Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), chiều 18-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đến thăm, tặng quà tri ân người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.
Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (Trung tâm) có tổng diện tích hơn 11.000m2, được xây dựng khép kín với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc người có công. Hiện, Trung tâm đang nuôi dưỡng 40 người, trong đó, có 16 đối tượng phải phục vụ toàn phần, còn lại chủ yếu là người cao tuổi và con liệt sĩ bị rối nhiễu tâm trí, thiểu năng trí tuệ, câm điếc.
Các đối tượng đang nuôi dưỡng hiện hưởng 2 mức trợ cấp hằng tháng gồm: Trợ cấp tiền tuất một liệt sĩ 1.624.000 đồng/tháng và trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hưởng định suất nuôi dưỡng là 2.923.000 đồng/tháng. Ngoài chế độ ưu đãi trên, thành phố hỗ trợ mỗi người 3.000.000 đồng/tháng, số tiền này được đưa vào bữa ăn hằng ngày.
Trung tâm cũng thực hiện thăm khám sức khỏe hằng ngày, xoa bóp, bấm huyệt, tổ chức thể dục dưỡng sinh, lao động trị liệu, điều trị các bệnh thông thường và đưa người có công đi khám, điều trị tại các bệnh viện, tổ chức khám bệnh định kỳ 2 lần/năm…
Từ năm 1999 đến nay, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng luân phiên hơn 52 nghìn lượt người. Năm 2023, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng 2.492/3.060 lượt người, đạt 81,44% kế hoạch.
Ân cần thăm hỏi, động viên người có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vào tháng 7 hằng năm, thành phố Hà Nội đều tổ chức các đoàn thăm, tặng quà người có công, thân nhân người có công.
Năm 2023, thành phố dành sự quan tâm nhiều hơn với người có công. Từ ngày 16 đến 20-7, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng đoàn đi dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, Khu di tích lịch sử TNXP Truông Bồn, Khu tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc…
Đoàn công tác cũng thăm và làm việc với các tỉnh: Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tại mỗi tỉnh, đoàn công tác của thành phố đã thăm, làm việc và tặng 3 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình chính sách. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã nâng cấp 2 khu vực mộ liệt sĩ của thành phố tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tổng mức đầu tư gần 52 tỷ đồng, nhân kỷ niệm 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Ngoài những hoạt động lớn, thành phố tập trung nguồn lực thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, toàn thành phố trao 121.215 suất quà đến người có công, trị giá 193 tỷ đồng; vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” 22,298 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà cho 143 hộ gia đình người có công; tặng 1.254 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (thấp nhất 3 triệu đồng); phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ vui mừng khi chứng kiến cơ sở vật chất của Trung tâm được nâng cấp, sửa sang; phòng ở của người có công được trang bị đầy đủ các thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến mong muốn, tin tưởng, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nêu cao hơn nữa tinh thần chăm sóc các đồng chí thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; coi đây là tình cảm, vinh dự, bổn phận, trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù ưu đãi người có công của thành phố; tiếp tục tham mưu cho thành phố đầu tư, nâng cấp các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để chăm lo cho người có công cả về cả vật chất và tinh thần; coi đây vừa là tình cảm, là trách nhiệm không chỉ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mà còn của cả hệ thống chính trị thành phố trong thực hiện công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.