(HNM) - Những năm qua, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế của trung ương và thành phố Hà Nội đã tổ chức đưa bác sĩ về cơ sở để khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người.
Chăm sóc cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Chăm sóc từ cơ sở
Có đồng hành với một số đoàn y tế về các địa phương tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người có công, mới có thể cảm nhận được hoạt động này mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực như thế nào. Mặc dù người có công được hưởng các chính sách đãi ngộ tương đối toàn diện, song không phải ai cũng quan tâm tới sức khỏe của bản thân.
Bà Trần Thị Rau (74 tuổi) là vợ liệt sĩ Hoàng Văn Ngoạn (trú tại thôn Bắc Hà, xã Thọ An, huyện Đan Phượng) cho biết: “Tôi thấy sức khỏe ổn định, vẫn đi làm đồng thường xuyên nên ít khi đi khám bệnh. Dịp này tôi đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám tổng thể, mới biết một mắt bị mờ và đục”. Tương tự, bệnh binh 2/4 Đỗ Hữu Lý (trú tại thôn 8, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) kể: "Tôi hay cảm thấy mệt mỏi nhưng nghĩ đó là biểu hiện của tuổi già nên không đi khám. Trong đợt khám bệnh miễn phí, các bác sĩ phát hiện tôi bị mắc một số loại bệnh". Khi được bác sĩ giải thích, tư vấn, hướng dẫn cách thức luyện tập, chăm sóc sức khỏe, ông Đỗ Hữu Lý quyết tâm: “Tôi phải sống khỏe, vui tươi, yêu đời làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu”.
Suy nghĩ của bà Trần Thị Rau hay ông Đỗ Hữu Lý cũng là điều thường thấy ở đa số người có công, nhất là những người sống xa các cơ sở y tế.
Nhiều năm tổ chức thực hiện khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách, bác sĩ Nguyễn Thị Cương (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) nhận xét: Đa số người có công tuổi đã cao, nhiều người là thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc hóa học, mang sẵn trong người những vết thương từ thời chiến tranh. Có thể nói, hầu hết đối tượng chính sách đều có bệnh, nhiều người mắc bệnh mạn tính. Hiệu quả tích cực của chương trình về cơ sở khám bệnh là giúp nhiều người hiểu đúng về tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó có chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập chăm sóc sức khỏe hợp lý, khoa học.
“Ở góc độ này, các chương trình khám bệnh miễn phí cho đối tượng chính sách đã và đang góp phần chăm sóc sức khỏe cho người có công từ cơ sở”, bác sĩ Nguyễn Thị Cương nhấn mạnh.
Vì tình nghĩa và trách nhiệm
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công. |
Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cơ sở y tế tổ chức khám tổng thể, tư vấn chăm sóc sức khỏe miễn phí cho hàng vạn lượt người có công trên địa bàn TP Hà Nội. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tổ chức khám cho hơn 1.200 đối tượng chính sách tại quận Hà Đông, huyện Đan Phượng, Ứng Hòa và Trung tâm Điều dưỡng người có công số II.
Bệnh viện Quân y 103 liên tục đưa đoàn cán bộ đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách ở xã Trung Giã (Sóc Sơn), Đội Bình (Ứng Hòa), Dương Xá (Gia Lâm), Cao Viên (Thanh Oai), phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), La Khê, Nguyễn Trãi (Hà Đông)… Bệnh viện Quân y 105 khám bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn đối tượng chính sách ở thị xã Sơn Tây và các huyện lân cận. Viện Y học cổ truyền quân đội khám bệnh cho các đối tượng chính sách của phường Đại Kim, Thịnh Liệt (Hoàng Mai)…
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí của các cơ sở y tế, người có công trên địa bàn TP Hà Nội được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, toàn diện. “Qua những hành động, việc làm cụ thể như khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho người có công, chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước nhằm bảo đảm cho người có công có mức sống từ trung bình trở lên, có thể thấy tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đang từng bước đi vào cuộc sống”, ông Khuất Văn Thành khẳng định.
Việc khám bệnh cho người có công tại cơ sở, các bệnh viện, trung tâm y tế đòi hỏi đơn vị tổ chức phải chủ động hoàn toàn về phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế, đội ngũ y, bác sĩ… Trong bối cảnh hầu hết các cơ sở y tế đang lâm vào tình trạng quá tải bệnh nhân thì việc tổ chức được hoạt động khám bệnh tình nghĩa thể hiện sự cố gắng lớn của các đơn vị. Vì tình nghĩa, vì trách nhiệm đối với người có công, nhiều bác sĩ trực ca đêm nhưng buổi sáng vẫn tình nguyện đi cơ sở khám bệnh miễn phí. Nhiều bác sĩ không ngại khó, ngại khổ đến tận nhà người có công tuổi cao, sức yếu để khám bệnh, trò chuyện, động viên bệnh nhân lạc quan vui sống. Những việc làm tốt đẹp đó thật đáng quý!
Với nhiều người có công, ngày tham gia khám bệnh miễn phí tràn ngập niềm vui bởi hiếm khi mọi đối tượng chính sách có thể tập trung đông đủ tại một địa điểm để có thể trò chuyện, hỏi han thân tình. Chứng kiến hình ảnh những người vợ liệt sĩ hỏi thăm nhau về con cháu, về sức khỏe, những thương binh, bệnh binh ôn lại kỷ niệm chiến trường…, càng thấy rõ hơn ý nghĩa từ những việc làm chứa đựng nghĩa tình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.