Khi mua vé tại các bến xe, hành khách sẽ được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm, không phải bắt xe dọc đường, không bị chuyển sang xe khác… Tuy nhiên, nghịch lý vẫn đang diễn ra khi các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội thì vắng khách, còn tại các "bến cóc”, xe dù, kể cả xe ghép, xe hợp đồng... lại hoạt động rất nhộn nhịp.
Nhộn nhịp “bến cóc”
Lâu nay, các tuyến phố Mạc Thái Tổ, Đinh Núp, Tú Mỡ (quận Cầu Giấy) thường xuyên xuất hiện hàng chục xe đón, trả khách đi các tỉnh hằng ngày. Điển hình, vào chiều và tối hằng ngày, tại phố Mạc Thái Tổ thường xuyên xuất hiện các xe 45 chỗ biển 50A..., 50H... trả khách. Các lái và phụ xe luôn đề phòng nên khi nhìn thấy phóng viên giơ điện thoại chụp ảnh, họ tỏ thái độ không thiện cảm và tiến lại gần để can thiệp.
Tình trạng đón, trả khách, dừng đỗ tại phố Mạc Thái Tông cũng khá phổ biến, theo ghi nhận vào chiều 9-2. Thời gian này, rải rác trên toàn tuyến phố có khoảng 10 xe khách 45 chỗ cùng hơn 10 xe hợp đồng. Tuyến đường nhỏ hẹp nhưng hai xe khách dừng hai bên đường khiến các phương tiện qua lại rất chật vật.
Đáng nói, tại phố Nguyễn Chánh, đoạn giao với phố Đinh Núp, thường xuyên có khoảng 20 xe khách 45 chỗ dừng đỗ hai bên đường. Trong đó, có nhiều xe mang biển hiệu Kumho VietThanh chuyên chở khách từ Mỹ Đình đi Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). Theo phản ánh của người dân trong khu vực, nhà xe Kumho VietThanh thường xuyên đỗ loại xe khách 45 chỗ tại tuyến phố này, biến tuyến đường nhỏ thành bến xe tự phát.
Theo quy định, Bến xe Mỹ Đình phục vụ kết nối đến các tỉnh ở phía Tây Thủ đô và các Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm kết nối đến các tỉnh ở phía Nam Thủ đô. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều xe khách, xe limousine, xe hợp đồng… đi đến các tỉnh ở phía Tây Hà Nội như: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu… tự lập bến ở xung quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm để phục vụ hành khách. Ngược lại, “bến cóc” cũng hình thành tại khu vực xung quanh Bến xe Mỹ Đình để đón khách đi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và miền Trung, miền Nam.
Các bến xe tự phát này hoạt động khá công khai trên dọc đường Phạm Hùng, đoạn từ ngã tư đường Phạm Hùng - Trần Duy Hưng đến khu vực Bến xe Mỹ Đình. Nhiều quán trà đá trên đường Phạm Hùng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, điểm dừng chân cho khách chờ xe. Tại khu vực quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm, “bến cóc” hoạt động nhộn nhịp trên các tuyến đường, phố: Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Kim Ngưu, Lê Duẩn, Pháp Vân, Trần Thủ Độ, Ngọc Hồi…
Cần kiểm soát chặt chẽ phương tiện bỏ bến, bỏ tuyến
Trong khi các “bến cóc” hoạt động khá nhộn nhịp thì bên trong Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát lại thưa vắng khách. Đối với hành khách, câu trả lời cho việc sử dụng dịch vụ ở những "bến cóc" là do nhanh và tiện.
Chị Lê Thị Hoa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, do tâm lý ngại vào bến mua vé nên chị gọi nhà xe qua số điện thoại trên mạng, sau khi đến địa điểm hẹn là lên xe ngay, không phải chờ đợi hoặc nhỡ chuyến. “Bạn bè tôi đi quen nhà xe nên cứ hẹn đón tại khu vực gần nhà. Do vậy, dù đi Nghệ An hay Khánh Hòa cũng không phải đến Bến xe Giáp Bát hay Bến xe Nước Ngầm mà vẫn được đón ở đường Phạm Hùng”, chị Hoa cho hay.
Khi được phân tích là mua vé xe tại bến thì hành khách được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm, không bị tình trạng “bán” khách hay chờ đợi lâu do xe "bắt" khách dọc đường, anh Lê Quốc Anh (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho biết, anh không quan tâm đến vấn đề này bởi sự nhanh và tiện lợi của xe ngoài bến khi họ đón khách theo vị trí địa lý. Các nhà xe sẽ cung cấp địa chỉ đón gần với khu vực nhà hành khách nhất nên họ sẵn sàng bỏ qua những quyền lợi nêu trên.
Trên thực tế, theo thống kê từ các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm cho thấy, dịp Tết năm nay, lượng hành khách vào bến thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Theo Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Hoàng Tùng, để giải quyết nạn “bến cóc”, đơn vị quản lý là Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Sở Giao thông vận tải các tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ các phương tiện bỏ bến, bỏ tuyến. Cụ thể, nếu phát hiện phương tiện không hoạt động tại bến trong 60 ngày, cần thu hồi tem tuyến để không có cơ sở hoạt động đón khách ngoài tuyến. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương cùng các lực lượng thanh tra giao thông vận tải, cảnh sát giao thông cũng là giải pháp quan trọng khắc phục triệt để vấn nạn nêu trên.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề nghị các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và Cầu Giấy bố trí điểm dừng, đón trả khách cho xe hợp đồng, công bố các bãi xe theo đúng thẩm quyền; đồng thời đề xuất bổ sung lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường, khu vực có văn phòng đại diện, chi nhánh doanh nghiệp vận tải, từ đó có căn cứ quản lý và xử phạt vi phạm (nếu có). Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Công an thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, trích xuất hình ảnh các phương tiện vi phạm đón, trả khách sai quy định, đặc biệt là tại xung quanh khu vực các bến xe.
Để xử lý dứt điểm các “bến cóc”, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát, tăng cường xử lý nghiêm vi phạm, việc quy hoạch lại chức năng, nhiệm vụ, điểm dừng đỗ đúng quy định của loại xe hợp đồng, xe ghép cũng là một giải pháp cần sớm thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.