(HNMO) - Người dân Colombia đã từ chối một thỏa thuận hòa bình với quân nổi dậy Farc trong cuộc trưng cầu ngày 2/10, đánh tan giấc mơ kết thúc cuộc chiến kéo dài 52 năm của Tổng thống Juan Manuel Santos.
Trang tin Reuters cho biết, kết quả bỏ phiếu gây bất ngờ có khả năng sẽ phá vỡ cảm giác hân hoan của cộng đồng quốc tế - từ Nhà Trắng đến Vatican - về những gì đã được coi là sự kết thúc của cuộc xung đột kéo dài nhất Châu Mỹ.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, ông Santos đã tự tin vào kết quả thắng lợi. Ông nói rằng, nếu người dân bỏ phiếu nói "không" với thỏa thuận này thì đó sẽ là "thảm họa" và sẽ đưa Colombia trở lại chiến tranh nếu thỏa thuận bị từ chối.
Ông Santos, 53 tuổi, dự kiến có bài phát biểu trước cả nước vào lúc 19h ngày 2/10, giờ địa phương, tức 8h sáng nay, 3/10, giờ Việt Nam.
Các cuộc thăm dò trước đó đã cho thấy, ông sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý và sau đó có thể bắt đầu thực hiện một thỏa thuận đã vất vả thương lượng ở Cuba trong suốt 4 năm qua với các nhà lãnh đạo của lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, hay Farc. Nhưng cử tri Colombia vốn bảo thủ, lo lắng về nội dung của thỏa thuận này nên 50,23% cử tri đã bỏ phiếu nói "không", chỉ 49,76% ủng hộ.
Những người phản đối hiệp ước cho rằng, những biện pháp trong thỏa thuận là quá nương tay với Farc khi cho phép nhóm này gia nhập trở lại xã hội, thành lập một đảng chính trị và thoát khỏi án tù.
Farc, hiện lực lượng đã suy giảm một nửa, còn khoảng 7.000 quân trong những năm gần đây do cuộc tấn công quân sự được Mỹ hậu thuẫn, đã đồng ý hạ vũ khí và chấp nhận phân chia quyền lực bằng lá phiếu.
Theo hiệp định, Farc, một phong trào bắt đầu từ cuộc nổi dậy của nông dân hồi năm 1964, có thể cạnh tranh trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2018 và được đảm bảo có 10 ghế tại quốc hội tới năm 2026. Tuy nhiên, nhóm này sẽ phải từ bỏ vai trò trong mảng buôn bán ma túy bất hợp pháp và tham gia cải cách nông thôn Colombia.
Trong nhiều thập kỷ, Farc đã tìm nguồn tiền cho cuộc xung đột kéo dài nhất ở châu Mỹ thông qua việc buôn bán ma túy bất hợp pháp, bắt cóc và tống tiền. Cuộc xung đột này đã cướp đi hơn 220.000 sinh mạng và buộc hàng triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Kết quả bỏ phiếu thực sự là một thảm họa với ông Santos. Chính phủ đã hy vọng nền hòa bình sẽ giúp mang đến sự bùng nổ đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác vàng, dầu và nông nghiệp ở đất nước được coi là nền kinh tế lớn thứ tư của Mỹ La-tinh này. Nhưng sau cuộc bỏ phiếu hôm qua, các nhà đầu tư sẽ phải xem xét lại tình hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.