(HNM) - Cao Dương hôm nay so với 5 năm trước khiến nhiều người phải thấy ngỡ ngàng...
Đến Cao Dương mới thấy được hết ý nghĩa của diện mạo nông thôn thay đổi chính là thể hiện sự nỗ lực của cán bộ địa phương và sự chung tay của người dân. Bản thân mỗi lãnh đạo xã đều gương mẫu, đi đầu, phát huy vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ tịch UBND xã là người trực tiếp tổ chức đối thoại với dân vào thứ năm hằng tuần để giải quyết dứt điểm các vướng mắc từ cơ sở. Ở Cao Dương không có khái niệm "đền bù, giải phóng mặt bằng" mà cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, tập trung tuyên truyền để bà con tự nguyện hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi xã hội khác. Hộ nào khó khăn, tháo dỡ công trình lớn thì nhân dân đóng góp hỗ trợ.
Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, phong quang ở Cao Dương hôm nay. |
Bí thư Đảng ủy xã Cao Dương, Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: Xã có 5 thôn với 2 xóm, trước năm 2008 được đánh giá là xã lạc hậu của huyện và hạ tầng giao thông xuống cấp. Các đường ngõ xóm đều chật hẹp, nhiều nút cổ chai, gấp khúc, cây cỏ mọc um tùm... Nhưng đến nay, 100% đường trục thôn được mở rộng thông thoáng, đổ bê tông sạch sẽ. Trong quá trình xây dựng NTM, xã đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 100.000 đồng/năm cùng sự chung tay của con em làm ăn xa quê hương cả trong và ngoài nước nên số tiền thu được là trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, 52 hộ gia đình tự nguyện hiến 1.100m2 đất thổ cư và huy động trên 1.000 ngày công lao động để mở đường.
Một trong những hộ đi đầu tham gia hiến đất làm đường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm là gia đình ông Nguyễn Văn Đến, khu dân cư xóm Bến. Ông Đến đã phá dỡ toàn bộ tường rào, nhà bếp, nhà tắm vừa được sửa sang để hiến 16m2 đất mở rộng đường. "Mặc dù bị mất đất, tốn tiền xây dựng lại nhưng gia đình tôi rất thoải mái vì được góp sức xây dựng NTM" - ông Đến chia sẻ. Không chỉ có khu dân cư xóm Bến, tại nhiều thôn của xã Cao Dương như Thị Nguyên, Mọc Xá, Cao Xá... người dân cũng tích cực tham gia hiến đất để mở rộng đường. Gia đình bà Đỗ Thị Dung, thôn Thị Nguyên đã tự nguyện tháo dỡ bốn gian nhà ngói để hiến 30m2 đất thổ cư mở rộng trục chính đường làng, tâm sự: "Con em Cao Dương giờ đi làm ăn xa khắp nơi, ô tô ngày một nhiều, nhà không thiếu chỗ đỗ nhưng vẫn phải gửi ngoài đầu làng vì các góc cua gấp khúc, nhỏ hẹp. Đủ thứ phiền phức từ những nút cổ chai như thế, bà con xác định, nếu xây dựng NTM, đi kèm với chỉnh trang đường làng ngõ xóm, nhân dân không chung tay, vài năm nữa nhà cao tầng kiên cố mọc lên thì càng khó khăn...".
Cùng chúng tôi đi thăm các xứ đồng vừa dồn điền đổi thửa, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Cường nói đầy tự hào: "Không phải chúng tôi có ý khoe đồng ruộng, đường sá, giao thông thủy lợi nội đồng mà dẫn các chị đi lòng vòng đâu nhé! Mà mỗi lẫn đi như thế, tôi luôn thấy "sướng", có thêm động lực để cùng bà con làm thêm nhiều con đường to rộng hơn nữa. Đã là NTM, lại là NTM của Thủ đô thì phải làm cho ra trò...".
Không chỉ với giao thông thôn xóm, trong quá trình dồn điền đổi thửa, xã đã vận động mỗi hộ hiến từ 20 đến 24m2/sào để lấy quỹ đất làm giao thông nội đồng và đào đắp thủy lợi khối lượng tới 36.639m3 đất. Đến nay hầu hết các trục đường giao thông nội đồng của xã đều có mặt cắt từ 7 đến 10m. "Để kiên cố hóa bê tông ngay một lúc thì khó nhưng xã xác định cứ làm đường to, kè chắc chắn hai bên kênh mương để tránh sạt lở, có kinh phí đến đâu thì đổ bê tông đến đấy, không phải lo mở rộng" - ông Cường khẳng định.
Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng khang trang đã góp phần quan trọng giúp đời sống người dân Cao Dương ngày một cải thiện: Số hộ nghèo từ trên 10% năm 2008 đến nay đã giảm xuống còn 5,2%, đến cuối năm 2013 phấn đấu chỉ còn khoảng 3%; trên 80% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; rác thải thu gom đến từng hộ trong ngày, "xóa" hẳn được tình trạng rác thải đổ bừa bãi đầu làng, cuối ngõ gây ô nhiễm môi trường... Cao Dương hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.