(HNM) - Báo cáo mới đây của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, khoảng 30% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực tình dục (BLTD) và 10-50% phụ nữ từng bị BLTD trong đời.
Gia tăng bạo lực tình dục
Kết quả cuộc nghiên cứu "BLTD và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS" do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới cùng Tổ chức Action Aid tiến hành trên 296 người ở Hà Giang, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh công bố mới đây cho thấy, bạo lực gia đình đang ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nhận thức sai lệch của cộng đồng đặc biệt là của phụ nữ về BLTD là nguyên nhân quan trọng. Một phụ nữ 35 tuổi, ở Hà Giang cho biết: "Cứ đòi thì mình phải chiều, phận làm vợ phải chịu thôi, vì mình là đàn bà." Một phụ nữ khác ở Quảng Ninh chia sẻ: "Đôi lúc không muốn nhưng vì giữ hạnh phúc gia đình nên mình phải tự nguyện". Ngay cả trong việc sử dụng biện pháp tránh thai, đa số phụ nữ còn quan niệm, chỉ cần sử dụng bao cao su với người ngoài, không cần thiết trong quan hệ vợ chồng…
Tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang. Ảnh: Linh Tâm
Chính những nhận thức sai lầm của những người vợ đã khiến cho các ông chồng có quyền sử dụng bạo lực với họ. Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về bạo lực giới cũng đồng tình với nhận định trên. Bà cho biết thêm, từ năm 1997 đến 2005, có khoảng 2.500 cuộc gọi đến đường dây tư vấn của trung tâm liên quan đến BLTD. Trong những năm gần đây, theo thống kê, con số này đã tăng lên gấp vài chục lần. Kết quả thống kê một nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội thực hiện gần 10 năm qua cũng cho thấy, có từ 55% đến 95% phụ nữ bị hành hạ thể xác nhưng chưa bao giờ cầu viện tới một cơ quan chính thức hay người có thẩm quyền (91,6% số phụ nữ đó bị chồng gây bạo hành).
Gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, BLTD gia tăng sẽ tạo điều kiện cho đại dịch HIV/AIDS bùng phát. Bà phân tích, khi đã có BLTD, chắc chắn sẽ tồn tại quan hệ bất bình đẳng giữa người vợ và người chồng. Thông thường người chồng sẽ đòi hỏi quan hệ tình dục bất chấp mong muốn của vợ. Và khi điều đó xảy ra, người vợ không được quyền thỏa thuận, thống nhất với chồng về việc áp dụng các biện pháp tránh thai hay phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên dễ bị lây nhiễm HIV.
TS Khuất Thu Hồng cũng cho biết thêm, phần lớn những người gây ra BLTD là những người có quan hệ tình dục cùng lúc với nhiều người. Đặc biệt, họ thường có quan hệ với nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao là gái mại dâm và sau khi bị lây nhiễm bệnh từ các đối tượng này, họ truyền bệnh cho vợ mình.
Một yếu tố nữa làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS là, những phụ nữ - nạn nhân của BLTD - thường không có khả năng công khai tình trạng HIV của mình. Vì lo sợ tiếp tục bị bạo hành nên họ không dám đề cập tới việc sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm và bộc lộ tình trạng nhiễm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Dẫu đã có nhiều văn bản quốc tế về chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cùng với những chính sách trong nước được ban hành, nhưng vẫn còn nhiều nguyên nhân, bao gồm cả những khuôn mẫu và chuẩn mực giới truyền thống, ngăn cản người phụ nữ khẳng định vị thế bình đẳng của mình với nam giới. Vì vậy, giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết về các quyền cơ bản của con người về sức khỏe sinh sản và tình dục để họ tự tin trong quan hệ với chồng không chỉ là ngăn ngừa và đối phó với BLTD mà còn góp phần đẩy lùi HIV/AIDS một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.