(HNMCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Hình ảnh, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của nhân loại trong thế kỷ XX. Vì vậy mà đã có cả một kho tàng lớn những cuốn sách, tạp chí, công trình nghiên cứu của các học giả, nhà báo, nhà lãnh đạo các nước trên thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tỏa sáng một nhân cách vĩ đại
Cũng như rất nhiều nhân vật đã được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cây đại thụ của làng báo Pháp Jean Lacouture (1921-2015) luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Người. Theo ông, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình, tiến bộ, phát triển trên toàn thế giới.
Nhà báo nổi tiếng của Pháp đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách Ho Chi Minh - A Political Biography (tạm dịch Hồ Chí Minh - một tiểu sử chính trị) như sau: “Sinh ra, lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm cống hiến tuổi trẻ và cả cuộc đời của mình vào hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản, từ đó sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi vào lịch sử cách mạng thế giới với vai trò của người chiến sĩ tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX”. Theo nhà báo Jean Lacouture, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà nhân cách tỏa sáng đến mức sự ra đi của Người tác động đến toàn thế giới.
Tờ The Daily World (Mỹ) sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất cũng đăng liên tiếp cả chục số báo nhiều bài viết dưới tiêu đề Di sản của Hồ Chí Minh, trong đó số báo ra ngày 20-9-1969 đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại. Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo vĩ đại của Việt Nam đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới!”.
Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales (Australia) - cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản mà ông cho rằng đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại và là một di sản đối với người dân Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tầm nhìn xa, “ngay từ khi viết bản Di chúc, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, Người đã nhìn thấy được kết cục của cuộc chiến với chiến thắng thuộc về Việt Nam” và “hai miền Nam - Bắc sẽ được thống nhất”. Sáu năm sau, lời tiên đoán này đã thành sự thực nhưng chỉ tiếc rằng khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi nên không được tận mắt chứng kiến thành quả này của cách mạng Việt Nam. Theo Giáo sư Carl Thayer, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân khi đã kết hợp được kinh nghiệm quốc tế quý báu để thúc đẩy cách mạng Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với lối sống thanh đạm, không xa hoa nên được lấy làm tấm gương cho các thế hệ sau này...
Sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại
Dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Hệ thống di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, các bài viết và nói, mà còn được thể hiện trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Người. Ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, đã bước sang một vận hội mới phù hợp với xu thế tiến lên của thời đại, nhưng những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ, năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết 24C/1865 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự tôn vinh của UNESCO đã khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và thế giới.
Văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành trong cái nôi văn hóa dân tộc, nhất là trong quá trình Người đi tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quá trình này nằm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa nhân loại. Nói một cách khác, văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Ngày 12-11-2013, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông đã viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
Có thể nói rằng, sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Người lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Đúng như cựu Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO Modagat Ahmed đã nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một phần của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.