Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Nghẹt thở'' với Chiến dịch Hoa Kim Tước

Vân Lam| 29/11/2020 05:50

(HNMCT) - Không phải là cuốn tiểu thuyết trinh thám hay phiêu lưu ly kỳ, nhưng gần 300 trang viết kể chuyện Chiến dịch Hoa Kim Tước (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) nhiều lúc khiến tôi thấy “nghẹt thở”. Vì lo lắng, vì hồi hộp, và cả vỡ òa trong cảm giác thành công với tác giả - Đại sứ Phạm Sanh Châu, cùng các “đồng đội” của ông - những cán bộ nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, khi đã giải cứu 339 người dân mắc kẹt ở Ấn Độ trở về với Tổ quốc giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Nếu chưa đọc Chiến dịch Hoa Kim Tước, rất có thể có người sẽ nghĩ dùng những từ “giải cứu” hay “chiến dịch” e rằng hơi “đao to búa lớn”. Nhưng qua từng trang viết, trong đó có những lá thư tri ân của người dân gửi đến, mới thấy để đưa được 339 con người ấy về Việt Nam là cả một hành trình nỗ lực khôn cùng. Hơn 6,5 nghìn cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Độ, cùng vô số tình huống nan giải, thậm chí “thót tim” mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua. Ví như việc lựa chọn danh sách người được về trong chuyến bay đầu tiên thế nào khi có trường hợp không thuộc diện đủ điều kiện nhưng lại “đủ lý đủ tình” để được xếp “ngoại lệ”.

Có chuyến bay giải cứu rồi, nhưng làm sao để tập hợp được những người trong danh sách hiện đang ở rải rác nhiều nơi tại Ấn Độ, trong khi lệnh phong tỏa vẫn đang được thực thi. Một số người lại không thể thuê ô tô do các giấy phép mãi vẫn chưa được cấp, một số bị “đuổi” khỏi khách sạn, hoặc khi đến được nơi tập hợp thì đã đói mềm... Khó có thể kể hết những việc không tên đầy vất vả để lo mọi loại giấy tờ thông hành cho hàng trăm người về Thủ đô New Delhi bằng các loại phương tiện khác nhau trong khoảng thời gian gấp gáp giữa thời điểm phong tỏa.

Trải qua bao khó khăn, 13 “cánh quân” theo từng khu vực, mỗi nhóm do một cán bộ sứ quán phụ trách từ xa qua email và group chat, đã ngày đêm vượt hàng chục ngàn ki lô mét của 22 tiểu bang để về tập hợp tại New Delhi. Bữa cơm giản dị nhưng ấm tình quê hương nước Việt với đậu sốt, rau muống xào, “món quà” để ăn đường quen thuộc với cơm nắm, muối vừng, trứng luộc mà các cán bộ ở Đại sứ quán Việt Nam chuẩn bị đã khiến người dân rơi lệ. Liên tục hỏi thăm, động viên mọi người dân với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp tiền để hỗ trợ người dân mua vé máy bay, đứng nhiều giờ liên tục để giúp người dân kê khai thông tin làm thủ tục xuất nhập cảnh... là những ấn tượng mà mỗi người dân được trở về lần này nhớ mãi.

Chưa bao giờ ba chữ “trở về nhà” lại trở nên khắc khoải và thiêng liêng như thế đối với những người Việt kẹt lại ở Ấn Độ vì Covid-19. Những nỗ lực tổ chức một chiến dịch giải cứu mà Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đặt tên là Chiến dịch Hoa Kim Tước thực sự công phu. Sau chiến dịch, Đại sứ quán còn tổ chức thêm 3 chiến dịch nữa đều mang tên các loài hoa tượng trưng của các đất nước mà công dân Việt Nam đang mắc kẹt. Mỗi chiến dịch có một bối cảnh khác nhau, con người khác nhau và trải nghiệm khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là lo lắng và hồi hộp cho đến tận giây phút cuối cùng. Và cuốn sách Chiến dịch Hoa Kim Tước cũng mang lại vẹn nguyên những cảm xúc ấy cho bạn đọc, dù tác giả Phạm Sanh Châu chỉ đơn giản kể lại câu chuyện, điểm vài nét về tình huống của một số cá nhân.

Chiến dịch Hoa Kim Tước là một cuốn sách đặc biệt, bởi viết về một cuộc di dân đặc biệt mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi đó là “cuộc di dân bác ái”. Cuốn sách Chiến dịch Hoa Kim Tước cũng “hé lộ” những “chuyện hậu trường” để bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những “người lính trên mặt trận ngoại giao” hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Nghẹt thở'' với Chiến dịch Hoa Kim Tước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.