(HNM) - Là con người của công việc, ông luôn hối hả tất bật, nhưng trong đó là sự hợp lý tới từng chi tiết nên những nơi ông có mặt, mọi chuyện đều đâu vào đấy.
Vì thế, người ta làm theo những điều ông nói, tin vào suy nghĩ và hành động của ông, vào con đường mà ông đã lựa chọn... Ông là Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua - một người con của đất thiêng Ba Vì. Những ngày này, khi Hà Nội đang bận rộn chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thì cũng là khoảng thời gian ông Thản bước qua tuổi 59, kể như sắp qua một Hoa giáp của đời người. Và khoảng thời gian ấy càng đáng nhớ hơn khi dịp này ông là cá nhân duy nhất cùng với 3 tập thể được thành phố đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu "Anh hùng lao động". Cũng phải giới thiệu qua như vậy, dù biết với ông, cái gốc sự tôn trọng của con người dành cho nhau là ở tri thức và cách sống chứ không phải tuổi tác.
Khu du lịch Ao Vua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều du khách. |
1. Tôi tình cờ biết ông Nguyễn Mạnh Thản thông qua vài câu chuyện. Hơn chục năm về trước - chính xác là tháng 10-2003, ông được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây cho phép thực hiện dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (diện tích 20,6ha trên địa bàn hai xã Phú Sơn và Vật Lại thuộc huyện Ba Vì). Trên 20 tỷ đồng cho một dự án như vậy vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng, ông Thản là người... không bình thường. Cũng có người nghĩ, ông thích chơi trội cho nổi danh, hoặc chí ít cũng là nhằm những mục đích khác... Đấy cũng chính là nguyên nhân mà tôi lọ mọ gặp ông để tìm hiểu. Như ông kể, lý do của ý tưởng đó rất đơn giản. Ông bảo: "Những lần đi đám hiếu, chia tay người thân của mình về thế giới bên kia, tôi thấy các nghĩa trang của chúng ta sao cô quạnh, lạnh lẽo thế? Kể cả sau này, nhiều người có điều kiện kinh tế đua nhau xây mộ cho người thân với đủ kiểu cách, kích cỡ, chi phí có khi lên tới cả tỷ đồng để rồi những "thành phố nghĩa trang" hình thành một cách lộn xộn. Làm như vậy, có thể "nhà cửa" của cha mẹ, ông bà của họ có đàng hoàng hơn nhưng vẫn không hết sự lạnh lẽo. 10 năm trời, tôi nung nấu sẽ làm một cái gì đó và cuối cùng dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng đã ra đời".
Câu chuyện ông Thản kể đơn giản có thế. Đó là nhu cầu của cuộc sống, hợp với quy luật phát triển của xã hội. "Giờ có điều kiện, ai chả muốn thể hiện lòng thành, báo hiếu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng vấn đề là phải thỏa mãn nhu cầu của người ta trong một hoạch định, trong một tổng thể, vừa làm đẹp cho xã hội lại đúng với ý nguyện của từng gia đình..." - Ông lý giải cho ý tưởng về một dự án... không bình thường như vậy. Và rồi, 5 năm sau đó, ngày 25-3-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang - đây là ghi nhận của nhà nước đối với mô hình kinh tế mà doanh nghiệp của ông đã thực hiện.
Có một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là khi triển khai những dự án có tính đặc thù như xây nghĩa trang thường rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vậy mà dự án nêu trên của ông Nguyễn Mạnh Thản lại được người dân đồng tình, ủng hộ. Đây có là chuyện lạ. Ông lý giải: "Tôi đã mất hàng năm trời đi tìm đất cho dự án và cuối cùng đã chọn đồi Gàm, nơi mà người dân chả trồng được cây gì, chỉ có một ít bạch đàn mọc ở đó. Nói cách khác là đất ít có hiệu quả kinh tế để tránh việc mình lấy vào đất "bờ xôi ruộng mật" của bà con". Như cách nghĩ của ông Thản, chữ Tâm không có gì cao xa, cứ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác sẽ hiểu điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Và rồi, đúng một năm sau - năm 2004 - Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chính thức đi vào hoạt động với địa thế, cảnh quan đẹp, dịch vụ chu đáo...
Không bị cuốn hút vào ánh hào quang của việc kinh doanh thành công, ông lại tiếp tục đi tìm những ý tưởng mới trong lĩnh vực này. Ông kể, năm 2010 khi mà nghị quyết của HĐND thành phố về việc đóng cửa Nghĩa trang Văn Điển đã gần đến hạn mà Hà Nội vẫn chưa tìm được nơi nào thay thế, tôi đã mạnh dạn xin mở rộng dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng và chỉ trong thời gian 85 ngày, vừa đền bù giải phóng mặt bằng, vừa thi công xây dựng, dự án đã được đưa vào hoạt động thay thế cho việc chôn hung táng tại Nghĩa trang Văn Điển (kể từ ngày 1-7-2010) đáp ứng được tiến độ yêu cầu của thành phố. Chưa dừng lại ở đây, khi cả Hà Nội và các tỉnh lân cận chỉ có một cơ sở hỏa táng tại Nghĩa trang Văn Điển. Thành phố đã lập quy hoạch rất nhiều cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố để giảm tải cho Đài hóa thân Hoàn vũ, nhưng đến bây giờ vẫn ở trên giấy và nằm trên mặt bàn. Biết lãnh đạo của thành phố coi đây là một vấn đề cấp bách, một lần nữa ông Thản lại... xung phong. Ông đã xin đầu tư xây dựng nhà hỏa táng công suất 6 lò đốt, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng với hình thức xã hội hóa 100%. Dự án đang được triển khai, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2014.
2. Những chuyện nêu trên, tôi cũng là người từng được chứng kiến sự đắn đo, cân nhắc của ông Thản. Những quyết định ông đưa ra đều có dữ liệu sát với điều kiện thực tế và hàm chứa tầm nhìn của một con người giàu trải nghiệm và có vốn tri thức phong phú. Ông bảo, không phải điều gì cũng thực hiện được bằng quyền lực mà quan trọng nhất là phải hợp với lòng người, đúng với quy luật. Ví như giải thích việc hung táng là không hợp vệ sinh, tốn đất, chi phí tốn kém cho việc tổ chức... thì chưa đủ mà phải có chỗ cho các gia đình thực hiện hỏa táng người thân, vừa sạch, đẹp, vừa chu đáo, thuận tiện, tiết kiệm kinh phí, thời gian... Ông Thản đã bỏ tiền sang Châu Âu xem cách thức hỏa táng của họ ra sao, nghĩa trang được xây dựng thế nào... cái gì áp dụng phù hợp với điều kiện văn hóa Việt Nam, cái gì cần nghiên cứu, điều chỉnh... Và như ông vẫn nói như thể cho chính mình: Thành công không tự nhiên mà có!
Dành thời gian cho những ý tưởng trong mắt nhiều người là kỳ quặc, nhưng với ông Nguyễn Mạnh Thản, đó chính là cái gốc cho sự thành công. Ông luôn cho rằng, bù trừ là quy luật của cuộc đời. Làm việc dễ nhưng chưa chắc đã dễ vì ai cũng biết, cũng có thể thực hiện. Còn làm việc khó, chưa chắc đã khó nếu biết dụng Tâm, dụng Lực. Và khi đã qua cơn bĩ cực, ắt có ngày thái lai, nhưng quan trọng là ta phải vững tin vào con đường mình lựa chọn và phải lấy tri thức, hiểu biết để có hướng đi chuẩn xác.
Có lẽ trong các dự án mà ông thực hiện, việc xây dựng và cải tạo Ao Vua trở thành khu du lịch trọng điểm của huyện Ba Vì là chuyện ông ít nhắc tới. Nhưng rõ ràng với dự án đó, lần đầu tiên trên quy mô lớn, ông đã cải tiến phương pháp quản lý, hình thức đầu tư, lựa chọn mục tiêu kinh doanh... Đó là cả một quá trình trăn trở, nung nấu những dự định, ý tưởng. Lấy thí dụ, trong kinh doanh du lịch, người ta thường nêu quan điểm: Phải làm sao để du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Thế nhưng, ông lại cho rằng như vậy là tận thu. Điều quan trọng là cần phải để khách du lịch hưởng thụ đúng giá trị mà đồng tiền họ bỏ ra, bên cạnh đó là sự quy củ trong tổ chức, sự chu đáo trong phục vụ và sự hấp dẫn trong sản phẩm. Làm sao để họ trở lại với mình, đó mới là hiệu quả bền vững, đó mới là sự khác biệt. Và trên thực tế, Khu du lịch Ao Vua đã phần nào khẳng định cách nghĩ, cách làm của ông. Ông tâm đắc: Sự ăn nên làm ra của doanh nghiệp mới chỉ là một khía cạnh, ở góc độ khác, người dân trên vùng đất quê ông bớt đi cơ cực, có công ăn việc làm và từng bước cải thiện cuộc sống mới là điều có ý nghĩa lớn lao.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.