(HNM) - Năm 1994, tôi làm cuộc khảo sát nhỏ ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang, để viết bài "Hàng Đào, Hàng Ngang thời mở cửa". Hỏi nhiều người dân sống ở 2 phố này, hỏi chính quyền phường mới biết, sau khi tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954, hàng nghìn cán bộ từ chiến khu về không có chỗ ở đã thuê hay ở nhờ dân để tiện đi làm.
Chủ các nhà lùi vào phía trong, phần cho yên tĩnh, phần nghe ngóng xem chính sách của chính quyền mới thế nào. Rồi những người thuê nhà hay ở nhờ lấy vợ, sinh con khiến một số nhà chỉ một hộ nay thành hai hộ. Nhà báo, nhà văn Trần Chiến người từng sống nhiều năm ở phố Lãn Ông kể, nhiều cán bộ, viên chức còn đưa người thân từ quê ra sinh sống trong khu vực này. Nguyên nhân khác là con cái các gia đình khu vực 36 phố phường lập gia đình nên căn nhà cũng bị chia ra cho những cặp vợ chồng mới, vì thế mà phố cổ ngày càng đông dân hơn.
Những ngôi nhà cổ trên phố Hàng Đường. Ảnh: Khánh Nguyên |
Bao giờ dự án giãn dân thành hiện thực?
Theo Quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30-3-1995 của Bộ Xây dựng, khu phố cổ bắt đầu ở phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các phố: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Tổng diện tích vào khoảng 100ha với 76 tuyến phố thuộc 10 phường gồm: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông và Lý Thái Tổ. Mặc dù các phố cổ của Hà Nội còn nằm cả bên ngoài khu vực này, nhưng do đây là khu vực tập trung phố cổ nhiều nhất và còn giữ được những đặc trưng nên được gìn giữ, bảo tồn.
Tính đến thời điểm hiện nay, khu vực cần bảo tồn có tới 84.000 người đang sinh sống, đó là chưa kể hàng vạn người các tỉnh tá túc ở đây làm công cho các cửa hàng ăn uống, dịch vụ, giúp việc... Tính trung bình một người dân chỉ có khoảng 12m2. Song diện tích nhà ở trên đầu người thì thấp hơn nhiều, chỉ đạt 1,5-2 m2/người. Rất nhiều số nhà trong 76 tuyến phố có tới hàng chục hộ. Muốn thưởng thức món bít tết Lợi nổi tiếng ở phố Hàng Buồm, người ta phải đi vào cái ngõ mà đi ngược chiều nhau phải nghiêng người và sâu hun hút với hàng chục hộ. Ở nhiều phố, có hộ chật đến mức ngày giỗ cha, con cháu phải ăn từ sáng đến chiều mới xong cho dù chỉ mấy chục người. Tôi đã từng ăn Tết đứng ở phố Hàng Đào vì nhà quá chật. Chuyện vệ sinh thì không chỉ thời bao cấp mà bây giờ cũng đầy chuyện giở khóc giở cười. Bạn tôi ở đầu phố Hàng Buồm lúc nhỏ bị mẹ huấn luyện phải ngồi bô vào tầm trưa dù không có "nhu cầu" để lớn lên đi vệ sinh vào thời gian đó không phải chờ đợi. Nhiều nhà chật nhưng không có khả năng kinh tế để mua nhà mới nên con trai lấy vợ chỉ còn cách làm gác xép. Gác xép chỉ cách sàn nhà chừng hơn một mét, ban đêm cả đống người ngủ phía dưới nên khổ cho cặp vợ chồng kia cứ phải nhẹ như… kẻ trộm. Bây giờ không ít cặp vợ chồng vẫn thế.
Tồn tại và phát triển song song với Hoàng thành trong 1000 năm qua nên khu phố cổ có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị. Theo thống kê, khu vực này hiện có 128 di tích bao gồm: Đền, chùa, quán, đình, nhà thờ họ, di tích cách mạng... trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia và thành phố. Song còn một giá trị vô hình nữa là các giá trị sống và cùng với những di tích đã làm khu phố cổ trở thành đô thị truyền thống độc đáo ở Việt Nam. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã bỏ kinh phí trùng tu lại nhiều công trình ở khu vực phố cổ trong đó có đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), xây từ thời Hậu Lê thờ ông tổ nghề kim hoàn, đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống) thờ ngũ thượng đẳng thần và công chúa Hà Dung, đền Bạch Mã (76-78 Hàng Buồm), một trong tứ trấn của thành Thăng Long xưa thờ thần Long Đỗ... đồng thời thành phố cũng đã chuyển các hộ dân sinh sống trong di tích ra khu vực khác. Đó là lối ứng xử có văn hóa của Hà Nội với các di tích.
Khu vực phố cổ hiện nay là nơi buôn bán sầm uất như Kẻ Chợ xưa, lại quá đông dân và chật chội nên vẫn có nhiều công trình văn hóa bị chiếm dụng, không chỉ ảnh hưởng đến không gian văn hóa mà còn làm mất mỹ quan. Chùa Vĩnh Trù ở số 59 phố Hàng Lược được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích, cổng chùa có tấm biển "Di tích đã được xếp hạng, cấm được xâm hại", nhưng không gian chùa đã bị biến thành quán cơm, quán nước. Chùa Huyền Thiên (54 phố Hàng Khoai) được cho là xây dựng vào thế kỷ XIV, xưa là một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long gồm: Trấn Vũ (Quán Thánh), Huyền Thiên, Đồng Thiên (đền Kim Cổ) và Đế Thích (chùa Vua). Có kiến trúc đẹp và vừa thờ Phật vừa thờ Mẫu nên Huyền Thiên là di tích độc đáo của Hà Nội. Song phía cổng tam quan bị người dân biến thành nơi kinh doanh đồ sứ nên từ xa khó nhận ra chùa. Có thể kể ra nhiều di tích bị xâm phạm. Một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy quận Hoàn Kiếm có 593 hộ đang sinh sống trong khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa, 39 hộ sinh sống trong khuôn viên trường học, 72 hộ ở vào công sở, 217 hộ sinh sống trong nhà cũ nát, nguy hiểm có nguy cơ sập đổ. Không chỉ di tích lịch sử, văn hóa mà không gian phố cổ dường như bị xóa nhòa bởi các tòa nhà cao tầng xây dựng không phép, quá phép.
Còn nhớ vào năm 1997, nếu dự án liên doanh với công ty của Hồng Kông xây Khách sạn vàng (nay là tòa nhà Bảo Việt) ở phố Lê Thái Tổ cao tới 23m sẽ biến hồ Gươm thành cái ao đã khiến giới kiến trúc, sử học cùng các nhà báo viết văn hóa, văn nghệ đồng loạt lên tiếng. Chủ dự án có sửa chữa nhưng nay vẫn cao ngất ngưởng bên công trình kiến trúc Thủy Tạ xinh xắn. Rồi tòa nhà "hàm cá mập" (nay là trung tâm thương mại đầu phố Đinh Tiên Hoàng) không chỉ xấu về kiến trúc mà còn trở thành bức tường ngăn không gian phố cổ với hồ Gươm. Không chỉ có vậy, trong 76 tuyến phố, các hộ dân cải tạo, cơi nới với đủ các loại vật liệu từ khung nhôm kính, nhựa đến các vật liệu truyền thống như cót ép, mành... lẫn với mớ dây điện, viễn thông, cáp truyền hình làm cho không gian phố chắp vá thậm chí nhem nhuốc. Bản thân các phố đã chật chội và chỉ cần xe máy của các hộ sống ở đây để trên vỉa hè đã làm nhiều con phố không còn chỗ đi lại. Người dân hàng phố cho rằng do quá chật chội nên đành nhắm mắt làm vậy để cải thiện sinh hoạt vì không còn cách nào khác. Chính quyền 10 phường trong khu vực bảo tồn biết di tích và không gian bị xâm hại nhưng quản lý không xuể vì chuyện diễn ra hằng ngày. Mặt khác, nhiều cán bộ phường phàn nàn, dự án giãn dân đợt 1 đưa 1.800 hộ dân sang Khu đô thị mới Việt Hưng nếu tiếp tục chậm chạp thì không chỉ khó cho phường mà khó cả cho dân.
Ngày 31-3-2011, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có buổi làm việc với Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm về giãn dân để cải thiện cuộc sống cho hàng vạn hộ trong khu vực phố cổ, đồng thời bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là lần thứ 3 đồng chí Bí thư Thành ủy làm việc với quận Hoàn Kiếm về vấn đề này. Bí thư Thành ủy chưa hài lòng với tiến độ thực hiện dự án giãn dân và cho rằng, giãn dân cũng là chính sách an sinh xã hội của Hà Nội. Chưa giãn dân thì đâu đó di tích vẫn có thể bị xâm phạm. Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, không thể bảo tồn hết 76 tuyến phố mà nên bảo tồn theo trọng tâm, trọng điểm. Đó là chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với thực tế.
Người dân phố cổ và tất cả những người yêu Hà Nội đang chờ đợi chủ đầu tư dự án. Phố cổ vẫn ngột ngạt lắm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.