Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân chưa hiểu rõ về xăng sinh học

Ánh Tuyết| 11/07/2014 06:23

(HNM) - Xăng sinh học E5 sẽ chính thức được sử dụng trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1-12-2015.



Loại xăng này sẽ chính thức được sử dụng trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 1-12-2015. Để giúp người tiêu dùng có cái nhìn đúng về xăng E5 cũng như lợi ích khi sử dụng loại xăng này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).

- Thưa ông, từ năm 2009, Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu và nhiên liệu sinh học và tiêu chuẩn TCVN 8063:2009 về xăng E5. Xin ông cho biết xăng sinh học E5 là gì, lợi ích có được từ việc sử dụng loại xăng này?

- Xăng E5 là hỗn hợp gồm 5% ethanol biến tính và 95% xăng thông thường. Một trong những lợi ích quan trọng có được nhờ việc sử dụng xăng sinh học là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính do độ phát thải khí (dioxit carbon CO2, hydrocarbon HC) thấp hơn so với khi sử dụng loại xăng truyền thống.

Sử dụng xăng sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng thông thường và cồn sinh học, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thực vật như sắn, đường, các nguồn cellulose như rơm rạ, bã mía. Do vậy, việc sử dụng xăng sinh học sẽ góp phần giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch vốn đang dần cạn, bổ sung nguồn nhiên liệu thiếu hụt, giảm lượng xăng dầu nhập khẩu và bảo đảm an ninh năng lượng. Việc sử dụng nhiên liệu sinh học cũng góp phần vào việc phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống của nông dân.

Ngoài ra, một ưu điểm nữa của xăng sinh học là có trị số octan cao, do đó giúp tăng khả năng chống kích nổ, tăng tỷ số nén của động cơ, nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu; tăng công suất và moment xoắn của động cơ; động cơ vận hành êm hơn và tuổi thọ được kéo dài. Đó là những lý do mà xăng sinh học được coi là nhiên liệu của tương lai, được cả thế giới quan tâm.

- Có ý kiến cho rằng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, việc sử dụng xăng pha cồn có thể làm ảnh hưởng tới động cơ. Cách hiểu như vậy có đúng không, thưa ông? Cho tới nay, đã có trường hợp xe bị cháy nổ do sử dụng xăng E5 hay chưa?

- Với tỷ lệ pha 5% ethanol thì xăng E5 có các chỉ tiêu chất lượng gần như không thay đổi so với xăng thông thường cùng loại. Quá trình sử dụng E5 rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng E5 và xăng thông thường. Hiện tượng xe mô tô, ô tô bị cháy nổ trong năm 2010, 2011 và mấy tháng đầu năm 2012 đã được Bộ Công an điều tra và phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương và Bộ KH&CN nghiên cứu tìm nguyên nhân, giải pháp hạn chế rủi ro gây cháy nổ. Tại một cuộc họp liên bộ, báo cáo của các ngành liên quan cho thấy 64,5% số vụ cháy nổ xe đã tìm ra nguyên nhân, số vụ chưa rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ 35,5%. Trong số đã rõ nguyên nhân thì 30,25% là do chập điện, 15,1% do sự cố kỹ thuật, 9,8% do sơ suất, 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do bị đốt. Trong số xe bị cháy có rất nhiều xe tải, mà xe tải thì nhiên liệu chủ yếu là chạy bằng dầu diezel, không liên quan gì đến xăng sinh học E5. Cho đến nay, chưa có cơ quan, đơn vị nào công bố kết luận nguyên nhân cháy ô tô, xe máy là do xăng E5 gây nên. Theo tôi, người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng xăng E5 là vì họ chưa biết rõ về loại xăng này cũng như lợi ích mà nó mang lại, cả cho động cơ và môi trường. Để xăng E5 được sử dụng rộng rãi trong xã hội thì cần có biện pháp quảng cáo, tuyên truyền thông tin sâu rộng để người dân hiểu rõ những điều này.

- Theo quyết định của Chính phủ, xăng E5 sẽ chính thức được sử dụng trên toàn quốc kể từ ngày 1-12-2015. Theo lộ trình trên, việc sản xuất xăng sinh học có đủ để bảo đảm cung cấp cho người tiêu dùng hay không, thưa ông?

- Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025", các bộ, ngành liên quan đã có kế hoạch phát triển lâu dài cho nhiên liệu sinh học. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm trong việc quy hoạch và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học, các bộ, ngành liên quan khác cũng triển khai những nhiệm vụ cụ thể của mình. Các nội dung liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng đã cơ bản chuẩn bị xong.

Theo Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2013 đã có 3 nhà máy ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Phước, Đồng Nai sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn bảo đảm cho việc phối trộn xăng sinh học, với công suất thiết kế là 210.000 tấn/năm; chưa kể một nhà máy ở Quảng Nam đang ngừng sản xuất để tái cơ cấu lại, 2 nhà máy ở Đắk Nông và Kon Tum chưa sản xuất được ethanol đạt tiêu chuẩn cho phép. Tổng công suất thiết kế sản xuất của 6 nhà máy nói trên nếu đạt mức 415.000 tấn/năm (100% công suất thiết kế) thì sẽ bảo đảm phối trộn cho 8,3 triệu tấn xăng E5 và 4,15 triệu tấn xăng E10. Nếu chỉ sản xuất được 65% công suất thiết kế thì phối trộn được 5,4 triệu tấn xăng E5 và 2,7 triệu tấn xăng E10; trong khi đó, nhu cầu sử dụng cả nước năm 2013 vào khoảng 5,4 triệu tấn xăng dầu. Nhìn chung, với năng lực hiện tại thì các nhà máy chỉ đủ đáp ứng xăng E5, xăng E10 đến năm 2016; cần phải có sự đầu tư mới từ năm 2016 trở đi.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân chưa hiểu rõ về xăng sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.