(HNM) - Với mục đích tìm lại những giá trị tốt đẹp của nghi lễ chầu văn để bảo tồn, phát huy giá trị, Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần thứ nhất diễn ra từ ngày 25-9 đến 5-10 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người yêu nghệ thuật truyền thống.
Trình diễn tại Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội. |
Tìm về giá trị thực
Diễn ra nhiều ngày, ở nhiều nơi, nhiều địa điểm với hàng trăm lượt giá đồng được trình diễn, nhưng Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu của công chúng. Rất nhiều người phải ra về trong tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi khi không thể chen chân vào rạp Công nhân xem những giá đồng xuất sắc nhất của Liên hoan trong ngày 4-10. Lạ hơn, cung văn, thanh đồng tham gia Liên hoan phần lớn là người trẻ, thuộc thế hệ 8x, 9x chứ không phải là những "lão" nghệ nhân như một số di sản khác. Những hình ảnh này phần nào cho thấy, nghi lễ chầu văn đã và đang có sức hấp dẫn đặc biệt với người dân Thủ đô.
Trên thực tế, hát văn, hầu đồng đã từng bị một số ít người lợi dụng để "buôn thần bán thánh" khiến cho nghi lễ độc đáo này còn vương "màu sắc" của mê tín dị đoan. Cũng vì mục đích kiếm tiền, một số cung văn không học hát văn đến nơi đến chốn, không tìm hiểu ngọn nguồn ý nghĩa của nghi lễ hầu đồng, mà chỉ học cách thể hiện giai điệu sao cho thật ngọt để hút khách, khiến cho di sản bị méo mó ít nhiều. Như nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) chia sẻ: Có những học trò của tôi, sau này đi hát văn phục vụ cho các khóa lễ hầu đồng đến gặp tôi nói: "Con lạy thầy, con mong thầy tha lỗi. Nếu con học và hát đúng bài bản phải mất nhiều năm mới kiếm được tiền, vì thế xin phép thầy con hát cải biên". Theo phân tích của cụ Lê Bá Cao, ca từ gốc của hát văn là Hán - Nôm, nhưng do không được truyền dạy đúng cách, nên hiện nay rất nhiều người hát sai. Chẳng hạn "Gỗ chò hoa lên rừng lục lấy" lại hát thành "Gỗ trổ hoa lên rừng lục lấy", sai hẳn ý nghĩa, gỗ sao có thể trổ được hoa?
Là người "song hành" cùng Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội, lại có nhiều năm nghiên cứu về di sản độc đáo này, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhận xét: Các nhóm trình diễn tại Liên hoan đều là của nhân dân chứ không phải các đoàn nghệ thuật, vì thế về cơ bản nghi lễ này vẫn giữ nguyên được bản chất, cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và tâm linh. Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc giới thiệu công khai nghi lễ chầu văn như cách Hà Nội đang làm vừa giúp người dân chủ động tiếp cận để tự nhận ra đâu là giá trị nghệ thuật đích thực, vừa từng bước "vén bức màn bí ẩn" mà người ta dựng lên quanh nó.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đô thị?
Trước sức "nóng" hơn mức tưởng tượng của Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần thứ nhất, GS Ngô Đức Thịnh phát hiện ra, đạo Mẫu và nghi lễ chầu văn vốn là sản phẩm của xã hội nông thôn, nông nghiệp, không "sinh" ra ở Hà Nội nhưng hiện nay, Hà Nội mới là trung tâm của nghi lễ chầu văn. Từ sự phát hiện thú vị này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, nghi lễ chầu văn đang có xu hướng bùng phát ở xã hội đô thị và sẽ trở thành một trong những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đô thị với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Tham gia sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa này không chỉ bó hẹp trong phạm vi các con nhang, đệ tử của đạo Mẫu, mà còn có đông đảo mọi tầng lớp nhân dân…
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, những năm gần đây, một số nghệ sĩ đã tìm cách đưa nghi lễ chầu văn trở thành một tiết mục nghệ thuật trên sân khấu, nói cách khác là sân khấu hóa nghi lễ chầu văn. Chẳng hạn như vở chèo "Ba giá đồng" của Nhà hát Chèo Hà Nội hay NSND Lan Hương của Nhà hát Tuổi trẻ đã dùng ngôn ngữ múa, âm nhạc để dựng vở "Tâm linh Việt" dựa trên "chất liệu" của chầu văn. Theo GS Ngô Đức Thịnh, đưa nghi lễ chầu văn lên sân khấu là thử nghiệm rất đáng hoan nghênh, nhưng khi thực hiện cần coi trọng yếu tố nghệ thuật. Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đánh giá: "Nếu đặt quyền lợi của quần chúng lên trên hết thì việc quảng bá hình thức diễn xướng hầu đồng, hát văn là rất có lợi. Bởi xét cho đến cùng thì nhân dân là chủ thể sáng tạo, đồng thời là chủ nhân, là đối tượng hướng tới của bất kỳ loại hình nghệ thuật truyền thống nào".
Ủng hộ quan điểm phải bảo tồn nghi lễ chầu văn, nhưng GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, nếu khai thác yếu tố nghệ thuật của chầu văn để đưa lên sân khấu phục vụ công chúng thì chúng ta sẽ đánh mất yếu tố tâm linh, trong khi yếu tố tâm linh mới tạo nên sự thăng hoa cho người diễn chứ không phải là yếu tố nghệ thuật. "Tôi cho rằng không thể sân khấu hóa chầu văn" - GS Tô Ngọc Thanh nói. Tiếp cận ở góc độ quản lý, TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội kiến nghị Sở VH,TT&DL Hà Nội nên có văn bản hướng dẫn thực hành nghi lễ chầu văn ở các đền, điện, phủ trên địa bàn cho thống nhất; hướng dẫn các ban quản lý, thủ nhang cùng với chính quyền xã, phường, thị trấn kiểm tra để phát huy đúng giá trị của nghi lễ chầu văn.
Khách quan mà nói, nghi lễ chầu văn đã và đang trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đô thị. Việc công khai sinh hoạt, dùng nghệ thuật để định hướng nhận thức đúng cho người dân, người thực hành di sản sẽ góp phần hạn chế được những sai lệch, biến tướng không mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.