Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý giá thịt lợn mùa dịch

Lam Giang| 21/08/2021 07:48

(HNM) - Thời gian gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giá xuất chuồng lợn hơi giảm mạnh. Nhưng tại các chợ cũng như siêu thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, một số nơi còn tăng hơn so với trước dịch. Nghịch lý là sức cầu với mặt hàng thịt lợn lại đang giảm mạnh do các trường học, cơ quan, nhà hàng tạm thời đóng cửa.

Nhiều tiểu thương lý giải nguyên nhân giá thịt lợn tăng cao ngay cả khi giãn cách xã hội là do phát sinh thêm chi phí vận chuyển, lưu thông. Đây là một thực tế song không phải lý do chính khiến giá thịt lợn đến tay người dùng chênh lệch quá lớn so với giá lợn hơi xuất chuồng. Nguyên nhân sâu xa đã được nhắc đến từ lâu là bởi có quá nhiều khâu trung gian từ trang trại tới bếp ăn. Cuối cùng, thiệt thòi vẫn luôn thuộc về người tiêu dùng.

Vẫn biết việc loại bỏ khâu trung gian, đưa giá thịt lợn về đúng thực tế là chuyện không phải “một sớm một chiều”, nhưng nếu không có giải pháp mạnh và quyết liệt thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn. Trước hết, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún hiện nay thành sản xuất tập trung có sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống chế biến, giết mổ quy mô lớn theo chuỗi, có kiểm soát, trong đó bao gồm giá thịt lợn đầu ra. Chỉ có như vậy mới giảm được các khâu trung gian và giảm được giá thành khi tới tay người tiêu dùng.

Để làm được việc này phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý trong vai trò tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ bài bản, quy mô. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng cần thực hiện dự trữ thực phẩm thiết yếu, trong đó có thịt lợn, từ 5 đến 6 tháng nhằm đối phó với các kịch bản dịch bệnh, thiên tai… Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm bình ổn giá thịt lợn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý giá thịt lợn mùa dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.