(HNM) - Giữa bộn bề cuộc sống thường nhật với nhiều lo toan, đặc biệt là trong những ngày sĩ tử tất tả kéo về Hà Nội tham dự kỳ thi đại học, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh bình dị nhưng cảm động của các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) Thủ đô.
Chị Trịnh Thị Huê đưa con gái cùng cậu bạn học của con là Nguyễn Văn Lực từ Quảng Xương (Thanh Hóa) ra Hà Nội dự thi vào Đại học Công nghiệp. Mày mò nhà trọ, quán ăn, nhưng tiền nong eo hẹp chỉ có thể tính chuyện xin ngủ trọ tại hành lang phòng thi, nên chị đánh bạo đến Hội đồng thi của nhà trường xin giúp đỡ. Biết chuyện, Trung tá Bùi Văn Tiến - Đội trưởng Đội CSGT số 10, đã liên hệ với một người bạn là cán bộ công an nghỉ hưu để mẹ con chị Huê và cháu Lực có chỗ tá túc. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã đến thăm hỏi và tặng quà động viên hai cháu cố gắng thi tốt. Tiếp đó, chiến sĩ Đội CSGT số 10, người nhường chiếc quạt cá nhân, người mua cho Lực bộ quần áo... Ông Nguyễn Đức Giảng đưa con gái từ Yên Khánh (Ninh Bình) ra Hà Nội thi đại học, đang ngơ ngác trong vòng vây của đám "cò mồi", xe ôm tại bến xe Gia Lâm thì được các chiến sĩ Đội CSGT số 5 chở giúp đi tìm nhà trọ…
Đó chỉ là một vài câu chuyện về những việc làm bình dị nhưng xúc động bởi lòng nhân ái của người công an Thủ đô trong những ngày qua. Những câu chuyện, những hình ảnh ấy có sức lay động về tình người, về trách nhiệm của những người chiến sĩ công an Thủ đô minh chứng rằng: Trong cuộc sống, cái đẹp có ở mọi nơi, ở mỗi con người bình thường, ở những việc làm nhân ái của những người thực thi pháp luật vốn tưởng là chỉ biết tuân thủ nguyên tắc… Chính vì thế mà hình ảnh người chiến sĩ công an đang đẹp hơn với rất nhiều người, dù mỗi người có một cách nhìn về cái đẹp có thể khác nhau.
Theo quy định, CSGT đường bộ có trách nhiệm thực hiện tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn… Những ngày thi đại học này, lực lượng CSGT Thủ đô không chỉ hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình mà còn khẳng định trách nhiệm chiến sĩ - công dân với lối ứng xử nhân ái để lại tình cảm yêu mến trong lòng người dân và các sĩ tử về Hà Nội dự thi.
Bên cạnh đó là những lực lượng khác trong ngành công an Thủ đô đã và đang thầm lặng làm những công việc rất nguy hiểm để bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Hình ảnh những chiến sĩ thuộc lực lượng PCCC Thủ đô anh dũng trong cuộc chiến đấu với giặc lửa tại cây xăng số 2A Trần Hưng Đạo vào ngày 3-6 vừa qua cũng đã lan tỏa trong cộng đồng. Hay hình ảnh những chiến sĩ của lực lượng 141 Hà Nội bất chấp hiểm nguy đối đầu với những đối tượng phạm pháp sử dụng hàng "nóng" như một nhận xét của người dân Thủ đô: "Mỗi lần ra đường dù đêm hay ngày, nhìn thấy các anh, chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Đám cướp giật cũng ngại…". Và những CSGT dắt cụ già qua đường, lội nước chuyển hàng, đẩy xe giúp dân, đưa học sinh tới trường… Đó là những hình ảnh đẹp khắc sâu trong tình cảm của người dân.
Người dân tôn vinh những việc làm đậm tính nhân văn, những hành động dũng cảm, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ công an. Nhưng thực tế cuộc sống hôm nay cũng có những cán bộ, chiến sĩ công an có những việc làm, hành vi, cách ứng xử không đẹp như mãi lộ, cửa quyền, lạm quyền, lỗ mãng hạch sách dân… gây bức xúc trong dư luận. Đó là những "con sâu làm rầu nồi canh". Trong ngành công an có hàng nghìn, hàng vạn người với một lượng công việc khổng lồ, phức tạp, nguy hiểm, không tránh khỏi có những người không chịu rèn luyện, tu dưỡng, làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí tha hóa. Tuy nhiên, những người đó không thể đại diện cho bản chất tốt đẹp của công an Hà Nội nói riêng, ngành công an cả nước nói chung, song ở mức độ nào đó đang làm giảm uy tín của toàn lực lượng. Công an nhân dân là lực lượng chuyên chính "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ" và cũng vì thế mà cần xử lý nghiêm minh những cán bộ, chiến sĩ mất phẩm chất. Đó cũng là một thực tế.
Có thể nói, trong tiến trình vận động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều mặt trái của xã hội mở cửa đã phát sinh. Những biến thể đa dạng, phức tạp của các loại hình tội phạm đang đặt lên vai ngành công an nhân dân những trách nhiệm nặng nề. Tiếp tục xây dựng hình ảnh đẹp của người công an trong lòng dân là trách nhiệm của toàn ngành, của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên từng lĩnh vực công tác. Từ vấn đề này, có thể đặt câu hỏi: Xây dựng hình ảnh người công an Việt Nam hiện nay như thế nào?
Thực tế mỗi quốc gia có những đặc thù riêng, việc xây dựng hình ảnh người cảnh sát cũng có những nét riêng. Ở đất nước mà súng đạn có thể dễ dàng mua và sử dụng như Mỹ, người ta đã xây dựng hình ảnh những cảnh sát chuyên nghiệp và tinh nhuệ với vũ khí tối tân, hiện đại. Ở quốc gia du lịch và thường xuyên tắc đường như Thái Lan, người ta xây dựng hình ảnh những cảnh sát thân thiện, khỏe mạnh, cân đối và biết cả… đỡ đẻ trong những trường hợp tắc đường. Đối với Việt Nam, với nền tảng văn hóa đặc thù, trong khi khả năng kinh tế chưa cho phép trang bị hiện đại so với yêu cầu thực tế thì điều quan trọng nhất là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải luôn biết mình từ đâu mà ra, vì ai mà chiến đấu, chiến đấu như thế nào, rèn luyện ra sao để trưởng thành, để xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân, của đất nước. Bởi thế có ý kiến cho rằng cần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an gần dân, vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc "Làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ" là nhiệm vụ thường xuyên. Người nêu lên phương thức để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ là "dựa vào nhân dân": "Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở "Dân chủ và chuyên chính phải đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự, phải chuyên chính thực sự". "Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh". Và đặc biệt, 6 điều Bác dạy về "Tư cách người công an cách mệnh" chính là hình mẫu khái quát nhất về người cán bộ, chiến sĩ công an. Từ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy, xây dựng hình ảnh cao đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an trong lòng nhân dân chính là việc tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng công an với nhân dân: Gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân.
Người dân Thủ đô hay người dân cả nước khi về Hà Nội đã nhận thấy được nét đẹp từ những nữ CSGT tại nhiều đường phố với gương mặt tươi tắn, thái độ nền nã, tận tình giúp đỡ người già, em nhỏ. Và mới đây là những việc làm chứa đựng nét đẹp nhân văn của lực lượng CSGT với các thí sinh trong mùa thi đại học, cao đẳng. Giúp đỡ nhân dân cần phải được xem là việc làm bình thường của cán bộ, chiến sĩ công an. Nhiều việc làm đẹp sẽ làm đẹp hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ công an trong mắt người dân. Và sẽ thật tuyệt vời nếu mỗi ngày chúng ta lại có thêm những khoảnh khắc đẹp từ những "ngã tư đường phố", nhận ra thêm nhiều điều tốt đẹp từ những người "thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi". Cán bộ, chiến sĩ công an - các anh, các chị không phải là những người chỉ biết có nguyên tắc cứng nhắc. Nếu ai cứ nghĩ như vậy là rất sai lầm. Công an cũng là con người với những thuộc tính điển hình của con người xã hội. Và chính các anh, các chị đang thực hiện nguyên tắc nhân văn cao nhất của pháp luật: Vì con người, phục vụ con người!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.