(HNM) - Đang ở tuổi đẹp nhất đời người cùng tương lai phơi phới thì một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến, cướp đi của Đỗ Duy Hiếu (sinh viên năm thứ hai, Đại học Bách khoa Hà Nội) đôi chân lành lặn.
Đỗ Duy Hiếu cùng con trai. |
Không chịu khuất phục số phận, mỗi ngày, "chàng thủ khoa trên đôi nạng gỗ" miệt mài viết tiếp câu chuyện đời mình với những thành tựu tiếp nối như một minh chứng cho sự vươn dậy đáng kinh ngạc của một con người.
Tai nạn tuổi đôi mươi
"Nếu không "gặp chuyện", chắc giờ em đã là một kỹ sư cơ khí, được tham gia đóng tàu hay làm những công việc thời ấu thơ thường ấp ủ. Thế nhưng, cuộc đời không dễ đoán trước nên cuối cùng, quan trọng hơn cả, vẫn là luôn biết ước mơ và chọn điều vừa vặn với mình để phấn đấu" - Đỗ Duy Hiếu, mở đầu câu chuyện đời mình, với những chiêm nghiệm thật giản đơn song lại là những "chắt lọc" từ chính mồ hôi, nước mắt của chàng sinh viên nghèo, hiếu học suốt bao năm tháng kiên trì lội ngược dòng số phận này.
"Chị biết không, ngày ấy tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy mẹ khóc, bố khóc, anh chị em cũng khóc, em biết chuyện nghiêm trọng rồi nhưng cũng không ngờ tới mức này. Cả năm sau đó, ngày hai buổi, em nghiến răng lê nạng từ trường tới bệnh viện, từ bệnh viện về trường, để vừa chạy chữa, vừa bám lớp. Nhà em nghèo lắm, tiền ăn học còn phải chạy vạy nói gì đến viện phí. Nhờ trời, em gặp được nhiều người tốt mà tiền chữa bệnh rồi cả suất ăn trong ngày cũng được hỗ trợ, giúp đỡ… Thế nên, dẫu khó nhọc, thiếu thốn đến đâu, em vẫn nhủ lòng "không được thoái trí". Ngày tới lớp, tới bệnh viện, đêm về em cùng bạn bè trong khu trọ đàn hát say sưa. Chưa bao giờ em tắt hy vọng về việc bản thân sẽ bình phục…".
Nhưng, cú ngã, sau nỗ lực leo 5 tầng gác lên giảng đường một ngày, đã khiến Đỗ Duy Hiếu nhận ra, lạc quan mà không chịu nhìn nhận thực tế thì cũng chỉ như tự dối mình. Phần vì sức khỏe suy kiệt, phần vì có học tiếp cũng không thể theo nghề, Hiếu đành gạt nước mắt bỏ ngang việc học. "Buồn tủi, thương thân trách phận, thôi thì đủ cả, song rồi cũng phải đến lúc ngẩng lên, nhìn người thân, nhìn lại chính mình để thấy nếu không tự cho mình cơ hội thì ai cho mình?".
Để khuây khỏa và đỡ nhớ trường, lớp, Hiếu nhận dạy thêm cho trẻ quanh xóm. Lúc đầu là một vài em học sinh nhỏ tuổi muốn được phụ đạo sau giờ lên lớp, sau rồi lớp học của Hiếu đông dần, đối tượng xin theo học cũng đa dạng hơn (ôn thi chuyển cấp, luyện thi đại học…). Ai cũng quý người thầy trẻ trung, dẫu đi lại khó nhọc, vẫn lạc quan, yêu đời và đặc biệt tận tình chỉ dạy. Hiếu nhớ lại: "Mang tật trên người, phải ăn bám bố mẹ, rồi bỗng nhiên kiếm được tiền phụ giúp, dù chẳng nhiều nhặn gì, nhưng em vui lắm. Hạnh phúc hơn là em bắt đầu nhận ra, mình yêu thích việc dạy học và tin rằng có thể đạt được nếu nỗ lực đủ cho ước mơ này!".
Hiếu hồ hởi chuẩn bị hồ sơ, hăm hở ôn thi, hồi hộp chờ kết quả. Giấy báo nhập học "Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) mùa tuyển sinh 2009-2013" gõ cửa nhà Hiếu trong niềm vui của người thân, chòm xóm nhưng không che được nỗi lo lắng, xót xa trong mắt mẹ. Hiếu kể: "Không lo sao được khi trước mắt là 4 năm em đi học xa nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, đi lại chật vật trong khi tiền ăn, tiền trọ học chưa biết kiếm đâu. Lúc đó, em cũng lo lắm nhưng luôn phải nói cứng với mẹ rằng em tính cả rồi, có cách rồi… để mẹ yên lòng".
Chậm thôi, nhưng chắc chắn!
Cùng thời gian nhập học, Hiếu xin đi làm gia sư. Số tiền kiếm được từ công việc này, em chi tiêu tằn tiện hết mức để có thể bảo đảm việc học. Thương con, bố mẹ em quyết "gửi nhà, gửi cửa" cho xóm giềng, để lặn lội theo ra Hà Nội, nhận đủ việc từ làm thuê đến bán hàng để có thể giúp em nuôi dưỡng ước mơ học tập. Vừa học, vừa làm với tình trạng thể lực thua kém bạn bè song chưa bao giờ Hiếu mất đi sự tự tin cùng quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn. Thành quả trong học tập của em đã khẳng định điều đó. 4 năm đại học, Hiếu đều giành được học bổng hỗ trợ học tập và nghiên cứu, trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường; đồng thời giành giải nhất Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam, chưa kể những thành tựu học tập, nghiên cứu đáng nể khác. Chỉ biết rằng, những thành quả ấn tượng ấy của Đỗ Duy Hiếu đã giúp em có được công việc mơ ước tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)…
Nhưng, những bất ngờ mang tên "Đỗ Duy Hiếu" vẫn chưa hết! Cùng với thời gian học tập, nghiên cứu, Hiếu còn bắt tay phát triển các chương trình hỗ trợ học toán qua mạng, giúp các thế hệ học sinh tiếp cận toán học tốt hơn với chi phí rẻ hơn và hạn chế tối đa công sức đi lại, đưa đón cho phụ huynh, để rồi sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, chương trình "Học toán online, tương tác hai chiều" do Hiếu sáng lập đã "vận hành" và sau 1 năm đã thu hút hơn 20 nghìn người đăng ký dự học, trong đó có không ít học sinh ở Nhật, Mỹ, Canada, Lào...
Nhóm chương trình khác, gồm: "Truyền hình trực tiếp"; "Mathviolypic" (toán tiếng Anh); "Luyện âm tiếng Anh" đang trong quá trình thử nghiệm đã cho những kết quả nhất định, khẳng định sức hút cũng như hiệu quả từ chương trình... Riêng chương trình học toán online, một mình làm không xuể nên em phải thành lập công ty, tìm nhân viên, cộng tác viên… để củng cố, phát triển thương hiệu. Hiếu nói: "Vài năm trước, với tình hình bản thân như thế này, đến em cũng chẳng ngờ được rồi có ngày em có thể có nhà, có xe, có công ty, sự nghiệp và có được mái ấm như hiện nay. Thế nhưng, từng bước, từng bước một, chậm thôi nhưng chắc chắn, em đặt mục tiêu và phấn đấu để đạt được nó - quan trọng là mình luôn biết lạc quan và tin tưởng, phải không?".
Vừa tham gia nghiên cứu tại Viện Toán học, vừa điều hành cung cấp các chương trình hỗ trợ học toán qua mạng, Hiếu còn dành tâm huyết cho việc dạy học thông qua trung tâm gia sư (do chính em thành lập với hơn 20 nhân viên, cộng tác viên hỗ trợ). Đúng như Hiếu chia sẻ "Việc dạy học, giúp em gần gũi hơn với học sinh, truyền đam mê toán học; đồng thời cũng giúp em thấy được những điều học sinh cần, để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn".
Chứng kiến sự ham học của các thế hệ học trò, trong đó không thiếu những bạn, dù cuộc sống khó khăn, gia đình gặp sóng gió, vẫn khát khao được tới lớp, tiếp thu kiến thức, Hiếu như thấy lại chính mình của ngày hôm qua: "Gặp những hoàn cảnh như vậy, em thuyết phục các cô chú cứ cho con em mình theo học. Em xin được tặng cho học trò những khóa học ấy, nếu các em còn thích, còn ham. Đây cũng chính là những gì em đã nhận được trong những năm tháng khốn khó trước đây. Không có những điều này, sao có thể có em bây giờ?".
Song hành cùng đôi nạng gỗ, dò dẫm nhưng đầy chắc chắn, Hiếu dẫn tôi tham quan công ty, các phòng làm việc, giới thiệu quy trình, hệ thống vận hành… Tôi hăm hở quan sát, hăm hở hỏi chuyện và liên tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước những điều em đã vượt qua, những thành quả em đã đạt được và cả những ước mơ, hoài bão cùng kế hoạch chinh phục sắp tới - để rồi, khi trở về, nhớ tới lời cảm ơn của em, tôi chợt nghĩ chính mình cần phải cảm ơn em vì bài học nghị lực từ niềm tin vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.