Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người có HIV tham gia Bảo hiểm Y tế: Còn nhiều trăn trở

Trung Dũng| 08/12/2015 06:54

(HNM) - Thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS có hiệu lực từ 15-8-2015 quy định, người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến

Cùng với việc sắp tới đây sẽ không còn nguồn thuốc và nhiều dịch vụ y tế miễn phí đối với người có HIV nữa thì việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nỗi trăn trở của hầu hết bệnh nhân có HIV. Họ sẽ tiếp tục con đường khám, chữa bệnh như thế nào?

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2015 đánh dấu bằng sự kiện 100.000 bệnh nhân được điều trị ARV (loại thuốc nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể, làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS). Tuy nhiên, con số này có được bền vững khi nguồn thuốc ARV miễn phí sẽ giảm sút vào năm 2017 do các nguồn tài trợ từ nước ngoài bị cắt giảm? Thay vì trông chờ vào các nguồn tài trợ bên ngoài, Thông tư 15/2015/TT- BYT được đánh giá nhằm để huy động nguồn nội lực góp phần tuyên chiến với căn bệnh thế kỷ này.

Việc người có HIV tham gia BHYT không chỉ để điều trị căn bệnh đang mang trong cơ thể mà còn tăng khả năng chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nhưng, để người có HIV tham gia BHYT cũng còn lắm gian nan, nhất là khi quy định BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực trước khi Thông tư 15/2015/TT- BYT ban hành. Có nghĩa là người có HIV chịu sự điều chỉnh của Luật BHYT 2014 trước khi áp dụng Thông tư 15/2015/TT-BYT, không chỉ tham gia BHYT để được điều trị HIV/AIDS mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đây là áp lực quá lớn đối với nhiều người có HIV được phỏng vấn. Họ cho rằng, người có HIV đã phải đối mặt với vô vàn áp lực của một cuộc sống ít cơ hội làm việc, giao tiếp, khả năng tài chính eo hẹp, phân biệt đối xử, nỗ lực tham gia BHYT tự nguyện cho bản thân như trước đây đã là một cố gắng lớn nhưng nay phải tham gia BHYT theo hộ gia đình thì lấy nguồn kinh phí từ đâu ra?

Chị P.T.H - một bệnh nhân đã điều trị thuốc ARV miễn phí trong nhiều năm, hiện đang có sức khỏe ổn định cho biết: Mấy người trong gia đình chị đều bị HIV mà không có thẻ BHYT bắt buộc. Nếu mua BHYT hộ gia đình thì tổng số tiền của nhà chị cũng hơn tiền triệu. Mà không mua thì sắp tới sẽ không có thuốc điều trị. Thay mặt những người cùng cảnh, chị H. mong muốn có chính sách ưu đãi cho người có HIV tham gia BHYT, trước mắt là không bắt buộc họ mua BHYT hộ gia đình.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến nay mới có khoảng 30% bệnh nhân HIV tham gia BHYT khiến các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS rất lo lắng khi không còn nguồn thuốc miễn phí nữa, người bệnh không có thẻ BHYT sẽ bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả. Đây không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe của người có HIV mà còn là nguồn nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.

Để phấn đấu đạt mục tiêu 80% người có HIV tham gia BHYT vào năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ báo cáo và đề xuất phương án hỗ trợ người có HIV tham gia BHYT. Bởi việc tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được giảm tới 80% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến, ngoài ra cần có những chính sách khuyến khích tạo việc làm cho bệnh nhân HIV để họ bảo đảm cuộc sống và duy trì điều trị.

Cho đến nay vẫn chưa có quyết sách nào tháo gỡ khó khăn về việc tham gia BHYT của người có HIV. Họ có được hỗ trợ nguồn kinh phí để mua thẻ BHYT, làm sao để càng đông người có HIV tham gia BHYT nhằm bảo đảm điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ và kịp thời nhất? Để giải quyết vấn đề, cần sự quan tâm giúp đỡ của cả xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người có HIV tham gia Bảo hiểm Y tế: Còn nhiều trăn trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.