Văn hóa

Nghĩ về người Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến 08/07/2023 - 14:14

Vì sao nhà văn Nguyễn Đình Thi lại đặt tên bài hát là “Người Hà Nội”? Vì sao Đoàn Lê và Hoàng Tích Chỉ cũng lấy tên “Người Hà Nội” để đặt cho bộ phim truyền hình nhiều tập? Chắc chắn phải có gì đó. Vậy người Hà Nội thế nào?

ban_do_kinh_thanh_thang_long-_theo_hong_duc_ban_do_sach_-_-1490-.jpg
Bản đồ Thăng Long lập thời Hồng Đức.

Bài 1: Lối sống xưa

Nói về người một vùng đất nào đó là nói về lối sống, phong cách sống. Lâu nay, khi nói về người Hà Nội xưa, ai cũng dẫn câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ca dao, ngạn ngữ là vô thức dân gian, nghiêng về ca ngợi nên chưa đủ   thuyết phục mọi người, Hà Nội xưa có lối sống đẹp.

“Ý nhị, tế vi, thanh lịch, tao nhã”

Có rất nhiều sách, khảo cứu, bài viết về lịch sử, văn hóa đời sống Hà Nội các giai đoạn. Và cùng với ca dao, tục ngữ, những tài liệu hữu ích này góp phần làm sáng tỏ lối sống Hà Nội xưa.

“Vũ trung tùy bút” là cuốn sách Phạm Đình Hổ (1768-1839) ghi chép về xã hội, đời sống từ quan đến dân kinh thành Thăng Long thời kỳ cuối thế kỷ XVIII. Trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ ngợi ca lối sống trượng nghĩa của dân chúng kinh thành, nhưng ông cũng lên án thói tệ của đám quan lại lập mưu cướp cây cảnh, cây thế độc lạ.

Về chơi hoa, ông viết: “Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết đạo lý của người chơi hoa. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”. Rõ ràng, vượt lên trên một thú chơi, người Thăng Long hướng tới đạo đức, hướng đến lý tưởng cao đẹp.

Sách “Đại Nam thực lục” là bộ sử của triều Nguyễn. Trong phần “Đệ tứ kỷ” đã chép lời vua Tự Đức nói về phong cách sống của người Hà Nội, có thể tóm tắt trong 6 chữ: “Kiêu bạc, xa xỉ, phóng đãng”. Tự Đức là vị vua thông minh, kiến văn sâu rộng, ngồi ngai vàng lâu nhất trong các vua triều Nguyễn (1848-1883) nên nhận định của ông rất đáng tin cậy. Soi chiếu với ngày nay, những phong cách sống ấy vẫn ẩn chứa trong nhiều người Hà Nội.

Để tránh suy nghĩ “người Việt ắt phải khen người Việt”, xin được trích các nhận xét của các tác giả nước ngoài.

Năm 1523, một phái bộ của Bồ Đào Nha đến Thăng Long tìm đặt quan hệ. Có thể coi những người Bồ Đào Nha này là người phương Tây đầu tiên đến Thăng Long. Tiếp theo đó, các nhà buôn, truyền giáo, nhà du hành khám phá đến kinh thành. Nhờ thói quen ghi chép của họ mà ngày nay chúng ta có bài viết, các cuốn sách phong phú về thông tin, xuất bản từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về Thăng Long xưa, trong đó có rất nhiều đoạn mô tả lối sống đẹp.

samuel_baron_-_the_city_of_cha-cho-_the_metropolis_of_tonqueen.jpg
Cảnh Thăng Long năm 1690 trong sách của Samuel Baron.

Cuốn “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài - Xuất bản năm 1683) của Samuel Baron là chuyên khảo khá toàn diện về Đại Việt, trong đó trữ lượng thông tin về lối sống Thăng Long rất phong phú và bổ ích.

Về rượu ở Thăng Long, Samuel Baron viết: “Vì lòng tự trọng nên rất ít khi thấy người uống rượu mặt đỏ gay ở ngoài đường hay bị quá say nằm vạ vật”. Baron có cha là người Hà Lan, mẹ là người Thăng Long. Ông sống ở Thăng Long mấy chục năm, có thời gian dài làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh ở Thăng Long.

Một người phương Tây khác là Richard. Ông là thầy tu, gốc Anh, sống ở Thăng Long 18 năm, ông viết cuốn “Histoire naturelle civile et politique du Tonquin” (Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài - Xuất bản năm 1778). Trong cuốn sách, ông kể về bữa ăn được một người khá giả ở kinh thành mời như sau: “Chủ nhà rất hiếu khách, nở nụ cười lịch sự đón tôi ở cửa. Ông ta đãi tôi món giò lụa, nó được sắt rất đều, chứng tỏ sự kỹ càng và công bằng. Ăn xong, chủ nhà lấy chiếc khăn trắng cho tôi lau miệng và cả chậu nước ấm để rửa tay”.

Cuốn “Au Tonkin” (Ở Bắc Kỳ) là tập hợp các bài báo mà Paul Bonnetain, phóng viên của tờ “Le Figaro” đã viết về Bắc Kỳ và Hà Nội cuối thế kỷ XIX. Trong bài “Dạo qua Hà Nội” có đoạn phản ánh lối sống kín đáo của người Hà Nội thông qua cách ăn mặc của phụ nữ: “Chúng tôi nhìn thấy những phụ nữ bên ngoài khoác một chiếc áo choàng mầu tẻ nhạt, nhưng bên trong là những chiếc áo dài khoe rất kín đáo, chúng tôi đếm có đến mười sắc mầu rực rỡ”.

Sau năm 1954, các nhà văn hóa, sử học trong nước dưới góc nhìn hiện đại đã làm rõ thêm lối sống của người Hà Nội. Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) quê ở làng Lủ bên con sông Tô nhưng ông sinh ra ở phố Hàng Đào. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa, đời sống Hà Nội, trong đó có cuốn “Hà Nội thanh lịch” xuất bản năm 1991. Thanh lịch của người Hà Nội được ông chứng minh bằng những tư liệu lịch sử đã ánh lên lối sống lịch sự, đàng hoàng, không bon chen, yêu nước, có lòng tự trọng và nhân ái.

Một trí thức khác viết nhiều sách nghiên cứu về Hà Nội là nhà sử học Trần Quốc Vượng (1934-2005). Trong bài “30 năm sưu tầm, nghiên cứu folklore Hà Nội” in trên báo “Người Hà Nội” năm 1995, giáo sư Trần Quốc Vượng đã rút ra nhận định về người Hà Nội: “Có một bản lĩnh riêng: Sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: Ý nhị, tế vi, thanh lịch, tao nhã”.

Trần Quốc Vượng từ nhỏ sống ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân sử - địa Đại học Văn khoa Hà Nội năm 1956, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông thông minh, đi nhiều, đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng nhiều lĩnh vực, giao thiệp với nhiều trí thức. Vì thế, những nhận định của ông là đáng tin.

pc.jpg
Chợ phiên Hà Nội thế kỷ XIX.

Vì sao lại có lối sống đẹp?

Con người dù có tính cách khác nhau nhưng không ai đứng ngoài xã hội, vì thế, bị xã hội chi phối, tác động có thể làm thay đổi tính cách, lối sống của người đó. Hà Nội là kinh đô từ triều Lý đến triều Lê, là thủ đô của Liên bang Đông Dương từ năm 1902 đến 1954 và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kinh đô, thủ đô là trung tâm quyền lực, trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa. Nơi tập trung tầng lớp trí thức, trung lưu trong xã hội nên lối sống chắc chắn phải có nét khác với những vùng miền chỉ thuần túy sản xuất nông nghiệp. Xưa nay, tiếp nhận văn hóa chỉ có hai cách: Tự nguyện và cưỡng bức.

fb_img_1686200732671.jpg
Cột cờ Hà Nội cuối thế kỷ XIX

Chế độ quân chủ cưỡng bức bằng pháp luật, lệnh dụ, chiếu chỉ, và cả uy quyền của quan các cấp. Thời Lê, ở Thăng Long, ai đi tiểu bậy bị phát hiện sẽ bị phạt roi. Thời Nguyễn, thấy hàng phố bị cháy nhà mà không cứu giúp, ngoài phạt đòn, còn có thể bị đi tù. Xử phạt nghiêm khắc buộc dân chúng phải vào quy củ, nền nếp. Lối sống đẹp không bao trùm Thăng Long, nhưng phổ biến.  

                                                                     (Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.