(HNM) - Về Bến Tre lần này cùng bạn bè đi thăm khắp chốn "thủ phủ dừa", chúng tôi mới được biết thêm nhiều giống dừa và tận mắt nhìn thấy sự phong phú đến ngạc nhiên các loại sản phẩm và công dụng của dừa, một loại cây trái như là biểu tượng sự trù phú xanh tốt của miền Nam.
“Hai trăm ngàn một trái”
Chuyện bắt đầu từ một đêm ngồi trên sân thượng Hàm Luông hotel, bốn nhà văn ở đồng bằng sông Cửu Long và tôi, chúng tôi gọi nước uống. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gọi dừa dứa, nghe tên dừa là lạ, tôi gọi theo. Cô tiếp viên đặt trước mặt tôi trái dừa xiêm, trông bình thường nhưng nước dừa thơm ngát mùi lá dứa, vị ngọt thanh, có hậu, rất đặc biệt. Tôi hỏi người ta pha nước lá dứa vào à? Mọi người cười ồ, bởi ở đây không ai là không biết đến giống dừa nổi tiếng này.
Vận chuyển dừa sáp tại xã Hòa Tâm, huyện Cầu Kè, Trà Vinh. |
Nhưng chuyện "bé cái nhầm" về dừa ấn tượng nhất lại rơi vào trường hợp của nhà văn HVK. Một người bạn gái ở Sài Gòn điện thoại nũng nịu đòi anh nhất định mang quà Bến Tre về tặng phải là một cặp dừa sáp. Chuyện nhỏ! Anh hứa ngon hứa ngọt vì cứ đinh ninh hai trái dừa có là gì. Quả tình khi anh rủ tôi đi mua dừa sáp, tôi cũng chỉ nghe giới thiệu sơ qua: Dừa sáp còn gọi là dừa kem, là giống dừa đặc sản của Trà Vinh đã được nhân giống tại Bến Tre. Dừa sáp ít nước hoặc không có nước, cơm mềm dẻo dày thơm, có trái cơm dày đến kín ruột. Mỗi buồng dừa chỉ được một đến hai trái. Đi gần cuối chợ Bến Tre, chúng tôi mới bắt gặp tấm biển ghi "dừa sáp" cắm trên một rổ dừa đâu chừng mươi trái, bọc lưới vàng kỹ lưỡng, trái nào cũng lột vỏ phân nửa đều có đóng dấu son và triện tên chủ dừa như kiểu người ta đóng dấu hoặc lăn vân tay ở góc bức thư pháp. Miệng vừa vui vẻ hỏi giá, tay vừa móc ví, tôi thấy anh chợt sựng lại, chiếc ví suýt rơi xuống đất, mặt nhà văn thất sắc khi nghe người bán bảo: Hai trăm ngàn một trái, vị chi hai trái bốn trăm ngàn. Sau này, khi trò chuyện với dân nhà vườn ở Giồng Trôm tôi mới biết thêm đây là giống dừa hiếm người ta chỉ dành để cúng tế, khách du lịch lắm tiền và hiếu kì mới rờ tới, cũng một lần cho biết, nên giá của nó mới ngất ngưởng như vậy.
Trước đây, tôi cứ tưởng mình cũng có chút kiến thức tàm tạm về dừa vì tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, nơi có rất nhiều làng dừa nổi tiếng như Rạng, Mũi Né, Tân Thuận, Tam Tân… Nhờ chuyến đi này, tôi mới mở mắt ra với thế giới dừa đủ các sắc độ: vàng, cam vàng, nâu, đỏ, sọc, xanh… Tên các giống dừa thì quá nhiều không tài nào nhớ hết: Dừa xiêm xanh, xiêm lửa, xiêm lục, xiêm xanh ruột hồng, xiêm núm, dừa ẻo nâu, ẻo xanh, dừa ta vàng, ta xanh, dừa dâu vàng, dâu xanh, dừa lửa xiêm, lửa lai, dừa bung vàng, bung xanh, dừa sọc, dừa sáp, dừa dứa, dừa PB 121, dừa PB 141, dừa JVA 1, JVA 2… Nhưng quả tình tôi không thể quên được trái dừa sáp với cái giọng chắc như đinh đóng cột của người bán dừa: Hai trăm ngàn một trái.
Đuông dừa, rượu dừa, dầu dừa
Một nhà văn trẻ ở Bến Tre đã hồ hởi bấm nhỏ, rỉ tai tôi: Nhà mình có cây dừa rũ ngọn, tối nay ta có mồi đặc biệt. Quả là vào cái đêm thứ hai của đại hội, chúng tôi có một bữa lai rai nhớ đời. Cuộc nhậu đúng kiểu Nam bộ, rượu rót từ bầu dừa, chỉ có một ly xoay vòng. Tôi thường bị rầy vì cầm ly hơi lâu, phần "đô" yếu, phần vì muốn nhâm nhi thưởng thức thứ rượu dừa đặc sản của Bến Tre này. Không thơm nức đến mức quyến rũ như rượu Làng Vân, không cay nồng đậm đà như rượu Bàu Đá, càng không say ngọt như rượu Gò Đen, rượu dừa Bến Tre trắng ngà, hương vị đậm đà nhất là dừa, thứ hương vị kích thích vừa làm cay tê đầu lưỡi chút xíu đã tan nhanh nhường chỗ cho sự lan tỏa ngọt ngào của hương vị nếp cái dễ nghiện, dễ nhớ. Rượu không nặng, có thể ngồi với nhau tàn canh như kiểu uống rượu Nùng, nhưng quả là cái lâng lâng mà rượu dừa đem lại thật dễ chịu khiến người uống rượu vừa giữ được sự lịch thiệp đằm thắm sang trọng lại vừa đủ ngất ngây nâng cánh cho những ý tưởng trong đầu thăng hoa, đủ độ nồng ấm cho tình bạn bè thêm gắn kết. Rượu dừa được làm từ nếp cái và men cổ truyền. Người ta công phu bơm vào một trái dừa già, cơm đủ dày, qua một lỗ nhỏ, xong hàn kín, ủ khoảng 20 ngày. Khi dùng thì đút ống vào ngay lỗ khoét cũ tạo thành cái vòi đẹp mắt. Ngược với sự dịu nhẹ của rượu dừa là ấn tượng mạnh về món mồi mà bạn tôi hồ hởi thông báo từ lúc sáng. Trên mấy tàu lá chuối là vô vàn những con đuông nướng vàng ngậy, béo múp. Bạn tôi cẩn thận để sống vài con trắng hếu thun ra thun vào "cho có cảm giác".
Đuông là đặc sản ngày xưa dân chúng thường dâng lên cho vua Minh Mạng. Ông vua này thích lắm nên cho khắc vào những chiếc cửu đỉnh đặt trong sân Thế Miếu. Nó là con kiến dương hoặc bọ rầy con nằm trong củ hũ dừa nên còn gọi là đuông dừa. Tôi nhấn nhá mãi cuối cùng thì cũng lấy hết can đảm mà nhâm một con, gọi là "đỡ xấu hổ" với bạn bè. Anh bạn nhà văn ở bên bờ sông Hàm Luông này đã bỏ cả buổi mồ hôi mồ kê nhễ nhại đốn ngã cây dừa xuống, chẽ ngọn bắt từng con đuông quý giá đem đãi bạn đường xa. Nội nghĩ tới điều ấy thôi là nỗi kinh sợ trong người đã tiêu bớt phần nào. Mấy bạn khảnh ăn cho biết ở Sài Gòn giá một con khoảng ba chục ngàn, vậy mới thấy bữa tiệc của chúng tôi thịnh soạn tới mức nào. Cuối bữa tiệc bạn tôi cứ suýt xoa tiếc là chưa làm được món "xe tăng lội nước", tức là thả đuông sống vào nước mắm nhĩ rồi cứ thế vớt ra mà ăn, tiếc là xứ này tìm nước mắm nhĩ không dễ như Phan Thiết hay Phú Quốc. Tôi nghe tới đó cũng ậm ừ nhưng trong người thì bắt đầu dợn lạnh.
Tôi nhớ ngoại tôi, má tôi ngày còn sống thường bôi dầu dừa lên tóc rồi đi làm việc gì đó nhè nhẹ, sau mới quay lại gội đầu nên làn tóc lúc nào cũng bóng dày tự nhiên. Khi lớn lên tôi đọc sách thấy có nói nhiều về công dụng của dầu dừa, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên về sự kì diệu và tính năng đa dạng của nó. Tôi có quen linh mục Stephano Lê Công Mỹ, ông cho rằng chính dầu dừa đã cứu sống mình. Hai chuyên gia y tế của Pháp đã "bó tay" với trường hợp tim mạch quá nặng của ông, Tòa Giám mục chuẩn bị thành lập Ban tang lễ thì đột ngột mọi người nghe tin "cha đã khỏe lại". Các bác sĩ khám bệnh cho ông cảm thấy ngờ vực các dụng cụ kiểm tra tim mạch nhưng sau khi thấy ông đi lại nói cười bình thường và xin về nhà thờ thì mọi người mới ớ ra. "Một ngày hai muỗng dầu dừa trước mỗi bữa ăn". Ông vui vẻ giải thích rồi nói thêm cũng là cơ duyên mà ông được một người thân đem tặng hai lít dầu, bảo dùng thử. "Thật không ngờ hiệu nghiệm như vậy".
Nhà dừa, nội thất dừa, vật dụng dừa
Kẹo dừa Bến Tre thì quá nổi tiếng ai cũng biết, nhưng nhà dừa, toàn bộ vật dụng, trang trí trong nhà là dừa thì không phải ai cũng được mắt thấy tai nghe. Theo lời mách nước của nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, chúng tôi tìm đến ngôi nhà dừa của chị Nguyễn Thị Kim Thanh (độc giả có thể liên lạc qua số điện thoại 0903940982). Cột nhà được chọn từ những cây dừa 50-70 tuổi bóng lộn đập vào mắt chúng tôi là một sản phẩm quá lạ, đúng như chị xác nhận quá trình săn lùng bộ cột nhà quả là "chảy máu mắt", rồi phải ngâm nước hai ba tháng, tất cả các khâu cưa xẻ đều phải làm thủ công, tính toán kỹ lưỡng. Ngôi nhà ngói ba gian mát lạnh bất ngờ khi ta bước từ ngoài nắng vào, từ bàn ghế, tranh treo tường, tủ thờ, cửa nẻo, rường cột, vách mái… tất cả đều từ thân dừa, gáo dừa, lá dừa. Ngôi nhà dừa quả là đẹp mắt và hữu dụng.
Dừa ở Bến Tre đã thật sự là máu thịt của người dân ở đây: Dừa cúng tế, dừa thực phẩm, dừa mỹ phẩm, dừa dược phẩm, dừa cất rượu và cả nhà cửa, vật dụng cũng bằng dừa, ngay xác vụn thân dừa, xơ dừa cũng được chế biến thành dớn thành phân phục vụ nông nghiệp. Sử dụng tại chỗ là thế, các sản phẩm dừa Bến Tre còn có mặt và nổi tiếng cả nước và đang tạo được đà xuất khẩu uy tín trên nhiều thị trường của thế giới, doanh thu xuất khẩu hằng năm đã trên 100 triệu USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.