Hôm nay, 4-9, công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2024-2025 được các trường học trên địa bàn thành phố hoàn tất, sẵn sàng bước vào năm học mới...
Niên khóa này, nhiều trường học khu vực ngoại thành Hà Nội được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng; đội ngũ nhà giáo cũng được bồi dưỡng, tập huấn. Ở các xã nơi lũ vừa đi qua như Chương Mỹ, mọi điều kiện cho dạy và học cũng được trang bị ở mức độ tốt nhất.
* Đến các trường thuộc địa bàn các xã: Tốt Động, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) sáng 4-9 không còn dấu vết của trận lũ lụt xảy ra hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua. Đường vào, sân trường, lớp học đã được vệ sinh sạch sẽ, rợp bóng cây xanh... Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A Nguyễn Bá Thắng cho biết, ngay sau khi lũ rút, nhà trường đã huy động các lực lượng tổng vệ sinh, trồng lại vườn hoa, cây xanh bị chết do úng ngập; rà soát, mua sắm dụng cụ dạy học bị hư hỏng... “Đến thời điểm này, nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào năm học mới...”, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng khẳng định.
Cùng với nỗ lực của nhà trường, phụ huynh ở các xã này tất bật mua sắm quần áo, đồ dùng học tập năm học mới cho con em. Chị Nguyễn Thị Hường, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A chia sẻ, năm học này, con trai của chị vào lớp 8. Tuy lũ lụt gây thiệt hại về kinh tế nhưng gia đình cũng cố gắng lo đủ cho con...
Có thể thấy, dù liên tục gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng Chương Mỹ luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, huyện huy động các nguồn lực đầu tư 1.831 tỷ đồng xây mới, sửa chữa trường lớp, thiết bị, đồ dùng học tập...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoàng Minh Hiến cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 83 trường, tương ứng 74,77% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 30 trường mầm non, 25 trường tiểu học và 28 trường trung học cơ sở.
* Tại huyện Mê Linh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm học 2024-2025, toàn huyện có hơn 67.000 học sinh với 79 trường công lập. Để năm học mới 2024-2025 đạt kết quả cao, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch, triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của UBND thành phố, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; đánh giá thực trạng, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện biện pháp chỉ đạo tiếp theo, bảo đảm hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu.
Toàn ngành giáo dục của huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục huyện Mê Linh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo"; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là Kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng môn tiếng Anh cho giáo viên, học sinh.
* Tại huyện Đan Phượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bùi Thị Thu Hằng cho biết, năm học 2024-2025, huyện có 55 trường học với 1.096 lớp, 37.938 học sinh (tăng 8 lớp, giảm 641 học sinh so với năm học 2023-2024). Ngành cũng có 130 cán bộ quản lý; 1.813 giáo viên và 157 nhân viên trong biên chế…
Chuẩn bị cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường thực hiện xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện bồi dưỡng thường xuyên; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ. Đặc biệt, Phòng đã mời giảng viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội về bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn các cấp học; chia sẻ xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm giảng dạy; ứng dụng STEM, STEAM trong phát triển chương trình giáo dục ở các cấp học...
Cũng từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Đan Phượng đã triển khai thực hiện 8 dự án xây mới 1 mầm non, 5 tiểu học, 2 trường THCS với tổng số tiền 176,250 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 3 trường tiểu học với tổng kinh phí 10,157 tỷ đồng.
* Tại huyện Thạch Thất, năm học 2024-2025, toàn huyện có 123 cơ sở giáo dục (tăng 1 trường so với năm học trước) với 1.799 lớp, 61.547 học sinh, giảm 8 lớp và tăng 884 học sinh so với năm học 2023-2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để chuẩn bị tốt năm học mới 2024-2025, huyện chú trọng xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; ưu tiên các hạng mục công trình: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu... 8 tháng năm 2024, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện 36 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng mức đầu tư hơn 2.232 tỷ đồng; khởi công 27/36 dự án; 9 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Toàn huyện hiện có 58/82 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,73%.
* UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương chuẩn bị kỹ cho năm học 2024-2025 với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu.” Trong năm học này, Phú Xuyên có 89 cơ sở giáo dục, phục vụ hơn 44.400 học sinh ở ba bậc học: Mầm non, Tiểu học và THCS. Đội ngũ giáo viên và nhân viên của huyện hiện có gần 4.000 người, đáp ứng cơ bản yêu cầu giảng dạy, học tập.
Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Bính cho biết, huyện đã đề xuất HĐND và UBND thành phố Hà Nội việc đầu tư 22 dự án xây dựng và cải tạo trường học với tổng mức đầu tư hơn 1.738 tỷ đồng. Đặc biệt, 4 trường đang chờ công nhận chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường cần cấp vốn xây dựng khẩn cấp. Ngoài ra, huyện cũng đặt mục tiêu công nhận mới 12 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024, nỗ lực bố trí vốn cho 9 trường.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Dương Minh Tuấn nhấn mạnh, dù nguồn lực hạn chế, huyện vẫn quyết tâm nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (hiện tại 71,6%). UBND huyện cũng đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân vốn cho các dự án trường học, bảo đảm sẵn sàng cho năm học mới.
* Tại huyện Ba Vì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Anh, huyện tích cực chuẩn bị cho năm học 2024-2025 với nỗ lực đáng kể đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học. Cụ thể, trong năm 2024, huyện triển khai 26 dự án xây mới, tổng kinh phí 680,483 tỷ đồng. Trong số đó, có 5 dự án được tài trợ từ nguồn sự nghiệp của thành phố, kinh phí 21,750 tỷ đồng. Huyện cũng đang thực hiện 5 dự án cải tạo, sửa chữa cấp bách với tổng kinh phí 8,420 tỷ đồng. Đặc biệt, 4 dự án trong số này đã được phê duyệt theo Văn bản số 626/UBND ngày 15-3-2024, và 1 dự án đang trong quá trình chờ phê duyệt vốn đầu tư.
* Tại địa bàn huyện Hoài Đức, thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, UBND huyện đã chỉ đạo các trường trên địa bàn rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như: Tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật.
Trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ, thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp” phù hợp tình hình thực tế của nhà trường.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vương Văn Lâm cho biết: Từ 30-8, các trường học trên địa bàn huyện đã rà soát cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; bảo đảm khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu dạy và học, đặc biệt là đối với lớp 5, lớp 9.
Đầu năm học, Phòng yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng quy định về thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi; thông tin rộng rãi đến học sinh, phụ huynh về biên chế lớp học, kế hoạch dạy học; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ, học sinh trong và ngoài nhà trường bảo đảm an toàn, hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.