(HNM) - Ngày 22-10-2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) và UBND tỉnh Long An cùng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 207 đã làm lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207.
Ca nô, ghe, tắc ráng vây kín vuông đất rộng chừng 5.000 mét vuông. Sân đền thờ nghẹt người, chủ yếu là dân xã Thạnh Phước và các vùng lân cận hay tin buổi tối sẽ chuyển di ảnh các liệt sĩ từ miếu Bắc Bỏ sang ngôi đền mới xây đã tụ hội về thắp nén hương tri ân các anh. Dường như ai cũng nhẹ nhõm vì chỗ thờ cúng các liệt sĩ bề thế, khang trang, và từ nay nén nhang cắm trên ban thờ không còn tắt ngấm vào những ngày mưa to gió lớn.
Xen giữa hàng nghìn người dân là các cựu binh, họ mặc quân phục, oai nghiêm đứng thành từng nhóm. Có nhóm im lặng, tôi thấy nước mắt đẫm ướt những cặp kính lão. Lại có nhóm thì thầm nhắc lại chuyện một thời khói lửa, mất mát. Gia đình các liệt sĩ từ miền Bắc vào khá đông, có nhà mang theo cả con trẻ. Có một người phụ nữ trung tuổi khóc trước di ảnh ở miếu Bắc Bỏ "Anh ơi! Gần 40 năm đi tìm khắp các nẻo chiến trường giờ các em anh mới biết anh hy sinh ở chốn hoang vu này...". Và thì thầm với một người phụ nữ dáng dấp miền Bắc tôi mới biết đó là chị Nguyễn Thị Vân ở TP Thanh Hóa, chị Vân là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Hải. Anh Hải đang học Đại học Xây dựng Hà Nội năm thứ nhất thì nhập ngũ (năm 1972) và hy sinh ở Đá Biên khi tuổi đời tròn đôi mươi. Rồi bất chợt mưa xối xả, gió giật như bão, người dân bảo "Các anh về đấy, đông lắm về mừng nhà mới, vui quá nên các anh quậy chút xíu thôi". Quả nhiên chỉ mấy chục phút sau trời lặng gió và mưa cũng ngừng hẳn, mùi thơm của tràm lại thoảng qua, mảnh trăng thượng tuần nhô ra trên bầu trời trong vắt. Chuyện lạ đến khó tin nhưng sự thật là như vậy. Ông Phan Xuân Thi (thường gọi là Ba Thi) nguyên là lính trinh sát Trung đoàn 207, Quân khu 8, bận bịu nhất vì là Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu và cựu chiến binh Trung đoàn 207 nên người này hỏi thăm, người kia bắt tay. Tôi không nỡ cắt ngang câu chuyện mà sau lần gặp này không biết họ có cơ hội gặp lại nữa không, cuối cùng thì tôi cũng được trò chuyện cùng ông và câu chuyện 39 năm trước ùa về...
Đang đứng chân ở biên giới Việt Nam - Campuchia thì tháng 10-1973, trung đoàn nhận nhiệm vụ về chiến đấu ở mặt trận Mỹ Tho. Để bảo đảm an toàn, đơn vị phải bí mật luồn qua Đồng Tháp Mười, lệnh của cấp trên là đêm hành quân, ngày giấu mình trong rừng tràm. Đêm 3-10, trung đoàn triển khai đội hình hành quân từ Ba Thu (đất Campuchia) vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên, huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thì trời vừa sáng nên đơn vị phải ém quân vào các mảnh rừng tràm nghỉ ngơi. Năm ấy nước lên to đã nhấn chìm các gò đất, chỉ còn những cây tràm kiên cường vươn lên giữa nước trắng mênh mông. Vì hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước, có đoạn ngập đến tận cổ nên anh em mệt mỏi nhất là cánh Tiểu đoàn 1 vì phần lớn là tân binh mới nhập ngũ trong đó khá nhiều là sinh viên Trường Đại học Xây Dựng, một số ít sinh viên Đại học Bách khoa mới được bổ sung về đơn vị trước đó hai ngày và anh em chưa quen hành quân trong đồng nước ở Đồng Tháp Mười. Vì Thạnh Phước là đường giao thông huyết mạch để chuyển vũ khí, chuyển quân từ miền Đông xuống miền Tây nên địch thường xuyên sử dụng máy bay trinh sát truy tìm dấu vết của bộ đội và buổi sáng hôm đó địch phát hiện ra các anh bởi tràm quá thưa. Ngay lập tức chúng huy động xe bọc thép M113 chở quân ồ ạt đến bao vây; trên trời, hàng chục chiếc máy bay trực thăng quần đảo vãi đạn như mưa xuống bất cứ chỗ nào chúng nghi có bộ đội. Địch khép vòng vây hòng bắt sống sở chỉ huy trung đoàn. Trước tình thế vô cùng hiểm nguy, đơn vị đã nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch và sau một ngày giao tranh ác liệt họ đã mở được đường máu đưa sở chỉ huy trung đoàn thoát khỏi vòng vây. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã bám chặt trận địa, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình bất lợi, lại bị tập kích bất ngờ và lực lượng chiến đấu không cân sức nên gần 200 chiến sĩ đã hy sinh. Sang ngày thứ hai và những ngày tiếp theo, địch vẫn tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo nhằm tiêu diệt những chiến sĩ còn sống. Không chỉ mưa đạn, địch còn cho quân chốt các ngả không cho đơn vị vào lấy tử sĩ và cứu thương binh, đến khi cảm thấy không còn ai có thể sống sót chúng mới rút đi. Khi địch rút, đại đội trinh sát cùng với du kích địa phương mới tổ chức được lực lượng vào tìm đồng đội. Duy nhất còn một chiến sĩ bị thương đang hấp hối và sau này anh được cứu sống nhưng không biết hiện giờ ở đâu. Thi thể các liệt sĩ nổi trên mặt nước, dạt vào cạnh những thân cây, bên những bông súng, bông điên điển hồn nhiên xòe cánh. Đồng đội đã phải dùng màn để vớt từng phần thi thể các anh, rồi gom các mảnh xương còn mắc trên cành cây. Do xung quanh toàn nước không có đất chôn nên đồng đội phải bó từng thi thể lại, bọc trong bao ni lông buộc chặt vào thân cây tràm nhờ bà con chôn giúp khi nước cạn. Bàn giao liệt sĩ cho địa phương xong, đơn vị lại tiếp tục hành quân về mặt trận mới.
Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất, một số CBCS được ra quân vội vã trở về thăm mẹ già bao năm ngóng chờ, số khác chuyển ngành, nhưng lính Pôn Pốt gây chiến và giết hại dân lành ở biên giới Tây nam, và thế là chưa kịp cất súng, lính Trung đoàn 207 lại ra mặt trận. Khi Campuchia được giải phóng theo yêu cầu nhiệm vụ mới, trung đoàn giải thể, Quân khu 8 sáp nhập vào Quân khu 9, tỉnh Kiến Tường sáp nhập vào tỉnh Long An... Và chỉ có các anh lính trẻ hy sinh ở Thạnh Phước vẫn nằm đó... Dù đã 39 năm nhưng khi kể lại, thi thoảng ông Ba Thi phải dừng câu chuyện vì nghẹn ngào... Câu chuyện ông Ba Thi kể khiến tôi xúc động nhưng tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao gần 40 năm mà thân nhân liệt sĩ mới biết đến miếu Bắc Bỏ thờ đồng đội các anh đã hy sinh". Ông Ba Thi yên lặng, biết mình đã chạm vào nỗi đau của ông và tôi hẹn tí nữa sẽ gặp lại sau khi trò chuyện với Tư Tờ.
Loanh quanh một hồi cuối cùng tôi cũng tìm được Tư Tờ vì ông cũng là nhân vật quan trọng trong lễ rước di ảnh. Tư Tờ có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tư vì là con thứ tư trong gia đình nên theo phong tục Nam bộ người ta gọi ông là Tư đi liền với tên. Dù đã kể chuyện lập miếu Bắc Bỏ cho nhiều người nhưng giọng ông vẫn xúc động...
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.