Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngoài muốn vào, trong muốn ra

Việt Nga| 11/07/2012 06:54

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, với dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ đề xuất mỗi loại hình dịch vụ chỉ nên có tối thiểu là 3, tối đa là 8 nhà cung cấp.

Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình đến năm 2020 sẽ có những quy định mới. 

Theo Viện Chiến lược TT-TT (đơn vị soạn thảo quy hoạch), dịch vụ truyền hình trả tiền gồm 5 loại hình: Truyền hình cáp, mặt đất kỹ thuật số, qua vệ tinh, IPTV, di động. Hiện tại có AVG cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất; hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (gồm Đài Truyền hình Việt Nam VCTV và các đài địa phương); 3 đơn vị cung cấp truyền hình qua vệ tinh gồm K+, VTC và AVG; 4 DN cung cấp thử nghiệm dịch vụ truyền hình IPTV VNPT, VTC, FPT và Viettel; 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động (sử dụng hạ tầng mạng viễn thông di động) Viettel, Mobifone, Vinaphone và VTC. Căn cứ vào các con số trên cho thấy, có hai vấn đề đặt ra đó là có quá nhiều đơn vị làm truyền hình cáp (hơn 40 DN) và việc các DN cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia kinh doanh truyền hình trả tiền. Vậy, theo quy hoạch mới, Bộ sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trước hết, với dịch vụ truyền hình cáp. Từ góc độ người tiêu dùng, có thể thấy đây là dịch vụ mà trong những năm qua ít có tiến bộ nhất và cũng là dịch vụ ít bị dư luận lên án nhất (ít nhất là so sánh với dịch vụ di động, internet). Nói ít tiến bộ là vì mặc dù các nhà đài (do công ty kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp quản lý) vẫn tăng kênh đều đặn theo kế hoạch, nhưng khâu chất lượng thì không bảo đảm, tình trạng mất cáp thường xuyên xảy ra, hoặc tuy có hình ảnh nhưng chất lượng lại không tốt… Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến lượng thuê bao truyền hình cáp ở các địa phương thấp lèo tèo ở con số vài nghìn đến vài chục nghìn thuê bao (số liệu của Bộ TT-TT). Lượng thuê bao thấp, cộng với chi phí thuê bao (88.000 đồng/tháng, đã gồm VAT) được các DN cung cấp dịch vụ cho rằng không đủ để họ tồn tại. Trông vào nguồn quảng cáo? Đây là nguồn thu chính, song kinh tế toàn cầu nói chung, trong nước nói riêng đang suy giảm và dự báo thời gian tới tiếp tục khó khăn, vậy DN truyền hình cáp gặp khó là điều khó tránh. Hơn nữa, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước phải có các quy định liên quan đến thời lượng, mức độ quảng cáo, nhưng cũng theo ý kiến của DN thì hơn 80% kênh chương trình và DN thua lỗ nếu tuân thủ chặt chẽ… Đại diện VTC cho rằng, kinh doanh dịch vụ này là "trong muốn ra, ngoài muốn vào". Nhưng cũng lạ, một loạt khó khăn về kinh tế như vậy, nhưng ngoài con số hơn 40 DN cung cấp truyền hình cáp trong cả nước ra, hiện vẫn có không ít hồ sơ xin phép triển khai dịch vụ này đang nằm chờ ý kiến của Bộ. Đáng chú ý, các DN (chủ yếu là DN nhà nước và mỗi địa phương ít nhất có hai DN) cung cấp dịch vụ truyền hình cáp không sử dụng hạ tầng của nhau dẫn đến các lãng phí về điện năng tiêu thụ, hiệu suất sử dụng thấp, chi phí bảo hành và gây mất mỹ quan đường phố… Vì vậy, để phát triển bền vững dịch vụ này, trong số hơn 40 DN truyền hình cáp như hiện nay, Bộ định hướng chỉ nên giữ 3 DN truyền hình cáp quy mô toàn quốc, 5 DN quy mô khu vực. Tương tự như vậy, với loại hình truyền hình số mặt đất chỉ cần có 3 DN quy mô toàn quốc, 5 DN quy mô khu vực; truyền hình qua vệ tinh chỉ cần 3 DN; truyền hình qua di động (dựa theo số lượng nhà cung cấp dịch vụ); truyền hình IPTV: 3 nhà cung cấp toàn quốc, 3 khu vực.

Vấn đề một loạt DN viễn thông, công nghệ thông tin lớn cùng "nhảy" vào kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, đã cho thấy "chiếc áo" từ dịch vụ này đã chật, hay nói một cách khác doanh thu đã giảm và buộc họ phải mở rộng lĩnh vực kinh doanh các lĩnh vực mà họ có ưu thế về công nghệ. VNPT, Viettel, FPT đều là những "đại gia" có tiềm lực về tài chính và thế mạnh về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Đồng thời họ cũng có kinh nghiệm kinh doanh trong môi trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt và họ đã thành công. Vậy, khi họ sang môi trường mới, quản lý nhà nước sẽ phải có các cơ chế, chính sách về quản lý giá thành khi cung cấp dịch vụ nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các DN khác dẫn đến sự đổ vỡ thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngoài muốn vào, trong muốn ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.