(HNM) - Với nguồn đầu tư hạn chế, trong 10 năm qua, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần có một chiến lược tổng thể dài hạn mang tầm quốc gia để có thể hòa nhập và bắt nhịp trình độ khu vực, thế giới.
Chữa nhiều bệnh hiểm nghèo
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1995, tăng dần trong những năm gần đây và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện nay cả nước có gần 60 đơn vị nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này, trong đó có khoảng 50 đơn vị ứng dụng các sản phẩm từ tế bào gốc trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Các cơ sở triển khai nghiên cứu tế bào gốc có thể kể đến là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân y, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Nhiều cơ sở y tế đã quan tâm và mạnh dạn ứng dụng công nghệ tế bào gốc, trong đó có Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh…
Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nam cho biết: Việc nghiên cứu tế bào gốc được viện chú trọng từ hơn 10 năm qua và đã có nhiều đề tài ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Gần đây viện chú trọng hơn đến những nghiên cứu mang tính ứng dụng của tế bào gốc liên quan đến điều trị một số bệnh về máu, xương, khớp và các bệnh liên quan đến ung thư.
Đề tài “Nghiên cứu biệt hóa tế bào chức năng gan từ tế bào gốc người và chuột” do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Viện Công nghệ sinh học, thực hiện cùng các cộng sự. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật khảo sát sự di trú và định hình tế bào sau quá trình ghép vào cơ thể trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ, mục tiêu của đề tài là tạo tế bào chức năng gan, hướng tới ứng dụng trên người.
Viện Công nghệ sinh học còn triển khai đề tài “Tái tạo tế bào thần kinh từ tế bào máu ngoại vi của bệnh nhân Alzeimer” do Tiến sĩ Lê Thị Thùy Dương làm chủ nhiệm. Nghiên cứu của đề tài nhằm tạo ra các tế bào thần kinh trực tiếp từ các tế bào trưởng thành của người bệnh, từ đó nghiên cứu cơ chế cũng như nguyên nhân gây ra bệnh Alzeimer.
Các bệnh về máu là lĩnh vực mà công nghệ tế bào gốc được ứng dụng để điều trị nhiều nhất. Viện Huyết học - Truyền máu trung ương là một trong những đơn vị triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu từ hơn 10 năm nay. Đến nay, viện đã ghép cho 360 ca bệnh, trong đó có 28 ca được ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu sau khi được tiếp cận phương pháp ghép tế bào gốc đã có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa ghép tế bào gốc, cho biết: Với nhiều ưu điểm, hiện phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu nói riêng và ghép tế bào gốc nói chung đã và đang được rất nhiều bệnh nhân tại viện lựa chọn để điều trị, tùy theo từng loại bệnh mắc phải.
Ngoài hoạt động ghép tế bào gốc thì việc tiếp nhận, lưu trữ mẫu tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng cũng đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2010, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã đưa vào hoạt động ngân hàng tế bào gốc.
Cần chính sách về tế bào gốc
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Năng lực công nghệ tế bào gốc của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình của thế giới. Một số công nghệ mới như tách chiết mô rắn, nuôi cấy bám dính 2D, biến đổi biệt hóa và bảo quản… ở mức độ tiên tiến so với các nước trong khu vực. Với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước trong 10 năm qua là khoảng 200 tỷ đồng, đây là những thành tích đáng ghi nhận. Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ dần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn bởi các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù là một lĩnh vực tiềm năng nhưng việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam còn hạn chế, do đầu tư còn thấp. Do vậy, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn mang tầm quốc gia để đưa lĩnh vực này hòa nhập và dần bắt nhịp với trình độ khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam vẫn chưa có các chính sách về tế bào gốc. Mặc dù đã được dự thảo từ năm 2015 nhưng đến nay, sau gần 4 năm, luật về máu và tế bào gốc vẫn chưa được ban hành.
Hiện cũng chưa có thêm các hướng dẫn về việc triển khai nghiên cứu, khai thác, ứng dụng hay các hoạch định chiến lược cho lĩnh vực nghiên cứu này. Các đề tài, dự án về tế bào gốc chưa được định hướng và quy hoạch một cách rõ ràng. Trong khi đó, các dự án đầu tư về sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trong y học vẫn đang được các đơn vị mà chủ yếu là tư nhân thực hiện tự phát. Đó cũng là lý do khiến cho việc khởi động một nền công nghiệp đầy tiềm năng nhưng đến nay vẫn đang manh mún và chưa đem lại những đóng góp xứng đáng.
Ông Tạ Việt Dũng cho rằng: "Phải xây dựng hệ thống bản đồ công nghệ trong lĩnh vực tế bào gốc để có một bức tranh tổng thể, cho thấy chúng ta đang sở hữu các công nghệ này như thế nào và ai đang sở hữu. Từ đó, chúng ta xác định lộ trình để đổi mới công nghệ, trong đó có những công nghệ có thể phát triển được bằng nội lực, dựa trên năng lực nghiên cứu trong nước. Với những công nghệ đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có định hướng tăng cường đầu tư".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.