Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngõ Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 24/08/2014 06:48

(HNM) - Có lẽ không đô thị nào ở Việt Nam lại có nhiều ngõ như Hà Nội. Nguyên nhân chính vì khu


Ngõ do quy hoạch

Thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội năm 1882 và sau đó chiếm toàn bộ Hà Nội năm 1883, họ đã bắt đầu lập kế hoạch quy hoạch thành phố. Từ năm 1884, chính quyền thành phố cho xây dựng Tòa Đốc lý (nay là UBND TP Hà Nội), Bưu điện, phố Tràng Tiền, Phủ Thống sứ Bắc kỳ… Năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa, chính phủ bảo hộ đã quy hoạch tổng thể với mong muốn Hà Nội nhang nhác như Paris. Với khu vực “36 phố phường”, họ cho nắn thẳng các phố tên Hàng vốn lồi ra lõm vào, nhà dân muốn sửa sang hay xây mới phải theo đúng chỉ giới do thành phố quy định. Họ cho làm vỉa hè, đào cống và hệ thống rãnh thoát nước.

Ngõ Thọ Xương hôm nay. Ảnh: Vũ Minh


Khu vực “36 phố phường” vốn là “Kẻ Chợ” trong nhiều thế kỷ, nơi hái ra tiền nên dân buôn bán đổ về mua đất làm cửa hàng do vậy giá đất rất đắt. Ngõ làng vốn là công điền cũng bị trưởng phố mang ra bán nên khu “36 phố phường” cũng chẳng còn nhiều ngõ. Khi tòa đốc lý thực hiện quy hoạch, khu vực này chỉ có trên chục ngõ mang tên các làng xưa như: Yên Trung (phố Hàng Giầy), Gia Ngư (phố Hàng Đào), Phất Lộc, ngõ Hàng Khoai I, Hàng Khoai II (phố Hàng Khoai), ngõ Hàng Đậu (phố Hàng Đậu)... Tuy nhiên, những con ngõ đã được căn chỉnh lại vì Sở Lục lộ quy định “chiều ngang phải đủ để xe tang ra vào”. Trong khi ngõ có tên còn rất ít thì ngõ đánh số lại tăng lên.

Bên cạnh việc quy hoạch khu “36 phố phường”, chính quyền thành phố cũng tiến hành xây khu phố mới (hay còn gọi là khu phố Pháp) ở phía nam Hồ Gươm. Họ đền bù cho dân các làng rồi làm sẵn đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đặt tên phố sau đó mới bán, diện tích lô đất nhỏ nhất cũng phải là 300m2. Thế nên chỉ có người lắm tiền nhiều của mới mua được đất ở đây. Có đất nhưng chủ sở hữu muốn xây dựng bắt buộc phải theo quy định: Nhà phải cách vỉa hè ít nhất 2 mét, chiều cao phải tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường và rất nhiều những quy định khác. Vì khu phố hoàn toàn mới nên ngõ có tên và ngõ đánh theo số cũng rất ít. Và nói chung ngõ có tên rộng hơn ngõ đánh số. Ngõ không tên được chính quyền bắt đầu đánh số khi Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương vào năm 1902. Khi phá xong thành Hà Nội năm 1897, chính phủ bảo hộ cho xây dựng thêm khu phố mới ở phía Tây nam trong phần đất của Thành. Và các phố nay tương ứng là Chu Văn An, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Khúc Hạo… gần như không có ngõ. Sau năm 1954, xuất hiện thêm ngõ số, nguyên nhân là nhiều gia đình vốn có ngõ rộng để đi vào gian trong (thiết kế như vậy để tránh đi qua cửa hàng) sợ bị quy thành phần tư sản, họ đã cho dân không nhà ở nhờ. Từ một số nhà chỉ có một chủ hộ giờ trở thành nhà nhiều chủ và lối đi vào gian trong trở thành ngõ của các hộ.

Ngõ làng lên ngõ phố

Khi Hà Nội thành nhượng địa, chính phủ bảo hộ cho phép thành phố được mở rộng các con đường sẵn có với khu vực xung quanh để thuận lợi cho hoạt động quân sự và giao thương. Đường Thiên Lý (đường quốc lộ 1 hiện nay) qua các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai… được mở rộng trở thành phố. Đầu những năm 1920, quá trình đô thị hóa tự phát ở các làng này diễn ra rất mạnh. Nguyên nhân là khu vực nội đô đã quá chật trội, giá đất lại cao trong khi giá đất các làng ven đô rất rẻ. Người có tiền trên phố về các vùng này tậu đất lập cơ sở sản xuất mới, có người mua mở cửa hàng buôn bán. Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ từ đường chính vào làng trở thành ngõ phố. Phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Ngõ chợ Khâm Thiên (ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên) lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ… Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành là: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ.

Trước năm 1954, ngoài các tên ngõ đặt theo tên xóm, làng hay theo tên đình thì nhiều ngõ được gọi theo nghề, ví dụ ngõ Hài Tượng vốn là nơi ở tập trung của dân chuyên làm giày. Ngõ Ăn Mày (nay là ngõ Đoàn Kết, phố Khâm Thiên) vì xưa ngõ này là khu đất hoang, tối tối vài chục gia đình ăn mày dựng lều tạm ngủ ở đây. Phố Bạch Mai có ngõ Lò Lợn vì có nhiều hộ chuyên mổ lợn…

Một Hà Nội trong ngõ

Nếu cộng chiều dài của ngõ có tên và ngõ số ở 4 quận nội thành khi chưa sáp nhập thì dài hơn chiều dài của các con phố. Và dân sống trong các ngõ cũng đông hơn nhiều so với số dân ở mặt phố. Trước 1954, dân sống trong ngõ được chia làm ba loại. Rất nhiều trí thức, công chức hạng trung hay tầng lớp trung lưu mua nhà trong ngõ ở khu phố Pháp vì yên tĩnh, thưa dân, không gian thoáng đãng. Cho đến bây giờ, tại các ngõ này dù không ít biệt thự bị biến dạng nhưng vẫn có dáng dấp tư sản, sang trọng. Bác sĩ Trần Văn Lai, Thị trưởng người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội (từ 7-1945 đến 8-1945) mua nhà ở ngõ Tức Mặc. Nhiều công chức làm việc ở tòa án cũng đã mua hoặc thuê nhà trong ngõ Dã Tượng (phố Dã Tượng) để đi làm cho tiện.

Ngõ có gốc gác từ làng phần lớn là người làng, có khi lại là ruột thịt hay cùng họ nên ít va chạm, nói chung họ thuần tính và chăm chỉ.

Và cuối cùng, ngõ vốn xưa là ao hồ lấp đất mà thành hay đất công thì đa phần là dân thập phương đến làm nhà, lập xóm. Ngõ Đào Duy Từ (từ Tạ Hiện xuyên sang Đào Duy Từ, xưa gọi là ngõ Sầm Công) là nơi trú ngụ của Hoa kiều. Ngõ Phất Lộc chủ yếu người họ Bùi (Thái Bình) lên Hà Nội lập nghiệp, họ xây cả đình thờ vọng Thành hoàng làng. Tại ngõ này có một học giả nổi tiếng, xuất bản hàng trăm đầu sách nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là triết học đã từng sống những năm 1920 và đầu 1930 là Nguyễn Hiến Lê (1912-1984). Ngõ Tạm Thương xưa phần lớn là người làng Quất Động (huyện Thường Tín) ra đây mua đất làm nhà lấy chỗ làm nghề thêu. Ngõ Trạm lại là nơi cư trú của dân làng Ninh Hiệp ra Hà Nội làm nghề đóng yên ngựa và sản xuất đồ bằng da...

Thời bao cấp, đầu ngõ nào cũng có vài quán nước chè bán thêm rượu trắng. Là nơi “ăn cơm ngô nói chuyện thế giới” và “thông tấn xã vỉa hè” chính là các quán nước này. Bây giờ ngõ khác xa ngày trước, nhà xây cao hơn, dân đông hơn và hầu như ngõ nào cũng có một hai bà bán hàng ăn gánh nấu rất ngon ngồi nép vào tường. Người nhớ ngõ vì có bà bán hàng. Chính cuộc sống trong ngõ góp phần làm nên văn hóa Hà Nội đa dạng và phong phú.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngõ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.