(HNM) - Miền Bắc đang trong cao điểm nắng nóng. Thời tiết khắc nghiệt, ngột ngạt, trong khi các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như điện, nước được bảo đảm thì một vấn đề không thể không cảnh giác là số người nhập viện gia tăng.
Điện, nước bảo đảm
Nắng nóng ở miền Bắc diễn ra đồng thời với mùa khô ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ thời gian qua tăng đột biến. Ngay trong tháng 4-2019, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải, như: Ô Môn, Thủ Đức, Cần Thơ, Cà Mau. Dự kiến, tháng 5 và tháng 6, phụ tải tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết: EVN đã xây dựng các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, cụ thể: Huy động linh hoạt thủy điện theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, bảo đảm khả năng cấp điện đến cuối mùa khô. Các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí khu vực miền Nam sẽ được huy động tối đa công suất. EVN cũng chủ động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai những giải pháp bảo đảm nhiên liệu cho phát điện. Đối với lưới điện hạ áp và phân phối, các công ty điện lực hoàn thành mọi công tác trên lưới từ trước tháng 3-2019, bảo đảm vận hành ổn định trong mùa nắng nóng.
Hiện ngành Điện đã làm việc với các khách hàng lớn và có khoảng 2.000 đơn vị tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải cùng EVN, song song với việc tuyên truyền tiết kiệm điện tới hộ gia đình. Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời áp mái được coi là giải pháp hiệu quả để bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ. Theo ông Ngô Sơn Hải, với tất cả các giải pháp trên, EVN cam kết bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ người dân trong năm 2019, nhất là trong những ngày cao điểm nắng nóng.
Tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, cùng với điện, vấn đề được đặc biệt quan tâm là nước sạch. Trong đợt cao điểm nắng nóng này, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao. Tuy nhiên, theo khẳng định của Sở Xây dựng Hà Nội, tình hình cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố vẫn ổn định.
Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Trong năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành 4 dự án cấp nguồn, nhờ đó nguồn nước sạch cấp cho thành phố năm 2019 tăng thêm khoảng 335.000m3/ngày-đêm; nâng tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.370.000m3/ngày-đêm. Tính cả tốc độ phát triển đô thị và nhu cầu sử dụng nước vào thời gian cao điểm mùa hè, sản lượng tổng công suất các nguồn cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu trong mùa hè năm 2019.
Về tuyến đường ống nước sạch sông Đà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã hoàn thành trạm bơm tăng áp tại Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) và 6,4km truyền dẫn nước sạch từ trạm bơm tăng áp đến đường Vành đai 3 để duy trì nguồn cấp cho khu vực nội đô. Khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực nước trên tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà, Sở Xây dựng điều tiết nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống, bổ sung nguồn cấp cho Công ty cổ phần Viwaco.
Cảnh giác nguy cơ nhập viện do… thời tiết
Chiều 18-5, theo tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm này, lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch nhập viện chưa có nhiều biến động. Song gần như ngày nào bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị tăng huyết áp, tai biến, đột quỵ nặng do nguyên nhân thời tiết. Thậm chí, có trường hợp, bệnh nhân vừa mới xuất viện lại phải tái nhập viện do khó thở, mất nước.
Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), cứ mỗi đợt nắng nóng đỉnh điểm, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị đột quỵ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ khi làm việc liên tục, căng thẳng dưới thời tiết nóng bức. Thời tiết nắng nóng là yếu tố dễ gây đột quỵ ở những người có nguy cơ như: Mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, hội chứng chuyển hóa…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi cảnh báo, những người làm việc, tập luyện với cường độ mạnh trong thời tiết nắng nóng, môi trường có nhiệt độ cao hơn cơ thể, dễ xảy ra nhiều biến cố sốc nhiệt, dễ rơi vào tình trạng hôn mê. Do vậy, những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, nên tạm dừng công việc, nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Khoảng thời gian từ 12h đến 16h là nhiệt độ cao nhất, do vậy không lao động ngoài trời vào thời gian này. Ngoài ra, những người phải lao động ngoài trời cần bảo đảm đủ nước, các phương tiện bảo hộ để giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại.
Ngày mai, 20-5, kết thúc đợt nắng nóng (HNM) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 19-5, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng; nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi cao hơn 40 độ C. Tuy nhiên, ngày 20-5, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, kết thúc đợt nắng nóng. Khu vực thành phố Hà Nội, từ ngày 21 đến 28-5, có mưa rào và dông rải rác. Kim Nhuệ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.