Đến xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm hỏi chị Nguyễn Thị Thanh Giang ở thôn Chi Nam ít người không biết, bởi chị là người đầu tiên ở địa phương thực hiện thành công mô hình đưa hoa ra đồng, bắt đất bạc màu nở
Là người đam mê với nghề trồng hoa nhưng không có đất sản xuất nên năm 2006, vợ chồng chị Thanh Giang đã mạnh dạn thuê lại 10.900m2 khu đất xấu nằm dọc cơ đê sông Đuống thuộc địa phận thôn Chi Nam để trồng hoa. Khu đất trước đó hầu hết bị bỏ hoang hóa nên cằn cỗi, hệ thống kênh mương không có, đồng vốn cũng không đã khiến chị Giang không ít lần nản trí. Được sự quan tâm động viên, tạo thuận lợi của UBND và Hội Nông dân xã Lệ Chi như cho mượn địa điểm ở tạm, nhiều lần tạo điều kiện vay vốn, vợ chồng chị Giang đã làm ngày, làm đêm để từ chỗ chỉ trồng được 300m2 hoa ly và vài trăm mét vuông các loại hoa khác, đến nay, gia đình chị đã có một trang trại hoa gồm 2.500m2 trồng hoa ly, 4.000m2 trồng hoa cúc vàng pha lê Hà Lan, hoa loa kèn, đỗ quyên. Các loài hoa mộc, tuy líp… cũng từng bước được trồng trên diện rộng.
Chị Giang cho biết: Các loại hoa có màu sắc đẹp, có hương thơm thì khó trồng, khó chăm sóc. Đặc biệt là với hoa ly, để có hoa đẹp thì việc chăm sóc vô cùng tỷ mỷ, không chỉ đòi hỏi cao về kiến thức khoa học kỹ thuật mà còn phải biết tích lũy kinh nghiệm qua từng mùa vụ. Vì thế, ngoài việc gặp gỡ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước ở vùng hoa Tây Tựu, vợ chồng chị Giang còn lên mạng tra cứu tài liệu rồi ngày đêm kề cận bên hoa để tìm hiểu tính nết từng loài. Nhờ đó, hoa nhà chị vừa có hình thức đẹp, vừa có hương thơm và thường bán được giá nhất tại các chợ đầu mối.
Đến nay, mô hình trồng hoa trên vùng đất bạc màu của gia đình chị Giang ngày càng đạt hiệu quả cao không chỉ góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, mà còn làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của nhiều nông hộ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thu nhập, làm giàu chính đáng ở một xã thuần nông còn nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.