Xã hội

Ngoại thành Hà Nội:Ứng phó tái diễn nguy cơ ngập lụt

Kim Nhuệ 30/08/2024 - 06:26

Từ nay đến cuối năm 2024, thành phố Hà Nội có thể bị ảnh hưởng bởi 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, 1-2 đợt mưa lớn diện rộng, 2-3 đợt lũ trên các sông; nguy cơ tái diễn ngập lụt dân cư, đình trệ sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành...

Để giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp.

thien-tai.jpg
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai huyện Chương Mỹ hỗ trợ người dân sơ tán tài sản tại vùng bị ngập lụt, tháng 8-2024.

Ngoại thành thiệt hại nặng vì mưa lũ

Dù đã triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó, song đợt mưa lũ xảy ra hồi cuối tháng 7 vừa qua đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương vùng ven hai sông: Tích, Bùi, nhất là các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Thực tế trước khi xảy ra đợt thiên tai này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, sạt lở đất... Khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội đã trực tiếp đến các huyện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả...

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... đã kịp thời rà soát, triển khai linh hoạt phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai được phê duyệt từ đầu mùa mưa bão 2024. Cụ thể, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện; sử dụng 6.028m3 đất cát, 52.675 bao tải, 180m2 bạt ni lông…; huyện Quốc Oai huy động 3.890 người và 156 phương tiện, sử dụng 3.235m3 đất cát, 38.650 bao tải, 320m2 bạt ni lông để chống tràn, bảo vệ đê, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Để ổn định đời sống người dân trong những ngày bị nước lũ cô lập, lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội và nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tới thăm hỏi, tặng quà động viên. Các huyện đã chủ động huy động nguồn lực mua sắm, cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân bị nước lũ cô lập... Nhờ vậy, người dân không bị “đứt bữa”, thiếu nước uống và nơi ở trong những ngày nước lũ cô lập; các khu dân cư vùng ngập lụt không phát sinh ổ dịch bệnh...

Tuy nhiên, do mưa lũ lớn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; một số người dân còn chủ quan trong phòng tránh..., nên đợt thiên tai này đã gây ra nhiều thiệt hại. Thống kê ban đầu của các địa phương cho thấy, đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi ở huyện Quốc Oai, 1 người chết do đuối nước khi đi đánh cá ở huyện Thạch Thất và 1 người chết do tai nạn ngã xuống sông ở huyện Chương Mỹ. Ngoài tổn thất về người, mưa lũ gây ngập lụt nghiêm trọng các khu dân cư, thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, nhất là các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... Tính riêng vùng “rốn lũ” Chương Mỹ, đợt lũ lụt vừa qua đã làm 24 thôn, xóm bị ngập sâu, khiến 3.792 người phải đi sơ tán, 6.376 người cần cứu trợ.

Chủ động ứng phó

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tình hình thời tiết, thiên tai những tháng cuối năm, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trong tháng 9, thành phố Hà Nội có khả năng ảnh hưởng 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, 1-2 đợt mưa lớn diện rộng. Trên các sông chảy qua thành phố Hà Nội xuất hiện 2-3 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1m đến 3m.

“Trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10, các sông: Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ xuất hiện 2-3 đợt lũ ở mức báo động cấp II đến báo động cấp III...”, ông Nguyễn Văn Hiệp thông tin.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động, tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; thường xuyên cập nhật các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố; sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để bảo đảm an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Đặc biệt, các địa phương thuộc vùng trũng, thấp khi xảy ra ngập lụt cần tập trung rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở hạ tầng, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại; kịp thời thực hiện các chính sách cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm đời sống nhân dân trên địa bàn đúng quy định; không để người dân nào bị đói, thiếu nước uống, bị đuối nước, điện giật, dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đã phê duyệt...

Về lâu dài, các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu giải pháp sắp xếp lại dân cư ở những khu vực ngập úng khó khắc phục; triển khai phương án bố trí tái định cư để di dân, di dời nhà cửa, công trình đến khu vực cao không bị ngập lụt. Đối với khu vực thấp trũng, nghiên cứu xây dựng một số hồ chứa nước để vừa điều hòa khả năng thoát nước, vừa kết hợp nuôi trồng thủy sản, du lịch, phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tập trung quan tâm đầu tư các phần việc như: Nâng cấp hệ thống đê điều, bảo đảm chỉ tiêu thiết kế theo quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu lựa chọn các phương án phân vùng, tách lũ rừng ngang bằng việc cải tạo các trục tiêu thoát lũ rừng ngang, xây dựng và củng cố các đê bao khoanh vùng trong lưu vực...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngoại thành Hà Nội: Ứng phó tái diễn nguy cơ ngập lụt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.