(HNM) - Từ ngày 1-8, Cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước đã xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức xử phạt cao hơn.
Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội kiểm tra người điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm trên phố Hàng Bài.Ảnh: Anh Tuấn |
Vi phạm nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong 10 ngày đầu, CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 37.360 trường hợp vi phạm TTATGT, thu hơn 20 tỷ đồng tiền phạt. So với cùng thời gian trước đó, số trường hợp bị xử phạt vi phạm TTATGT tăng 20%.
Còn tại Hà Nội, từ ngày 1 đến 15-8, đã có 25.261 trường hợp vi phạm TTATGT bị lực lượng CSGT xử lý. Trong đó, đối tượng vi phạm nhiều nhất là người điều khiển mô tô, xe máy với gần 20.000 lượt. Tiếp theo là người điều khiển ô tô tải với 1.425 lượt, ô tô con với 1.162 lượt… Hàng trăm trường hợp xe khách, xe taxi đã bị xử phạt vì vi phạm TTATGT. Hơn 600 xe mô tô và hơn 30 xe ô tô… bị tạm giữ. Con số bị tước giấy phép lái xe lên đến 1.025 trường hợp.
Đáng chú ý, lỗi vi phạm nhiều nhất lại rất đơn giản và có ý nghĩa bảo vệ chính người tham gia giao thông là không đội mũ bảo hiểm với 17.084 trường hợp. Các lỗi vi phạm phổ biến tiếp theo là dừng, đỗ sai quy định với hơn 2.000 trường hợp; rồi vi phạm vạch sơn với hơn 1.500 trường hợp. Các lỗi vi phạm còn lại là không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đường ngược chiều…
Qua thực tế triển khai 15 ngày đầu, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội đánh giá, việc đưa vào thực thi các quy định của Nghị định 46 hoàn toàn phù hợp. Những hành vi được điều chỉnh tăng nặng chế tài xử phạt tại Nghị định này cũng là những lỗi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc hoặc tai nạn giao thông. Hiệu quả bước đầu là ý thức người tham gia giao thông đã được nâng lên, tinh thần “Thượng tôn pháp luật” ngày càng rõ nét.
Hầu hết các trường hợp vi phạm sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền, giải thích đều thừa nhận hành vi vi phạm và chấp nhận thi hành quyết định xử phạt, trong đó có nhiều hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, như: Về nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đi xe ô tô ngược chiều trên cao tốc...
Xử lý nghiêm kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả bảo đảm ATGT, cần kết hợp chặt chẽ giữa xử lý nghiêm theo Nghị định 46 với đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Chính vì vậy, trước thời điểm Nghị định 46 có hiệu lực (ngày 1-8) một tuần, lực lượng CSGT Thủ đô đã tổ chức tuyên truyền để người tham gia giao thông có thời gian tiếp cận thông tin cũng như thực hiện đúng pháp luật về TTATGT. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, cần làm cho người tham gia giao thông hiểu đúng, từ đó chấp hành nghiêm quy định.
Ví dụ như, chế tài xử phạt trong Nghị định 46 không phải là phạt lỗi "vượt đèn vàng", mà là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”, bởi ngay tại Điều 9, Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người tham gia giao thông phải chấp hành các hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có đèn tín hiệu... Lỗi này trước đó đã được quy định trong Nghị định 171 và Nghị định 107 với mức phạt từ 100 nghìn đến 800 nghìn đồng đối với người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy. Điều này có nghĩa là người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của cả 3 đèn màu xanh - đỏ - vàng. Về phía lực lượng CSGT, 100% cán bộ, chiến sĩ đã được tập huấn, không chỉ về việc xử lý nhóm 183 hành vi vi phạm trong lĩnh vực TTATGT được quy định tại Nghị định 46 mà còn về phương pháp tuyên truyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ để góp phần thay đổi nhận thức người tham gia giao thông…
Cũng như vậy, để bảo đảm TTATGT một cách triệt để, việc triển khai thực hiện Nghị định 46 cũng cần kết hợp đồng bộ các giải pháp khác. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, thời gian tới, CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc xử lý vi phạm theo hướng nghiêm minh, kết hợp với các chuyên đề xử lý vi phạm khác trên lĩnh vực TTATGT của CATP. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ còn được tăng cường trong dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Bên cạnh đó, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng cần bảo đảm tốt hệ thống hạ tầng giao thông, làm tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TTATGT kết hợp với tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức về ATGT của người tham gia giao thông. Có như vậy mới tạo được chuyển biến mang tính bền vững về TTATGT trên cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng.
Chiều 15-8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) đã tổ chức ra quân thực hiện Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT - TTXH (từ ngày 16-8 đến 15-9). Trong cao điểm, CSGT Hà Nội sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm TTATGT nhằm kiềm chế, làm giảm TNGT, hạn chế thấp nhất số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với xe khách; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông cục bộ, kéo dài; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp tụ tập, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, bảo đảm cho nhân dân đi lại thông suốt, an toàn. Trong cao điểm, CSGT sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định 46/2016/NĐ-CP kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.