Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cán bộ thanh tra tận tụy

Hà Phong| 15/09/2017 06:23

(HNM) - Nhiều người làm trong ngành thường nhắc đến thanh tra viên cao cấp Nguyễn Hữu Lộc (Trưởng phòng Thanh tra 6, Thanh tra TP Hà Nội) với tình cảm quý mến và kính trọng.

Dấn thân với nghề

Phải khó khăn lắm, tôi mới động viên được người cán bộ thanh tra có vẻ ngoài chân chất nhưng rất nghiêm nghị dần cởi mở, chịu nói về mình. Sinh năm 1960 tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, thực hiện Lệnh tổng động viên chiến đấu bảo vệ biên giới, ông Lộc lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cũng như nhiều thanh niên khác lúc bấy giờ. 17 năm trong quân ngũ, rồi trở về học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, tham gia các lớp đào tạo khác nhau và năm 1996, ông được phân công làm việc tại Phòng Thanh tra 1, Thanh tra tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2002, ông được đề bạt giữ chức Phó Trưởng phòng Thanh tra kinh tế. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 2 năm sau, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng. Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008, ông được lãnh đạo cơ quan tin tưởng, tiếp tục bổ nhiệm giữ vị trí Trưởng phòng Thanh tra 6 và gắn bó cho tới ngày nay.

Trong quá trình công tác, riêng giai đoạn 2010-2017, ông Nguyễn Hữu Lộc đã làm trưởng đoàn của 44 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, kiến nghị thu hồi và đưa vào ngân sách nhà nước trên 330 tỷ đồng. Đồng thời kiên trì thực hiện đôn đốc thu hồi xử lý sau thanh tra đạt trên 90% số tiền đã kiến nghị, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng lãng phí, ổn định tình hình chính trị tại địa phương. Cũng trong giai đoạn vừa qua, cá nhân ông Lộc đã tham mưu và trực tiếp tiến hành trên 600 cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp trên 1.300 công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có nhiều vụ việc nhạy cảm, phức tạp.

Lắng nghe ý kiến, không né tránh bức xúc của người dân, nhất là trong vấn đề thu hồi đất, tái định cư; phân tích từng quyết định và trình tự thu hồi đất, ông Nguyễn Hữu Lộc nhận thấy một số quy định pháp luật bộc lộ những bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung. Một số người đứng đầu có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo không quyết liệt, giải quyết còn chậm và thậm chí có sai sót. Rồi có trường hợp đề xuất bồi thường, giải phóng mặt bằng không khách quan, không chính xác, không hợp lý... dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Song cũng có trường hợp ý thức chấp hành pháp luật của công dân còn hạn chế hoặc bị một số phần tử xấu kích động nên đã đưa ra những yêu cầu vượt quá các quy định của pháp luật…

Những kinh nghiệm tích lũy được là cơ sở để ông Nguyễn Hữu Lộc tham gia đề án tiếp dân, trong đó đi sâu vào quy trình đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở xã, phường, thị trấn, được in thành sách phổ biến trên địa bàn TP Hà Nội. Đây được coi là cẩm nang của cán bộ tiếp dân cấp cơ sở trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Nhiều kỹ năng, quy trình giao tiếp, vận động, thuyết phục đối thoại với nhân dân mà ông chia sẻ đã được cán bộ tư pháp, cán bộ trực bộ phận “một cửa”, cán bộ đảm nhận việc tiếp dân vận dụng trong thực tiễn, giúp giảm đi bức xúc của công dân đến khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu kiện vượt cấp… Thực hiện quy trình này đã rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là với đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền cơ sở.

Tiếp tục nghiên cứu Luật Khiếu nại, ông Nguyễn Hữu Lộc thực hiện nhánh đề tài về “Tình hình tiếp công dân và xử lý đơn thư về giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn TP Hà Nội”, được Hội đồng Khoa học cấp thành phố xét duyệt nghiệm thu. Ngoài công tác chuyên môn, những năm qua, ông Lộc còn tham mưu với tập thể lãnh đạo cơ quan xây dựng những văn bản pháp lý quan trọng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan liên quan. Điển hình là Quyết định số 79/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 80/2014/QĐ-UBND ngày 4-11-2014 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định về giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng quy định chức năng nhiệm vụ, quy trình giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo trên địa bàn thành phố, góp phần cụ thể hóa Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để người dân biết, hiểu đúng và chấp hành. Qua đó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Vững chuyên môn và có bản lĩnh

Khi được hỏi bí quyết của người cán bộ thanh tra, ông Nguyễn Hữu Lộc bộc bạch, bên cạnh tình yêu với công việc, đặc biệt là sự động viên vững chắc của hậu phương, cần phải vững chuyên môn và có bản lĩnh. Khi giỏi về chuyên môn lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thì sẽ có tiền đề vững chắc để dấn thân với nghề, đối diện với sự thật, có những phán quyết chính xác, khách quan. Nhiều thời điểm, ngày đi làm, tối về ông lại đi học. Cho đến nay, ngoài bằng cử nhân Kinh tế - chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, ông còn có bằng cử nhân Kinh tế chính trị và thạc sĩ Kinh tế để phục vụ cho công việc.

Song như thế vẫn chưa đủ, ông Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ: Địa bàn Hà Nội rộng lớn, phong phú, có khu vực nông thôn, đô thị nên đặc điểm từng nơi và dân trí cũng khác nhau, không thể áp dụng một cách máy móc cơ chế, chính sách mà không tìm hiểu thực tiễn. Người làm công tác thanh tra trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ giỏi nghề mà còn cần cởi mở, chia sẻ để gần gũi, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, vừa giải thích về lý, vừa lấy cái tình ra thuyết phục bà con. Nhờ vậy, thời gian qua, ông đã tham mưu cho lãnh đạo cơ quan phương án giải quyết được hơn 600 vụ việc hiệu quả, không có tái khiếu, tái tố.

Khi tiến hành thanh tra tại các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Lộc nhận thấy cần phải nắm rõ tình hình kinh tế mỗi khu vực để đóng góp ý kiến với các đơn vị có hướng đầu tư đúng đắn. Trong xử lý vi phạm phải nghiêm khắc nhưng cũng cần lắng nghe, làm cầu nối cho doanh nghiệp và chính quyền, tạo động lực cho họ phát triển sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp cho Thủ đô, đất nước.

Không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn 2009-2014, ông Nguyễn Hữu Lộc liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012; Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2009, 2011, 2014; nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, Tổng Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, ông vinh dự là đại biểu tham dự và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhận xét về người cán bộ thanh tra với bề dày thành tích hiếm có của đơn vị, Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết: “Trong cơ quan, không ai là không quý, không nể trọng anh Lộc vì những tâm huyết anh đã dành cho nghề. Tôi nhớ mãi thời điểm năm 2015, khối lượng vụ việc thanh tra và tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo rất lớn. Anh Lộc không những thường xuyên ở lại cơ quan làm việc miệt mài mà còn động viên tinh thần cán bộ để cùng giải quyết công việc bảo đảm đúng thời hạn, xây dựng lòng tin của người dân với chính quyền. Dường như anh vẫn giữ được những năng lượng như thời tuổi trẻ mới bước vào nghề, có khác chăng là trải nghiệm, bản lĩnh ngày càng sâu sắc hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cán bộ thanh tra tận tụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.