Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nghi án” sữa Meiji nhiễm xạ: Chấn động xứ Phù Tang

Minh Nhật| 09/12/2011 07:15

(HNM) - Dư chấn của thảm họa động đất, sóng thần lại tiếp tục gây chấn động Nhật Bản. Công ty sữa Meiji danh tiếng bậc nhất xứ Phù Tang thông báo đã phát hiện chất phóng xạ cesium-137 và cesium-134 trong mẫu sản phẩm sữa bột nhãn hiệu Meiji Step được sản xuất hồi tháng 3.

Việc kiểm tra sau phản hồi của một khách hàng cho thấy hàm lượng phóng xạ cesium-134 được phát hiện ở mức 15,2 becquerel/kg và hàm lượng cesium-137 là 16,5 becquerel/kg, thấp hơn mức độ cho phép đối với sữa và các chế phẩm từ sữa dành cho trẻ em là 200 becquerel/kg theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Mặc dù vậy, Công ty Meiji vẫn có kế hoạch thu hồi 400.000 hộp sữa Meiji Step, loại công thức dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên thuộc các lô có hạn sử dụng đến ngày 4, 21, 22 và 24-10-2012.

Sữa Meiji rất được ưa chuộng tại Nhật Bản.

Nhà chức trách khẳng định hàm lượng phóng xạ như vậy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng đây là lần đầu tiên phóng xạ cesium được tìm thấy trong sữa bột trẻ em. Vụ việc cũng gây hoang mang cho các bậc phụ huynh xứ Mặt trời mọc vì trên thực tế khả năng chống chịu của trẻ em đối với phóng xạ thấp hơn người lớn. Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, với trẻ em, các loại thực phẩm nhiễm xạ có thể sẽ khiến chất phóng xạ bị tích tụ trong tuyến giáp, một nguyên nhân gây bệnh ung thư đã khiến sự việc càng trở thành vấn đề nhạy cảm. Cổ phiếu của Công ty Meiji vốn chiếm tới 40% thị phần trong thị trường sữa bột trẻ em Nhật Bản đã sụt giảm gần 10%.

Hiện Meiji và nhà chức trách xứ Phù Tang đang tìm hiểu lý do khiến sản phẩm sữa bột trẻ em bị nhiễm xạ. Nhà sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản nghi ngờ sự việc có liên quan tới các vụ rò rỉ phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 sau trận động đất, sóng thần hồi tháng 3. Theo lý thuyết, chất đồng vị phóng xạ hạt nhân cesium thường nằm bên trong các thanh nhiên liệu và có thể bị lẫn vào khí quyển dưới dạng khí hoặc bụi khi các thanh nhiên liệu bị hư hỏng. Khả năng này được đánh giá khá cao khi sản phẩm bị thu hồi được sản xuất tại một nhà máy của Meiji ở tỉnh Saitama (cách Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 khoảng 200km). Vì thế, lời khẳng định an toàn đối với các lô sữa khác của Meiji chưa thuyết phục được dư luận.

Kể từ sau vụ nổ ở Nhà máy Fukushima số 1, nhiều sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm tại Nhật Bản đã liên tiếp bị phát hiện có hàm lượng chất phóng xạ ở các mức độ khác nhau. Đầu tiên là cải bó xôi, các loại nấm, măng, mận, chè, sữa tươi, cá quanh khu vực nhà máy điện này bị "tố" chứa cesium. Lượng cesium lên tới 2.300 becquerel/kg cũng đã được tìm thấy trong thịt bò xuất xứ từ tỉnh Fukushima, khu vực nuôi gia súc lớn thứ 10 tại Nhật Bản, chiếm khoảng 2,7% tổng đàn gia súc của nước này. Hàm lượng cao kỷ lục so với giới hạn an toàn mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra đối với thực phẩm là 500 becquerel/kg đã gây cú sốc cho dư luận. Gần đây, lệnh cấm đối với gạo sản xuất tại Onami, cách Nhà máy Fukushima 58km về phía Tây bắc do chứa chất phóng xạ cesium vượt chuẩn khi ở mức 630 becquerel/kg làm sâu sắc thêm quan ngại rằng có thể những phát hiện này chưa phải là cuối cùng. Song, có điều chắc chắn là các sự kiện nối tiếp nhau đã gióng lên hồi chuông về độ an toàn của thực phẩm Nhật Bản sau thảm họa. Điều đó cũng có nghĩa rằng, chính phủ nước này sẽ phải có nhiều hành động thực tế, chứ không chỉ là những lời trấn an nhằm giữ niềm tin của dư luận với hàng hóa xứ Hoa Anh đào vốn được yêu mến bởi chất lượng và độ tin cậy cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nghi án” sữa Meiji nhiễm xạ: Chấn động xứ Phù Tang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.