Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về chữ “Liêm” qua những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Nguyễn Hòa Bình| 15/07/2013 05:48

(HNM) - Cho đến hôm nay, toàn Đảng đã đi được chặng đường hơn một năm trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XI) Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Hơn một năm qua, nhìn lại kết quả phê bình và tự phê bình của các tập thể, cá nhân từ cơ sở đến trung ương, chúng ta thêm một lần nữa hiểu đầy đủ hơn vị trí, vai trò gắn với trách nhiệm nặng nề của mỗi cán bộ lãnh đạo dù ở bất kỳ cấp nào.


Làm cán bộ lãnh đạo quản lý thì thời nào chẳng khó. Làm người lãnh đạo phải gắn với trách nhiệm cao nhưng đi liền với trách nhiệm là quyền hành. Vào thời kỳ tất cả buộc phải công khai, minh bạch, và pháp luật cũng như nhân dân kiểm soát, người ngay ngắn đã thấy khó, người không ngay ngắn thì lại càng thấy khó hơn. Trong cái khó chung đó, nếu những cán bộ lãnh đạo quản lý biết tự nhìn lại mình, biết giữ lấy chữ "Liêm" của người cán bộ cách mạng như Bác Hồ từng nhiều lần nhắc nhở, chắc chắn họ sẽ tự vượt qua được chính mình để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Người Việt Nam luôn coi trọng các giá trị đạo đức truyền thống. Loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, các nguyên tắc đạo đức cũng như truyền thống đạo lý của dân tộc đề cao và coi đó là chuẩn mực sống để mọi người tự sửa mình, luôn có giá trị. Nếu mỗi người cán bộ biết coi trọng giá trị đạo đức truyền thống đồng thời luôn tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc hoạt động, làm việc, ứng xử của người cộng sản, chắc chắn sẽ thấy công việc mình được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao phó là rất quan trọng, đòi hỏi mỗi người phải làm việc với trách nhiệm cao nhất.

Chữ "Liêm" trong nguyên gốc Hán ngữ được giải nghĩa là sự "biết phân biệt nên chăng không lấy xằng" - (Từ điển Hán - Việt; Thiều Chửu; NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội - 2013; trang 162). Khi đề cập vấn đề phê bình và tự phê bình của cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng "Liêm là trong sạch, không tham lam". Thời phong kiến, khi đã ra làm quan rồi, ấy chính là kết quả của cả một quá trình tu thân rồi tề gia. Không tu thân, tề gia thì làm sao mà làm quan cho được. Tu thân mà không chính tâm nhờ cách vật, nhờ trí tri thì làm sao có thể trở thành chính nhân quân tử? Vì thế, nếu may mắn được làm quan thì phải gắng sức làm cho tốt để không hổ danh dòng tộc. Rồi, phải gắng mà giữ lấy cái đạo làm quan, đạo làm người, trong đó "Liêm" là điều răn thường nhật với mỗi người. Nhưng, người làm quan xưa luôn gắn chữ "Liêm" đi cùng chữ "Sỉ" (chữ "Sỉ" trong Hán ngữ có nghĩa là "lấy làm xấu hổ, hổ thẹn, lấy làm nhục". Từ điển Hán Việt; Thiều Chửu; NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội 2013; trang 183). Vì thế, "Liêm Sỉ" với người làm quan luôn là phẩm chất không thể thiếu. Không chỉ mang ý nghĩa bó hẹp (làm quan không đục khoét dân là có "Liêm"), chữ "Liêm" còn mang theo ý nghĩa lớn hơn trong tất cả mọi ứng xử của các bậc quan lại có nhân cách thời xưa để đến hôm nay con cháu có thêm nhiều bài học về đạo làm người. Coi chữ "Liêm" như một giá trị sống, một giá trị làm người, trong đó "Liêm Sỉ" phải được đặt lên hàng đầu, thế nên từ đường ăn, nết ở, các cụ không chỉ luôn tự răn mình hằng ngày, mà còn luôn gắng tìm học ở thầy, ở bạn, ở trong đời sống đầy biến động và khắc nghiệt, để từ đó tìm ra cho mình hướng xử lý mọi vấn đề một cách tốt nhất.

Về phẩm chất "Liêm" của người cán bộ cách mạng, Bác Hồ không những chỉ ra rằng: Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm và chính do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Bác còn nói: Cụ Khổng Tử dạy "Người mà không liêm, không bằng súc vật", nên "cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân".

Trở lại câu chuyện của đời sống thực tế hiện nay. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã thu được những kết quả bước đầu. Tiếp đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục triển khai tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo, giúp mọi người dân có thêm điều kiện biết nhiều hơn về những người đại biểu của mình, những người mà mình tin tưởng gửi gắm qua lá phiếu.

Làm người, ai chẳng có lúc sai. Chỉ có điều, sau cái sai ấy, mình sẽ đứng lên thế nào, sẽ làm gì để mọi người hiểu rằng, mình không phải kẻ bất liêm và cũng có lẽ, sau sự vấp ngã ấy, ai là người thực sự có liêm sỉ cũng là điều dễ nhận ra. Hơn nữa, để những ai luôn coi trọng chữ "Liêm", thêm một lần biết mình cần sẻ chia với người cán bộ lãnh đạo quản lý kia những điều mà lâu nay ít ai chia sẻ.

Một vị bộ trưởng hay một vị giám đốc sở phải gánh một lĩnh vực quá nặng trước áp lực xã hội, nếu không muốn nói là một di sản có quá nhiều điều không ổn, nên mọi tác động dù nhỏ nhất sẽ chạm ngay đến từng con người, từng gia đình cụ thể, thậm chí cả những thói quen cần thay đổi. Những vị trí đó thường "bị" mọi người đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn. Tất nhiên, ông bộ trưởng, ông giám đốc sở bất kỳ nào cũng thế. Đã làm tướng mà quân chưa tinh lắm, mình phải nhận lỗi cho quân là lẽ đương nhiên. Và cũng đương nhiên các vị sẽ buồn, suy tư khi mà mình "bị" nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Đó âu cũng là điều đáng được coi trọng. Bởi vì xét cho cùng thì qua đó các vị cũng phải tự nhận ra mình còn thiếu điều gì thì mới có thể quyết tâm mà làm cho ngành mình thay đổi hơn chứ!

Những câu chuyện xoay quanh kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân đâu phải không có tác động một cách tích cực đến những vị nằm trong danh sách có số nhiều phiếu tín nhiệm thấp. Lẽ nào, đã làm lãnh đạo lại không buồn khi mà chính bản thân mình cũng đã cố gắng hết sức; thậm chí nếu không muốn nói rằng giữa chồng chéo bao nhiêu những quan hệ lợi ích, mình cũng đã gắng mà vượt qua không ít các quan hệ ấy. Bỏ qua sự cảm tính của một số lá phiếu, bỏ qua sự kìm lòng, bình tĩnh để tiếp tục làm việc của những cán bộ lãnh đạo quản lý ấy, chẳng lẽ cái buồn, cái suy tư lại không phải là biểu hiện của chút ngượng ngùng. Mà sự ngượng ngùng ấy là chỉ dấu đầu tiên của những người có "Liêm" có "Sỉ", biết tự kiểm lại xem mình còn thiếu hụt những gì để điều chỉnh, bổ sung. Đấy chẳng lẽ không phải là những mầm, những nụ của niềm tin vào những gì tốt đẹp của cuộc sống.

Hiện nay đang diễn ra các cuộc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước bầu ra. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã công bố kết quả. Đọc qua kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý ở cơ sở đạt mức tín nhiệm khá cao, thành thử mừng nhưng lại đâm nghĩ ngợi. Đương nhiên, về cơ bản, nhiều vị cán bộ làm việc tốt, ít va chạm, ít phải giải trình những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội mà ngành mình đảm nhận, sẽ được phiếu tín nhiệm cao. Nhưng, khi mà việc đánh giá và sử dụng cán bộ ở một vài đơn vị chưa thoát khỏi lối nhìn dựa theo cảm tính, chưa thực sự dựa theo năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người cán bộ được đánh giá, thì vẫn còn những cán bộ lãnh đạo quản lý làm tốt thực sự nhưng đạt tín nhiệm thấp, sẽ là chuyện còn xảy ra. Còn những cán bộ lãnh đạo quản lý đạt số phiếu tín nhiệm cao mà lại quá tự tin rằng mình đã xuất sắc, để không tiếp tục hoàn thiện mình về nhiều mặt, không ngày càng gắn bó với nhân dân nhiều hơn nữa, ấy chẳng lẽ không là điều đáng lo? Cán bộ cơ sở là người gần dân nhất, là người đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước vào đời sống. Chỉ có điều, đối chiếu với nhiều sự việc, hiện tượng diễn ra ở cơ sở, chưa hẳn một vài vị lãnh đạo đã hoàn thành công việc xuất sắc như kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.

Dù là hình thức lấy phiếu tín nhiệm có khác nhau, còn có những hạn chế cần bổ sung, điều chỉnh thì đó cũng là một trong những bước sát hạch, một trong cách đo lại phẩm chất năng lực người cán bộ lãnh đạo rất có ý nghĩa. Người được phiếu tín nhiệm cao hay người có phiếu tín nhiệm thấp đều phải tự kiểm điểm, tự soi lại mình với những tiêu chí của "Liêm", "Sỉ" mà bắt buộc người công bộc của dân phải có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về chữ “Liêm” qua những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.