Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa tình cầu treo

Tuấn Lương| 25/02/2015 06:24

(HNM) -

Nhiều cái mới khi có cây cầu

Người dân Hưng Thi khoe năm nay được ăn Tết sớm, cũng là cái Tết vui nhất khi bản làng có được cây cầu sắt vững chãi vắt ngang qua dòng sông Bôi, thay cho cây cầu tạm bằng tre, bằng gỗ ọp ẹp, luôn rung bần bật và đã có lần vỡ tung khi lũ về. Từ sáng sớm, người dân đã kéo ra chờ được đi qua cây cầu mới. Có người nói, đã sống tới gần sáu mươi tuổi nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy cây cầu to bằng này nên sướng lắm! Từ nay chẳng phải lo lũ cuốn, lại dễ dàng đi sang làng bên xã cạnh. Sẽ có nhiều cái mới khi có cây cầu. 

Cầu Bản Lếp, một trong 80 cây cầu treo dân sinh được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015.


Tết không chỉ đến sớm với Hưng Thi. Ở khắp nơi, từ Bản Lếp (xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), thôn Nam Công (xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), thôn Minh Thượng và Chu Hạ (xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cho đến thôn Nà Trát (xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn)… ở đâu cũng một không khí tưng bừng như vậy. Và còn nhiều nhiều lắm những nơi khác nữa bởi có đến hơn 80 cây cầu treo dân sinh trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên được Bộ GTVT và TCĐBVN cùng các nhà thầu hoàn thành và đưa vào khai thác ngay trong những ngày cuối cùng của năm Giáp Ngọ - 2014. Ở bất cứ đâu, kỹ sư, công nhân làm cầu cũng được người dân địa phương đón tiếp trong không khí nồng ấm, dù có lúc quà cho anh em thợ cầu chỉ là vài cái bắp ngô, dăm đẵn mía, gói thuốc, ấm nước chè xanh…

Trong một lần đi kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng chia sẻ, khó có thể diễn tả hết được những khó khăn và sự hiểm nguy đối với bà con khi hằng ngày phải đi trên những cây cầu như vậy. Đây đều là những công trình nhỏ về vốn đầu tư nhưng ý nghĩa thì rất lớn. Người dân mong từng ngày. Do đó, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải thi công cầu với chất lượng tốt nhất, khẩn trương nhất và tiết kiệm nhất.

Lại nhớ hôm khánh thành cầu Nam Công ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (ngày 14-2, tức ngày 26 Tết năm Giáp Ngọ) - cây cầu đầu tiên được thực hiện từ nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ, ông Phan Đức Tú - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV đã nói: Cây cầu thực sự không chỉ dừng lại ở ý nghĩa của một công trình giao thông mà còn mang tính nhân văn rất cao. Bản thân tôi dù đã tham gia nhiều lễ khánh thành các dự án giao thông lớn nhưng đây là công trình đặc biệt. Đây là món quà quý báu và ý nghĩa trước thềm năm mới mà chúng ta gửi đến bà con nơi đây. Hôm ấy, trong những người đội mưa đến xem khánh thành cầu, bà Trịnh Thị Huyền (gần 70 tuổi, sống ở thôn Nam Công) xúc động kể, nơi này trước đây là bến đò. Nhiều năm qua, hàng nghìn người dân trong thôn phải chèo đò để qua sông. Khổ nhất là lũ trẻ, cứ nước lớn là lại phải nghỉ học, không dám đi đò qua sông.

... và ý thức trách nhiệm

Hơn 80 trong tổng số 186 cầu treo thuộc đề án xây dựng cầu treo dân sinh thuộc địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên (giai đoạn I) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khoảng 100 cây cầu nữa đang được các nhà thầu tập trung thi công để hoàn thành trước ngày 30-6 tới. Tính trung bình, mỗi cây cầu có tổng mức đầu tư từ 2 đến 7 tỷ đồng với thời gian thi công từ 3 đến 4 tháng tùy theo địa hình. Mới nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế triển khai lại rất phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng TCĐBVN, do lần đầu tiên thực hiện một đề án xây dựng cầu treo với quy mô lớn nên quá trình triển khai, thiết kế, thi công gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là thiết kế mẫu cầu treo theo quy chuẩn (lần đầu tiên ở Việt Nam) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chi tiết và thi công các cầu. Tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Việc khảo sát thiết kế và triển khai thi công phải thực hiện trên địa bàn rất rộng, phân tán, chủ yếu là miền núi xa xôi, hiểm trở. Hầu hết địa điểm xây cầu đều không có đường ô tô nên việc tìm phương tiện để đưa trang thiết bị vào làm cầu rất khó khăn. Thậm chí, một số vị trí khi khảo sát thấy không phù hợp với tiêu chí xây dựng cầu treo đã buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, với quyết tâm để không còn những nỗi đau như vụ sập cầu treo ở Chu Va (tỉnh Lai Châu) và giáo viên, học sinh phải chui vào túi ni lon qua sông như ở Sam Lang (Điện Biên), chủ đầu tư và tất cả các đơn vị thi công đều nỗ lực hết sức.

Nguồn vốn đầu tư cũng hết sức khó khăn, bởi theo thống kê, trên địa bàn cả nước còn tới hơn 4.000 cây cầu treo, cầu yếu đang ngày qua ngày rình rập hiểm nguy, trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Vào giữa tháng 1-2015, tại lễ phát động quyên góp ủng hộ chương trình "Nhịp cầu yêu thương" kêu gọi các doanh nghiệp, xã hội chung tay xây dựng cầu treo dân sinh cho người dân tại miền núi, các vùng sâu, vùng xa..., Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: Chứng kiến những hình ảnh ghi lại cảnh các thầy cô, học sinh và người dân nhiều nơi bất chấp hiểm nguy vượt sông, suối trong mùa mưa lũ phải chui vào túi ni lon, đu dây hay đi trên những chiếc cầu, bè mảng tạm bợ, chắc chắn không ai trong chúng ta có thể yên lòng. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp cũng như mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với khả năng của mình, hãy tham gia ủng hộ chương trình. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, công khai, minh bạch... Từ lời kêu gọi này, TCĐBVN đã tiếp nhận được hơn 400 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay góp quỹ xây cầu cho bà con vùng sâu, vùng xa. Từ đó đã có thêm nhiều cây cầu được hoàn thành đưa vào phục vụ bà con. Bộ GTVT cho biết, tới đây Chính phủ sẽ xem xét phát hành trái phiếu để đẩy mạnh các giai đoạn tiếp theo của đề án xây dựng cầu treo dân sinh.

Chỉ còn vài ngày nữa là giỗ đầu của những nạn nhân của vụ thảm họa sập cầu Chu Va (tỉnh Lai Châu). Vẫn biết, mất mát nào cũng không thể khỏa lấp, nhưng có một câu ngạn ngữ: "Cốc nước nóng rồi cũng sẽ nguội dần" - vết thương Chu Va đang lành sẹo. Nhưng lớn hơn thế gấp ngàn lần, nỗi đau mang tên Chu Va đã thức tỉnh ý thức trách nhiệm, trở thành sức mạnh để hàng trăm cây cầu được xây dựng tận nơi bản làng xa xôi, với một ý niệm, sẽ không bao giờ còn tái hiện nỗi đau Chu Va…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình cầu treo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.