(HNM) - Hoạt động từ năm 1992 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội III (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Dưới ngôi nhà chung, sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, những đứa trẻ xa lạ trở thành anh, chị em một nhà, thương yêu nhau như người ruột thịt.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”
Đứa trẻ đầu tiên chúng tôi gặp khi đến cơ sở số 1 của Trung tâm Bảo trợ xã hội III, đường Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) là Nguyễn Châu A. (sinh năm 2008). Khác với sự hình dung của chúng tôi, rằng những đứa trẻ nơi đây sẽ e ngại khi tiếp xúc với người lạ, trong suốt cuộc trò chuyện, Châu A. luôn lễ phép, vui vẻ, tự tin. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống ở Trung tâm, cháu nói: “Nhiều chuyện vui lắm cô ạ. Anh, chị em chúng cháu ai cũng được bố, mẹ quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban từ những việc nhỏ như trước khi ăn phải rửa tay, sau khi ăn phải đánh răng, đi học về phải để cặp sách, giày, dép đúng nơi quy định, gặp người lớn phải chào hỏi, gặp người già, em nhỏ phải biết giúp đỡ theo khả năng của mình”. Dứt lời, Châu A. ngẫu hứng hát tặng chúng tôi bài hát với giai điệu thân thuộc: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”.
Tiếng hát trong trẻo, cao vút của Châu A. cất lên cũng là lúc những đứa trẻ đang chơi đá bóng, cầu lông gần chúng tôi ùa đến vỗ tay theo nhịp điệu bài hát. Vẻ tươi vui của các cháu khiến bất kỳ ai chứng kiến đều thấy ấm lòng.
Sau những giây phút thư giãn của giờ học, đúng 18h, các cháu tự giác xuống nhà ăn để ăn cơm tối. Tại đây, các cháu tiếp tục kể cho nhau nghe những câu chuyện ấm áp về thầy cô, bạn bè; động viên nhau ăn uống đầy đủ để có sức khỏe tốt. Khoảng thời gian từ 19h đến 21h, các cháu lớn ngồi vào bàn ôn lại kiến thức đã học, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho ngày hôm sau; các cháu nhỏ ngoan ngoãn nghe mẹ đọc truyện hoặc tập tô, tập viết…
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Hằng, cán bộ Phòng Quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội III cho hay: “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sinh sống tại đây được nuôi dưỡng, giáo dục tương tự trẻ em ngoài cộng đồng. Do đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội III cùng lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là người quản lý, vừa là bố, mẹ, người thân, vừa là thầy, cô giáo chỉ bảo, dạy dỗ cho các con những điều hay, lẽ phải”.
Ngoài cơ sở số 1 đóng tại phường Tây Mỗ, Trung tâm Bảo trợ xã hội III còn có cơ sở số 2 đóng tại phố Lạc Trung, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) và cơ sở 3 tại phố Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Cơ sở số 2 và số 3 nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt từ sơ sinh đến 4 hoặc 5 tuổi. Trước khi bước vào lớp 1, các cháu được đưa đến sống tại cơ sở số 1 để thuận lợi hơn cho việc đi học. “Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội III đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 80 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Dù sống ở cơ sở nào, các cháu cũng được đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm sóc bằng tình yêu thương, trách nhiệm của người làm cha, mẹ”, bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III khẳng định.
Tự tin hòa nhập
Được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, đa số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III đạt kết quả học tập tốt, có đủ năng lực hòa nhập cộng đồng.
Là người anh lớn đang sống tại Trung tâm, Nguyễn Hữu D. (sinh năm 2000), học sinh lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Nam Từ Liêm cho biết: “Vì yêu thích nghề công nghệ ô tô và muốn được đi làm sớm, cho nên cháu lựa chọn hình thức học văn hóa song song với học nghề. Với những kiến thức đã có, cháu tin bản thân sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Cháu sẽ dùng số tiền công hằng tháng đầu tư cho việc học nâng cao tay nghề; đồng thời giúp đỡ các em đồng cảnh”.
Tương tự, cháu Nguyễn Văn H. (sinh năm 2005), học sinh lớp 9B, Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế, phường Tây Mỗ đã xác định rõ “con đường đi đến tương lai” là học nghề chế biến món ăn. “Cháu yêu thích nghề nấu ăn, nên cháu sẽ nỗ lực học tập để có thể biến ước mơ trở thành hiện thực”, H. nói.
Trước đó, nhiều thế hệ trẻ em lớn lên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III đã hòa nhập xã hội khá tích cực và có tấm lòng nhân ái, bao dung. Điển hình là em Nguyễn Thị Thanh H. (sinh năm 1994), đã tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội, đang đi làm phiên dịch. Hằng tháng, H. dành một phần tiền lương để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thỉnh thoảng về Trung tâm Bảo trợ xã hội III cùng bố, mẹ nuôi chăm sóc, dạy học cho các em. Trường hợp khác là em Trần Thị M. đang làm bếp trưởng tại một nhà hàng nổi tiếng. Hay anh Huy Ph., hiện có công việc ổn định, sống hạnh phúc bên vợ và hai con trong ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Bún (quận Ba Đình)…
Chứng kiến không khí gia đình ấm áp, yêu thương tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III, chúng tôi càng thấy rõ hơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng yếu thế khác luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc toàn diện từ các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và cộng đồng xã hội. Sự quan tâm đó tạo thành “giá đỡ” cho các đối tượng yếu thế có thêm sức mạnh, niềm tin vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.