qua. Hy vọng những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế ùn tắc giao thông. Đỗ Đình Hùng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai: Đổi thay xứ Đoài Lâu lắm tôi mới có dịp trở về thăm quê hương. Sự thay đổi đến chóng mặt của các làng quê xứ Đoài nói chung và xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai nói riêng khiến tôi không thể ngờ. Chỉ 5 năm hợp nhất, các công trình phúc lợi được thành phố quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Ruộng đồng không còn manh mún, "chiêm khê, mùa thối" như trước nữa, thay vào đó là những thửa ruộng rộng thênh thang, thẳng cánh cò bay. Sau khi dồn điền đổi thửa, bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Dương - Hằnglược ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.