Bạo lực gia tăng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ, những cuộc bắn phá của các nhóm liên kết với Iran vào căn cứ của Mỹ ở Iraq...; đang khiến Trung Đông trở thành “chảo lửa”.
Lần thứ 4 trong 3 tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới khu vực này với lời kêu gọi “xuống thang” xung đột. Tuy nhiên, mọi nỗ lực chưa thể dẫn đến lối thoát cho vùng đất đang sục sôi thù địch này.
Căng thẳng ở Dải Gaza đã đạt đến đỉnh điểm nguy hiểm và tình trạng thù địch có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông. Hơn 3 tháng trôi qua kể từ khi xung đột bắt đầu, đã có hơn 22.000 người Palestine và 1.200 người Israel thiệt mạng. Sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến cũng đã khiến 90% trong tổng số 2,3 triệu dân ở đây phải di dời. Toàn bộ khu vực lân cận của thành phố Gaza đông dân cư đã bị san bằng bởi các cuộc pháo kích và không kích dữ dội của Israel.
Trong chuyến thăm tiền tuyến mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo rằng đất nước của ông đang trong cuộc chiến lâu dài: “Cảm giác rằng chúng tôi sẽ sớm dừng lại là không chính xác. Nếu không có chiến thắng rõ ràng, chúng tôi sẽ không thể tồn tại ở Trung Đông”.
Khi giao tranh trên bộ ở Gaza ngày càng khốc liệt, Hamas và các đồng minh đã tìm cách đưa cuộc xung đột sang một phạm vi rộng hơn để gây áp lực lên Nhà nước Do Thái. Lo ngại cuộc chiến có thể lan sang miền Nam Lebanon không phải không có căn cứ sau vụ Phó Thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri bị ám sát hôm 2-1 tại vùng ngoại ô thủ đô Beirut (Lebanon) và việc đóng cửa tuyến đường chiến lược Biển Đỏ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại.
Hezbollah - được coi là tổ chức bán quân sự mạnh nhất ở Trung Đông đã bắn hơn 60 quả rocket từ miền Nam Lebanon hôm 6-1 vào một trạm quan sát tình báo quân sự của Israel ở Meron và các khu vực biên giới khác tại Metula và Margaliot. Đây là một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, nhằm đáp trả vụ Israel ám sát Saleh al-Arouri.
Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, cái chết của Saleh al-Arouri sẽ chỉ khuyến khích sự phản kháng chống lại Nhà nước Do Thái, không chỉ ở vùng lãnh thổ Palestine mà còn mở rộng ở phía Đông Trung Đông. Đặc biệt, những phân tích ngày càng bi quan trên các phương tiện truyền thông Israel rằng khó có thể tránh được một cuộc chiến tranh với Hezbollah, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho biết, chỉ có một cơ hội nhỏ cho giải pháp ngoại giao trước cuộc khủng hoảng biên giới này. Theo thông tin tình báo Mỹ được tiết lộ trên tờ Washington Post, Nhà Trắng lại lo ngại việc Israel rút một phần binh sĩ ở Gaza có thể dẫn đến việc nước này xem xét tấn công Hezbollah.
Cùng với đó, những tháng gần đây, các tàu vận tải di chuyển qua eo biển Bab-el-Mandeb nối châu Âu với châu Á đã phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa và thậm chí là cướp tàu của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn hoạt động ngoài khơi Yemen.
Phiến quân Houthi khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển có liên kết với Israel nhằm gây áp lực, buộc nước này chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Tuy nhiên, tuyến đường thương mại sầm uất từ Kênh đào Suez qua Biển Đỏ đã chứng kiến hàng chục tàu thương mại bị rơi vào "vòng ngắm" hoặc thay đổi hành trình, buộc các quốc gia phương Tây phải can thiệp. Hải quân Mỹ đã đánh chặn 2 tên lửa chống hạm và đánh chìm 3 tàu chở chiến binh Houthi khi được cho là đang âm mưu cướp tàu container Maersk Hàng Châu. Trong khi đó, hãng tàu khổng lồ Maersk của Đan Mạch đã tuyên bố “tạm dừng tất cả các chuyến vận chuyển qua Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới”; gã khổng lồ năng lượng BP của Anh cũng đang đình chỉ việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực...
Tình trạng thù địch leo thang có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải công du tới hàng loạt các nước khu vực Trung Đông lần thứ 4 trong 3 tháng. Chuyến thăm của nhà ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh những diễn biến căng thẳng ở Lebanon, miền Bắc Israel, Biển Đỏ và Iraq gây áp lực mạnh mẽ tới nỗ lực thành công khiêm tốn của Washington nhằm ngăn chặn xung đột trong khu vực.
Giới phân tích quốc tế nhận định, với nạn đói đang rình rập và hàng trăm nghìn dân thường tìm nơi ẩn nấp ở phía Nam Dải Gaza, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ khó có thể vạch ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng cũng như kế hoạch tương lai cho khu vực đang sôi sục này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.