(HNM) - Trung tuần tháng 12-2012 vừa rồi, tại buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày vượt ngục của các cựu tù Côn Đảo, tôi được nghe câu chuyện và thực sự cảm phục sự hy sinh dũng cảm của ông và đồng đội...
Đã 85 tuổi mà ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, hết nối liên lạc 7 ông tổ trưởng tù chính trị Côn Đảo trên địa bàn thành phố lại bay luôn vào đó, đưa mấy nhà báo đi chụp hình, quay video Bến Đầm, đầu mom Cá Mập nơi các chiến sĩ năm xưa tổ chức vượt ngục, đến sân bay Cỏ Ống thắp hương viếng các liệt sĩ. Và trước ngày gặp mặt đồng đội cũ sau 60 năm vượt Côn Đảo (12-12-1952), ông kể cho tôi nghe chuyện bị thực dân Pháp bắt vào nhà tù Hỏa Lò: Làng Phương Liệt của tôi ở kề Ngã tư vọng và sân bay Bạch Mai, hai vị trí quân sự quan trọng của thực dân Pháp ở phía nam thành phố. Tháng 12 năm 1946, Tự vệ làng Phương Liệt chúng tôi không chỉ chốt ở trên cầu Phương Liệt, cầu làng Tám rồi phá cầu, chặn bước tiến quân Pháp mà còn xung phong lên chiến đấu ở khu vực Ngã tư vọng và bệnh viện Bạch Mai. Sau ngày 15-1-1947, Pháp đã chiếm được vùng này nên tôi lại theo sở Bưu điện Bờ Hồ - nơi tôi đang làm việc trước ngày 19-12-1946 - để tiếp tục làm công tác điện tín tại huyện Thanh Oai. Ông lý trưởng là người của ta, tạo điều kiện cho anh em du kích lấy giấy laisser passer của địch cấp.
Ông Nguyễn Văn Hậu.
Do đó, chúng tôi hoạt động khá mạnh: đặt mìn trên đường tàu hỏa; nuôi giấu cán bộ kháng chiến quận 6; vào nội thành mua báo chí, nhất là báo tiếng Pháp để chuyển ra căn cứ cho Thành ủy và Trung ương. Tôi vốn làm ở sở Bưu điện Bờ Hồ từ trước ngày Hà Nội khởi nghĩa nên ông lý trưởng tìm cách ghi tên tôi và chứng nhận là công nhân bưu điện nên tôi được vào phố tự do. Có khi tôi lên tận Bờ Hồ, nơi có hòm thư bí mật đối diện với nhà Thủy Tạ để lấy tài liệu. Các báo Tia sáng, Công Luận, Giang sơn… thì được mua như “công dân” nội thành, không ai nghi ngờ được.
Cuối năm 1949, quân dân của Mặt trận Hà Nội đẩy mạnh mọi mặt công tác chuẩn bị chiến trường, tiến tới Tổng phản công. Tôi làm Trung đội trưởng Trung đội Nguyễn Huệ thuộc tiểu đoàn 250A của Biệt động đội hoạt động ở vùng phía nam thành phố (hoạt động phía bắc thành phố là tiểu đoàn 250B) được điều động sang đại đội 310 thuộc tiểu đoàn 105 của Mặt trận Hà Nội. Chúng tôi có nhiệm vụ điều tra sân bay Bạch mai, để chuẩn bị cho quân chủ lực đột nhập vào đánh sân bay.
Bến Đầm - Côn Đảo, nơi xuất phát của chuyến tàu vượt ngục ngày 12-12-1952.
Công tác điều tra không gặp khó khăn gì, vì ông lý trưởng có cách cho du kích Phương Liệt giả làm người lao công trong sân bay. Các đồng chí vẽ sơ đồ và gửi ra ngoài, dưới sơ đồ có ký tên Trung đội Nguyễn Huệ. Sự chủ quan, sơ suất đó đã làm mồi ngon cho địch. Người liên lạc ra đến bốt Cầu Đen ở cuối huyện Thanh Trì bị nó bắt, thấy ngay báo cáo và sơ đồ của Trung đội Nguyễn Huệ về sân bay Bạch Mai trong túi dết. Vì vậy, đêm 26-1-1950, địch quây làng Phương Liệt, bắt tôi và tra tấn tôi ngay tại nhà ông Đào Văn Sâm. Sáng hôm sau, nó đưa tôi ra đình tra khảo để tôi nhận mặt ai hoạt động Việt Minh, nếu không chỉ đúng thì bắn. Không moi được tin gì, địch nhốt tôi một tuần trong sân bay Bạch Mai chỉ với câu hỏi duy nhất “ai? lực lượng nào sẽ đánh sân bay Bạch Mai?”. Ròng rã từ nơi giam giữ trong sân bay, vào Hà Đông, ra Sở mật thám Hà Nội, nhà Rượu Gia Lâm, trở về Hỏa Lò chờ ngày ra tòa án binh, suốt 8 tháng bị khảo tra, đánh đập, kiên quyết không khai báo, tôi bị thực dân Pháp kết án chung thân khổ sai, đày đi Côn Đảo. Báo Tia sáng đưa tin vụ xét xử công khai này. Mẹ tôi nghe tòa tuyên án, khóc không thành tiếng. Lúc ấy, đứa con bé bỏng của tôi mới 2 tuổi.
Bản hùng ca giữa biển trời Côn Đảo
Sau hơn một năm bị giam tại Hỏa Lò, tháng 4-1951, tôi và 65 đồng chí từ Hỏa Lò bị chở xuống Hải Phòng đi tàu biển tới Khám lớn Sài Gòn. Ở đây, chúng phân loại anh em, đánh số tù, rồi mới đưa xuống tàu đi Côn Đảo. Trận đánh phủ đầu chào đón anh em tù chính trị Hỏa Lò diễn ra ngay trên cầu tàu 914. Hết banh 1 sang banh 2, tôi may mắn được ở bên anh Hoàng Nam, Bí thư chi bộ, vốn là cán bộ của Ty Công an Hà Nội, nên được anh tận tình dìu dắt. Đúng ngày 1-5-1952, tôi được kết nạp Đảng. Trong lao tù, lá cờ Đảng thiêng liêng ở trái tim mình. Thời gian này, Ban chấp hành Đảo ủy Côn Đảo ra quyết định tổ chức vũ trang nổi dậy, đánh chiếm toàn đảo, cướp tàu của địch, lái về đất liền. Tôi đang làm phu ở bộ phận phục vụ trên đảo: bốc hàng khi có tàu biển chở hàng ra đảo; hoặc vận chuyển hàng từ đảo ra tàu để chở về Sài Gòn; vận chuyển xăng dầu lên cây đèn biển bên bãi Cạnh cao 1.000m. Vì thế, Chi bộ phân công nhiệm vụ ngày 12-12-1952, khi ta từ đầu mom Cá mập và Bến Đầm đánh về trung tâm thắng lợi thì phải nhanh chóng cướp tàu để đưa anh em về. Chúng tôi ở banh 2 không thấy anh em đánh về khu trung tâm như kế hoạch đã định, biết là việc lớn không thành. Gần 200 đồng chí vượt biển đã hy sinh 81 người. Những ngày sau, tôi được nghe anh em kể lại nguyên do vì sao không đánh về khu trung tâm được. Thì ra, ngày ấy, tại Bến Đầm, các tổ xung kích đã trói gọn 28 tên lính da đen, thu hết vũ khí; nhưng ở đầu mom Cá Mập, ta không diệt gọn được địch, để tên lính chạy thoát có thể dẫn đến địch sẽ báo động toàn đảo. Ban chỉ huy cấp tốc chuyển sang phương án vượt biển bằng thuyền do anh em đã chuẩn bị sẵn, giấu ở gần Bến Đầm. Sóng dữ, thuyền bị vỡ, gió chướng đổi chiều, 5 chiếc thuyền chật vật không qua được lớp sóng đất (lớp sóng ven đảo). Một số đồng chí đã tự nguyện nhảy xuống biển cho thuyền đỡ nặng, nhường sự sống cho đồng chí mình. Một số đồng chí bị cảm lạnh, chìm theo con sóng. Khúc bi tráng trên biển khơi mênh mông và sự hy sinh của các đồng chí đã là chất liệu quý giá để nhà văn Phùng Quán viết truyện Vượt Côn Đảo nổi tiếng. nhân vật chính trong truyện là đồng chí Phan Du thân thiết của chúng tôi - đảo ủy viên phụ trách quân sự.
Mờ sáng ngày 13-12-1952, địch cho tàu và máy bay ra biển, bắt các đồng chí đang bơi về đảo và lập tức mở chiến dịch tra tấn, đánh đập dã man hơn bao giờ hết. Tôi không bao giờ quên hình ảnh anh Đặng Đức Hòa, biệt danh Cơ còi, vì dáng anh rất bé nhỏ nên anh đã tìm cách rút được chân ra khỏi xiềng, vắt từng giọt nước ở thùng vệ sinh vào miệng anh em đang thoi thóp. Ý chí của người chiến sĩ cách mạng lúc này chính là Phải Sống! Sống để có thể về với đồng chí, đồng bào ở đất liền. Sau Hiệp định Giơnevơ, ngày 1-9-1954, chúng tôi được trao trả ở Sầm Sơn. Tôi được quân đội đón về Thanh Hóa và ở trung đoàn 55. Năm 1956, tôi ra khỏi quân đội, về Hà Nội công tác.
Trong bảo vệ Hà Nội chống hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, ông Hậu chuyên làm công việc xây hầm cho cán bộ và các cơ quan trung ương, kể cả đại sứ quán Pháp. Ngày 12-12-2012, tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 60 năm vượt Côn Đảo tại Thủ đô Hà Nội, nhìn ông tất bật, vui tươi giữa đồng đội đã từng cùng nhau đối diện với gông xiềng và chết chóc, động viên nhau sống lạc quan, yêu đời, tôi thầm cảm phục ý chí gang thép của người chiến sĩ cách mạng. 85 tuổi đời, ông vẫn đảm nhận vai Phó ban thường trực Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo và làm công tác Mặt trận ở phường Phương Liệt để giữ cho ngọn lửa chiến đấu sáng mãi, trao truyền cho lớp trẻ hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.