Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa

Phạm Kim Thanh| 18/08/2012 05:45

(HNM) - Nhà thờ tổ họ Dương ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là chốn đi về của các thế hệ con cháu. Dương Phúc Tư (1505-1563) - Trạng nguyên thời nhà Mạc; Dương Duy Thanh (1804-1861) - Đốc học Hà Nội, người soạn văn bia đền Đồng Nhân ghi công đức Hai Bà Trưng... là những danh nhân nổi tiếng của dòng họ Dương đã góp mặt cho văn hiến Thăng Long. Ngay từ nhỏ, Giáo sư Dương Quảng Hàm đã sớm được "tắm" trong bầu không khí thi thư của dòng họ.

Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng

Sinh ngày 14-7-1898 trong dòng tộc nho gia có truyền thống, Dương Quảng Hàm sớm được giáo dưỡng lòng yêu nước, thương nòi. Thân phụ Dương Trọng Phổ và anh trai cả là Dương Bá Trạc đều tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục rồi bị đi đầy ở Côn Đảo năm 1909, đã sớm tác động đến tình cảm và nhận thức của Dương Quảng Hàm khi ông 11 tuổi. Mẹ hiền thay cha nuôi anh em ăn học, ông thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm trên phố Cửa Bắc, học khóa đầu tiên của trường cùng với cụ Nguyễn Văn Hiếu, cố Chủ tịch MTTQHN. Năm 1920, tròn 22 tuổi, ông tốt nghiệp thủ khoa và được bổ nhiệm dạy học ở trường Bưởi, từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp của người chở đò tận tụy và nghiên cứu say mê nền văn học nước nhà.

Những năm đầu tiên, giáo sư (GS) dạy môn sử, địa, tiếng Việt, tiếng Pháp bậc tiểu học, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc trung học. Đọc những dòng lưu bút của cụ Nguyễn Văn Hiếu, người cùng dạy ở trường Bưởi với GS Dương Quảng Hàm, chúng ta càng hiểu rõ những khó khăn của những bậc thầy yêu nước, có tinh thần dân tộc sâu sắc: “Anh Hàm và tôi trao đổi ý kiến riêng với nhau: Chúng ta cần phải tự học thêm nữa mới có thể làm nổi nhiệm vụ mới… Trong những năm đầu, dạy những giờ quốc văn là một việc rất khó khăn, vì không có một sách giáo khoa nào, mà cũng không có nhiều tài liệu có thể giúp cho việc soạn bài giảng dạy. Mãi đến khi có cuốn Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm biên soạn, xuất bản thì mọi người đều hoan nghênh và dùng nó để giảng dạy trong giờ tập đọc và giảng Việt văn. Đây là một tài liệu đầu tiên giúp cho các nhà giáo miền Bắc có thể dạy học sinh trung học phổ thông một cách tương đối nghiêm chỉnh, đúng đắn”. Điều sâu xa thúc đẩy GS Dương Quảng Hàm biên soạn cuốn sách này, không chỉ vì nhà trường không có tài liệu giảng dạy Việt văn mà chính là lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc đã ngấm vào máu huyết ông.

Trong sự nghiệp khai phá và phát sáng ấy, GS Dương Quảng Hàm kết hợp chặt chẽ tư tưởng Nho giáo yêu nước với sự “hiện đại hóa” theo phương pháp mới. Ông thạo Hán học và lại giỏi tiếng Pháp. Những tác phẩm mang đậm tính nhân văn của văn học Pháp và các trường phái nghiên cứu văn hóa - khoa học của các học giả phương Tây đã là cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn cho ông để tinh luyện nhuần nhuyễn các giá trị văn hóa Đông - Tây: “mượn các phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến nền văn hóa của nước mình”. Sách Việt văn giáo khoa thư dùng cho bậc cao đẳng tiểu học xuất bản năm 1940 và sách dùng cho bậc phổ thông trung học gồm Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn hợp tuyển (xuất bản năm 1943) là bước phát triển liên tục và nâng cao giá trị văn hóa của nền văn học nước ta. Có thể nói, hồn cốt của tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục được ông gìn giữ và phát huy ngay trong ngôi trường mà Pháp “bảo hộ”, trong đó Việt Nam văn học sử yếu là sự khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.

Gắn bó và kết hợp chặt chẽ giữa dạy học và nghiên cứu - biên soạn sách cho nhà trường, GS Dương Quảng Hàm để lại cho lớp học trò và hậu sinh không chỉ phong cách đạo đức mẫu mực của người thầy mà còn để lại công trình văn học vô giá cho dân tộc với lòng tự tôn, tự hào sâu sắc: “Dân tộc ta là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh… thâu thái lấy cái tinh hoa của nền văn minh Pháp mà làm cho cái tinh thần dân tộc được mạnh lên để gây lấy một nền văn học vừa hợp với hoàn cảnh hiện thời, vừa giữ được cái cốt cách tổ truyền. Đó là cái nhiệm vụ chung của các văn gia nước ta ngày nay vậy”.

Không lùi bước trước hiểm nguy

Cách mạng Tháng Tám thành công, GS Dương Quảng Hàm và một số trí thức yêu nước như Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Ngô Tất Tố… được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, cử ngay vào làm việc trong các bộ của Chính phủ lâm thời và các ngành của Nhà nước dân chủ cộng hòa. GS Dương Quảng Hàm được cử làm Thanh tra học vụ rồi Hiệu trưởng trường Chu Văn An (tức trường Bưởi), ngôi trường mà ông đã gắn bó 25 năm giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa). Năm 1945 và 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đến thăm trường Chu Văn An. Cảm kích tấm gương suốt đời hy sinh cho dân cho nước của Người, vả lại, tính ông vốn nghiêm cẩn, mô phạm trong mọi việc, GS Dương Quảng Hàm đã dọn đến trường ở để việc quản lý được sâu sát. GS Dương Trọng Bái, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, là con thứ của GS Dương Quảng Hàm nhớ lại: Từ lâu, gia đình tôi vẫn ở phố Hàng Bông. Lúc ấy, cha tôi quyết định đến ở trong trường. Mẹ tôi nói: Từ Hàng Bông đến trường đầm còn gần hơn đến trường Bưởi, việc gì ông phải đến ở đó, nhưng cha tôi nói: “Hiệu trưởng phải ở trong trường để có việc gì thì giải quyết ngay”.

Tháng 11-1946, Hà Nội đã chộn rộn, bất an. Không khí chuẩn bị kháng chiến thấm vào những ngôi nhà cổ mái ngói thâm nâu và cả những biệt thự trên phố Tây hay nhà lá đơn sơ ở khu lao động ven đô. Ngôi nhà 98A Hàng Bông cũng như nhiều nhà khác trên phố cổ đã vắng ngắt: Bà Dương Quảng Hàm đã đưa các con nhỏ (Duyên, Cương, Minh) về quê Phú Thị tản cư trước. Các con trai và con gái đã là thanh niên đều tham gia công tác của chính quyền cách mạng; còn GS Dương Quảng Hàm vẫn nghiêm cẩn, mẫn cán với trọng trách hiệu trưởng và nghiên cứu sách. Lúc này ông đang dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp. Ông dịu dàng bảo vợ khi bà nóng ruột giục ông đi tản cư: “Chưa có lệnh cho Hiệu trưởng tản cư; mình về quê, nếu Bộ có chỉ thị gì thì biết tìm mình ở đâu”. Khi chiến

sự ngày 19-12-1946 nổ ra, bà Dương Thị Thoa (tức Lê Thi, con gái GS Dương Quảng Hàm) nhớ lại: ngay đêm đó, khi tôi ở trong Đội Tuyên truyền xung phong của Liên khu I đến nơi tập trung đồng bào đi tản cư bị kẹt ở nhà in Ngô Tử Hạ, đầu phố Lý Quốc Sư, phát cơm cho mọi người thì bất ngờ gặp cả cha mẹ. Tôi không ngờ, đó là lần cuối cùng gặp người cha thương yêu, người giữ nghiêm nếp nhà gia giáo nhưng có tư tưởng dân chủ - bình đẳng nam nữ, cho cả bốn con gái đi học như các con trai và theo cách mạng.

Trong cơn gió bụi của chiến tranh tàn khốc, khi hai vợ chồng giáo sư được tự vệ dẫn đường đến tập trung ở đình Hàng Bạc, chuẩn bị thoát ra vùng tự do bằng đường đi bí mật dưới chân cầu Long Biên (có bọn Pháp gác ở trên) thì bị lạc nhau. Và họ mất nhau từ đó. Năm 1998, trong dịp hội thảo về thân thế và sự nghiệp của GS Dương Quảng Hàm, GS Đặng Nghiêm Vạn, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, lúc đó là tự vệ Liên khu II, đã nói rõ: Thời gian đó tôi đã từng gặp giáo sư với nhiệm vụ tìm cách đưa ông ra vùng tự do. Một số học trò khác của ông đã xác định được thời gian và địa điểm ông ngã xuống. Đó là một ngày cuối tháng 12-1946, giáo sư cùng một số người dân được dẫn đi theo đường Lê Văn Hưu - Hàm Long - Lò Đúc để xuống bến Phà Đen ra hậu phương. Một ổ súng liên thanh của địch ở Hàm Long đã bắn chéo sang phố Lê Văn Hưu, cướp đi người giáo sư ở tuổi 48, cái tuổi đang chín và tỏa sáng tài năng. Trang dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp vẫn đang để giữa chừng.

Lời tri ân

Ngày 5-7-2000, lễ truy điệu Liệt sỹ, GS Dương Quảng Hàm đã được tổ chức trang trọng ở Hà Nội.

Như vầng trăng sáng vằng vặc giữa trời, GS Dương Quảng Hàm đã cho chúng ta thấy: giữa bao biến động thời cuộc, mưa Âu - gió Mỹ, Nhật “đồng chủng da vàng”, con đường của người thầy, người chiến sỹ trên mặt trận giáo dục - văn hóa chân chính trong thời hội nhập văn hóa Đông - Tây, từ giữa thế kỷ XX đến nay, chính là sự tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để cống hiến tận tâm, tận lực cho nền văn hiến của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.