(HNMO) - Ngày 16-11, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hành tài liệu tuyên truyền, lưu ý người dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn.
Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, sau đại dịch Covid-19, nhiều gia đình rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế, người dân không có việc làm ngày càng gia tăng. Trong khi đó, một số thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động không có việc làm ở địa phương do thiếu kiến thức, thích ăn chơi, đua đòi, muốn tìm kiếm cơ hội “đổi đời” ngày càng nhiều.
Lợi dụng tình hình này, tội phạm mua bán người thông qua hình thức tuyển lao động với mức lương hấp dẫn tại Campuchia, thực chất là hoạt động tuyển mộ, vận chuyển, lừa bán người lao động vào các công ty do người nước ngoài làm chủ để bóc lột sức lao động, đến khi nạn nhân không chịu nổi thì buộc gia đình phải trả tiền chuộc để được trở về Việt Nam.
Thông thường, các ổ nhóm tội phạm buôn bán người thường sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động như sau: Các đối tượng tội phạm mua bán người thông qua các hội, nhóm kín trên mạng xã hội, các trang mạng xã hội để tiến hành các hoạt động mua bán trẻ sơ sinh (Facebook, Zalo, Viber: “Hội cho nhận con nuôi ba miền”, “Hội cho con nuôi”, “Hội cho và nhận con nuôi”…); mua bán người nội địa, lừa bán phụ nữ vào làm việc trong các cơ sở massage, karaoke, café kích dục.
Đồng thời, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua các công ty, trung tâm môi giới việc làm để đăng tải các thông tin tuyển dụng việc làm đơn giản với mức thu nhập cao tại nước ngoài (chủ yếu là Campuchia) để dẫn dụ người dân tham gia. Sau đó, bố trí phương tiện đưa các nạn nhân xuất cảnh trái phép qua Campuchia theo đường tiểu ngạch và cưỡng bức lao động như: Ép buộc làm việc nặng nhọc (đánh cá, bốc vác, xây dựng, phục vụ casino…) hoặc ép buộc làm việc trên các “app”, phần mềm có kịch bản lừa đảo người Việt Nam chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản (thời gian làm việc từ 14-16 giờ/ngày).
Các đối tượng có thủ đoạn ép buộc nạn nhân ký hợp đồng lao động bằng ba thứ tiếng (Việt, Hoa và Anh), có điều khoản thử việc hoặc phải trả tiền bồi thường nếu không tiếp tục làm việc. Trong thời gian làm việc, nạn nhân luôn bị giam lỏng tại các khu nhà cao tầng được rào kín có người canh gác, không cho liên lạc với gia đình, bạn bè tại Việt Nam.
Khi nạn nhân không đồng ý làm hoặc làm việc không có hiệu quả thì sẽ bị bán tiếp qua các công ty khác. Khi nạn nhân muốn trở về lại Việt Nam, các đối tượng sẽ cho liên hệ gia đình để đòi tiền chuộc. Nếu đồng ý, các đối tượng sẽ hướng dẫn người thân sang Campuchia trực tiếp chuộc về hoặc sẽ cho số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào đó.
Thậm chí, có cả những đối tượng từng là nạn nhân của việc bị lừa bán sang Campuchia, nhưng khi về Việt Nam, lại quay sang lôi kéo, dụ dỗ người khác sang Campuchia làm việc… để bán những người này cho các công ty do người nước ngoài làm chủ.
Cơ quan công an nhận định, thời gian tới, tình hình về tội phạm mua bán người, cưỡng bức lao động… còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cả về tính chất lẫn mức độ trong thời gian tới; thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm trung chuyển để các nhóm tội phạm trong cả nước tập trung người bị lừa bán trước khi đưa sang Campuchia... Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và nhận thức đúng đắn; phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh kiên quyết và hiệu quả với tội phạm này.
Các cấp, các ngành cùng phát động phong trào toàn đân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm. Phổ biến rộng rãi, cung cấp cho người dân địa chỉ phản ánh, tố giác về tội phạm và hoạt động mua bán người, cụ thể như: Hộp thư tố giác tội phạm, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ email, cơ quan Công an Việt Nam gần nhất, Tổng đài quốc gia (111); Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (84981848484); Tổng đài của Cảnh sát quốc gia Campuchia (117) để tiếp nhận thông tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt (gọi điện thoại từ Việt Nam: +855117).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.