Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội họp từ ngày 25-10-2010 đến ngày 28-10-2010 tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
I- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm 2006-2010 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2010-2015 nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội:
1. Đánh giá tình hình 5 năm 2006-2010
Đại hội khẳng định: Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy, đạt kết quả nổi bật trên những lĩnh vực công tác chủ yếu, ở cả hai thời kỳ trước và sau khi thành phố được mở rộng địa giới hành chính.
1.1. Về thời kỳ nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội của các Đảng bộ trước khi hợp nhất:
Trước hợp nhất, các đảng bộ đã tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ và thống nhất đánh giá: Tuy còn có những hạn chế, tồn tại nhưng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội 2006-2010, Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ tỉnh Hà Tây, Đảng bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và Đảng bộ 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chủ yếu. Những kết quả trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội của các Đảng bộ trước khi hợp nhất là tiền đề và động lực quan trọng để Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới, khi địa giới hành chính được mở rộng.
1.2. Về thời kỳ sau khi Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính đến hết nhiệm kỳ:
Sau khi hợp nhất, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ thành phố đã lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có chất lượng những chủ trương lớn, mang tính đột phá. Đã tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của thành phố; thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội XIV của Đảng bộ đề ra, tạo nên những chuyển biến, tiến bộ, toàn diện trong đời sống xã hội Thủ đô, nổi bật là:
Trong điều kiện chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá (trên 10,4%/năm), góp phần quan trọng vào phục hồi tăng trưởng kinh tế chung của cả nước; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng bộ và nhân dân; tổ chức triển khai nhiều chương trình, hoạt động chào mừng và tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Tình hình chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được bảo đảm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Hệ thống chính trị của thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô chưa được phát huy hết; kinh tế phát triển chưa toàn diện, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; nhiều nguồn lực quan trọng của thành phố về vốn, đất đai, sức lao động, tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức Thủ đô, v.v... chưa được khai thác hiệu quả.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém. Hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường chuyển biến chậm. Phát triển văn hóa - xã hội chưa tương xứng với yêu cầu và vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành còn thiếu năng động, chưa thật sự quyết liệt, có bộ phận còn trì trệ, kém hiệu quả; tình trạng né tránh trách nhiệm, ngại va chạm còn khá phổ biến. Cải cách hành chính kết quả còn hạn chế. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị có chuyển biến nhưng chưa thật đồng bộ, v.v...
1.3. Về bài học kinh nghiệm:
Đại hội thống nhất 5 bài học kinh nghiệm sau:
(1) Chủ động vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn của thành phố để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
(2) Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, điều hành theo hướng tập trung, sâu sát, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả; bám sát thực tiễn, xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm.
(3) Mở rộng dân chủ, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong xã hội.
(4) Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy các cấp.
(5) Tập trung lãnh đạo, vừa phát huy nội lực, vừa chủ động phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương trong cả nước trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
2. Phương hướng, nhiệm vụ và một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2010-2015
2.1. Về phương hướng phát triển Thủ đô:
Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, hài hòa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Phấn đấu thực hiện hoàn thành trước từ 1-2 năm những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, góp phần cùng cả nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
2.2. Về nhiệm vụ chủ yếu và khâu đột phá:
Về nhiệm vụ chủ yếu:
(1) Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững.
(2) Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường.
(3) Tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội. Ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.
(4) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác, đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô.
(5) Tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Về khâu đột phá:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
(2) Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
2.3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015:
(1) Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015: 12-13%/năm; trong đó:
- Dịch vụ: 12,2-13,5%/năm
- Công nghiệp - xây dựng: 13,0-13,7%/năm
- Nông nghiệp: 1,5-2%/năm
(2) Cơ cấu kinh tế:
- Dịch vụ: 54-55%
- Công nghiệp - xây dựng: 41-42%
- Nông nghiệp: 3,0-4,0%
(3) GDP bình quân/người: 4.100-4.300 USD(*1)
(4) Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015: từ 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng (tăng trung bình 17,5-18,5%/năm)
(5) Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 14-15%/năm
(6) Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương: 90%
(7) Tỷ lệ trường (MN, TH, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia: 50-55%
(8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 55%
(9) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%
(10) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới: trên 40%
(11) Số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm: 140-145 nghìn người
(12) Giảm hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm
(13) Giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,02%/năm
(14) Số giường bệnh/vạn dân: 20
(15) Số bác sỹ/vạn dân: 12,5
(16) Diện tích đất xanh đô thị đạt: 7-8 m2/người
(17) Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 35-40(%)
(18) 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước bảo đảm vệ sinh; 100% số hộ dân ở đô thị được sử dụng nước sạch. Lượng nước sạch đô thị: 180-200 lít/người/ngày đêm.
(19) 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.
(20) Bình quân kết nạp 10.000 đảng viên mới/năm
(21) Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm: trên 70%
(22) Tỷ lệ TCCSĐ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh bình quân hàng năm: trên 75%
3. Các giải pháp trọng tâm:
3.1. Về phát triển kinh tế:
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 12-13%/năm.
- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, tích cực hội nhập, mở rộng liên kết kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa.
3.2. Về xây dựng, quản lý và phát triển
đô thị:
- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô.
- Phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng các khu dân cư và các khu đô thị mới, gắn với quản lý và điều chỉnh, phân bố dân cư trên địa bàn.
- Tăng cường công tác quản lý đô thị, nhất là các lĩnh vực: trật tự an toàn giao thông; trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; vệ sinh môi trường, xây dựng Thành phố xanh - sạch - đẹp. Gắn quản lý, xây dựng, trật tự đô thị với quản lý đất đai, môi trường và dân cư trên địa bàn.
3.3. Về xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân:
- Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông thôn, phát triển mô hình nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia.
- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân. Trong đó, chú trọng giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, các vấn đề dân sinh bức xúc ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng của Thủ đô.
3.4. Về phát triển văn hóa - xã hội:
- Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vị trí và yêu cầu phát triển văn hóa, phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo để xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
- Tiếp tục xây dựng, bồi đắp, phát huy những nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, của con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản, các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
- Tạo động lực khai thác các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách xã hội và đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.
3.5. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội, củng cố quốc phòng:
Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị của Thủ đô trong mọi tình huống, tăng cường trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
3.6. Về quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô:
- Chủ động tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các
địa phương thuộc quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng
sông Hồng.
- Nâng cao hiệu quả của các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các thủ đô, thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước và khu vực.
3.7. Về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân:
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp của thành phố.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở. Mở rộng dân chủ, tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
3.8. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ:
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới.
- Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các loại hình tổ chức mới.
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động công tác dân vận. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XIV. Từ kinh nghiệm của khóa trước, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV cần tiếp tục phát huy ưu điểm, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cho nhiệm kỳ tới.
III- Thông qua các báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng và Đại hội XV của Đảng bộ thành phố; Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội XV của Đảng bộ thành phố để ban hành, tổ chức thực hiện.
IV- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV gồm 75 đồng chí và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 53 đại biểu chính thức và 6 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban đảng Trung ương có liên quan để quyết định chuẩn y theo quy định.
V- Giao Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng chương trình hành động, các kế hoạch công tác để nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đại hội đi vào thực hiện trong thực tiễn.
Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ thành phố đã đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng trong thời kỳ mới.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XV ĐẢNG BỘ TP HÀ NỘI
-- - - -
(1) Nếu tỷ giá USD/VND là 1: 20.000
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.